Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo.
Sáng 10/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống ma túy do Bộ Công an tổ chức.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có đại diện các bộ, ngành liên quan; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đặc biệt có sự tham dự của đại diện lực lượng phòng, chống ma túy trong toàn quốc.
Người nghiện ma túy gây nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng
Theo Bộ Công an, thời gian qua, tình hình an ninh, chính trị trên thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, khó dự báo. Công tác đấu tranh với tội phạm ma túy của các quốc gia thời gian gần đây cho thấy tội phạm đang gia tăng thẩm lậu ma túy vào khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Ma túy chủ yếu từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển trái phép với số lượng ngày càng lớn về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba.
Thời gian gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều dạng ma túy mới, núp bóng, ngụy trang dưới nhiều dạng như sản phẩm đồ uống, thực phẩm, thuốc lá thế hệ mới...
Việc sử dụng ma túy tổng hợp trong thanh thiếu niên tăng nhanh; tình trạng người sử dụng chất ma túy trái phép, người nghiện ma túy ở ngoài xã hội, không được theo dõi, quản lý đã gây ra nhiều vụ phạm pháp hình sự, trong đó đáng chú ý là số đối tượng “ngáo đá” bị rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi gây ra các vụ giết người, cố ý gây thương tích, tai nạn giao thông… đặc biệt nghiêm trọng, làm chết, bị thương nhiều người.
Bộ Công an với vai trò Cơ quan Thường trực phòng, chống ma túy của Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tham mưu Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Công tác đấu tranh chống tội phạm về ma túy đã chú trọng vào các tuyến, địa bàn trọng điểm.
Các lực lượng chuyên trách của Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quan đã phối hợp, hiệp đồng hiệu quả, phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm ma túy được tiến hành kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật. Tình trạng tái trồng cây có chứa chất ma túy cơ bản được ngăn chặn. Công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy có nhiều chuyển biến tích cực.
Công tác rà soát, thống kê, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc được quan tâm, chỉ đạo và thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc.
Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy được tăng cường mở rộng, góp phần quan trọng bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Các lực lượng đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện Phương án nghiệp vụ số 02 về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm, tập trung là tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung-Tây Nguyên và Tây Nam.
Triển khai thực hiện các hiệp định song phương, đa phương và các bản ghi nhớ hợp tác phòng, chống ma túy với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới gồm: Trung Quốc, Lào, Campuchia, tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào nước ta từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát…góp phần tạo chuyển biến tích cực về trật tự an toàn xã hội, kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.
Năm 2022, các lực lượng chuyên trách đấu tranh chống tội phạm ma túy của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính đã phối hợp, hiệp đồng phát hiện hiện, bắt giữ 26.967 vụ, 41.308 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 809 kg heroin, 6,1 tấn ma túy tổng hợp, 867 kg cần sa và trên 1 tấn ma túy khác; triệt xóa 417 điểm, 43 tụ điểm phức tạp về ma túy; đấu tranh 1.563 vụ lợi dụng cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ nhạy cảm để sử dụng ma túy.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu từ Trung ương đến cơ sở đã thảo luận, đánh giá, nhận định tình hình, đồng thời đề xuất các giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới.
Theo đó, tiếp tục tăng cường công tác tham mưu chỉ đạo về phòng, chống ma túy; đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống ma túy; tổ chức đấu tranh chống tội phạm ma túy; tăng cường quản lý đối tượng liên quan đến ma túy; chủ động làm tốt công tác nắm, phân tích, dự báo và đánh giá đúng tình hình; triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch, phương án đấu tranh phòng, chống ma túy; kiểm soát các hoạt động liên quan đến ma túy; tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển ma túy; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy, nhất là với lực lượng chức năng và các tỉnh đối biên của Trung Quốc, Lào và Campuchia…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tệ nạn ma túy đã và đang trở thành hiểm họa lớn của nhân loại. Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để phòng, chống và kiểm soát ma túy, trong đó Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022.
Trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là do xung đột tại Ukraine, dịch COVID-19, khó khăn về kinh tế, nạn ma túy diễn biến phức tạp trên thế giới, nhất là ở khu vực Tam giác vàng…, hơn 1 năm qua, Luật Phòng, chống ma túy được triển khai nghiêm túc, đạt kết quả quan trọng: nhận thức và hành động về công tác phòng, chống ma túy tiếp tục chuyển biến tích cực; hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách về phòng, chống ma túy ngày càng được hoàn thiện; các lực lượng phòng, chống ma túy tích cực bám sát địa bàn, nắm tình hình đối tượng; chủ động mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.
Công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, công tác cai nghiện, quản lý sau cai đã triển khai thực hiện xuyên suốt từ Trung ương đến các xã, phường, thị trấn; công tác phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy được triển khai đồng bộ, hiệu quả; hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy được tăng cường, đạt hiệu quả cao…
Phòng, chống ma túy phải từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở
Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, đóng góp; tri ân trước những cống hiến, hy sinh; chúc mừng những thành tích xuất sắc của cán bộ, chiến sỹ lực lượng Công an, các cấp, các ngành trong phòng chống tội phạm ma túy thời gian qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của đất nước.
Người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế trong công tác phòng, chống ma túy như: một số địa phương, nhất là ở cơ sở cấp ủy, chính quyền chưa huy động được sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống, kiểm soát ma túy; thiếu cơ chế vận hành, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát trong phòng, chống ma túy; sự phối hợp giữa các cấp, ngành, cơ quan còn thiếu chặt chẽ, còn tình trạng “khoán trắng” cho lực lượng Công an; thiếu trạm y tế cấp xã, nguồn nhân lực y, bác sỹ đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện; công tác quản lý sau cai nghiện còn hạn chế, chưa có nhiều mô hình hiệu quả giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; kinh phí trong công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy tại nhiều địa phương còn hạn chế…
Trong khi đó, tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp; công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới…
Để tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác phòng, chống ma túy, Thủ tướng Chính phủ cho rằng công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy luôn phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở xã, phường. Lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt, song không “khoán trắng” cho lực lượng Công an.
Theo Thủ tướng, ma túy là hiểm họa của nhân loại, là vấn đề toàn cầu nên phòng, chống ma túy phải có cách tiếp cận toàn cầu, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế. Đồng thời, đây cũng là vấn đề toàn dân nên phải có những giải pháp toàn dân, phải huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân.
Phòng, chống và kiểm soát ma túy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị-xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại; coi trọng công tác phòng, chống ma túy từ cơ sở và tập trung vào nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo
Về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, nhất là ở cơ sở căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống ma túy từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ về công tác phòng, chống ma túy; khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm các cấp; tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là các nước có chung đường biên giới và các quốc gia có tiềm lực về kinh tế, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống ma túy; đẩy mạnh triển khai Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an thực hiện tốt chức năng là cơ quan thường trực về phòng, chống ma túy; tập trung đấu tranh, triệt xóa các cơ sở, điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy, ngăn chặn để họ không trở thành người nghiện và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Bộ Quốc phòng quản lý chặt chẽ tuyến biên giới; phối hợp với lực lượng Công an để phòng, chống ma túy từ xa, nhất là khu vực biên giới, trên biển.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao, nghiên cứu ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan; chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, nhất là các hành vi mua bán, vận chuyển, lưu hành các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bị lợi dụng để ma túy “núp bóng.”
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức đánh giá hiệu quả các biện pháp cai nghiện, nhất là biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy công lập; sớm đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai.
Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy, nhất là tại các “điểm nóng” về ma túy và với nhóm nguy cơ cao.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phòng, chống và kiểm soát ma túy; thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và ban hành Kế hoạch phòng, chống ma túy; ưu tiên, bố trí kinh phí phù hợp; sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới cơ sở cai nghiện ma túy công lập đáp ứng yêu cầu, trong đó lưu ý hợp tác công tư trong công tác này; tăng cường công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai nghiện; nắm chắc tình hình, xây dựng cơ sở, xã, phường không có ma túy...
Thủ tướng Chính phủ cho rằng cuộc đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy còn rất nhiều cam go, nguy hiểm và khó khăn; mong muốn và tin tưởng, với truyền thống anh hùng vẻ vang “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ,” lực lượng Công an nhân dân tiếp tục phát huy vai trò chủ công, nòng cốt, cùng các bộ, ngành, lực lượng khác ra sức phấn đấu lập nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa trên mặt trận đấu tranh phòng, chống, kiểm soát ma túy, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên, lành mạnh và hạnh phúc của nhân dân./.
Theo TTXVN