| 02-08-2024 | 07:51:41

Thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh - Kỳ 2

Kỳ 2: Những điển hình chuyển đổi số thành công

Chuyển đổi số (CĐS) vừa là xu thế tất yếu vừa là yêu cầu sống còn của doanh nghiệp (DN) trong thời đại kinh tế số ngày nay. Từ những định hướng, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ tích cực của địa phương, cùng nỗ lực tự thân, nhiều DN Bình Dương đã đạt được những thành công bước đầu từ quá trình CĐS trong sản xuất, kinh doanh mà 2 DN được giới thiệu trong bài viết này là những điển hình.

 

Hoạt động sản xuất của Công ty Nhựa Nhị Bình được quản lý bằng hệ thống ERP kết hợp giám sát bằng IOT

 Tạo động lực tăng trưởng

Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình (TBS Group) là tập đoàn sản xuất và đầu tư đa ngành ở Việt Nam với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chủ yếu là: Sản xuất da giày, túi xách; đầu tư, kinh doanh thương mại; kinh doanh bất động sản và hạ tầng công nghiệp; cảng và logistics. Không chỉ lớn mạnh về quy mô, TBS Group ngày càng trở thành DN kinh doanh có hiệu quả, có đủ năng lực hấp dẫn các đối tác lớn trên thế giới với hệ thống hạ tầng sản xuất, kinh doanh quy mô và đa dạng.

Xuất phát từ quy mô kinh doanh đa ngành, với lực lượng sản xuất 50.000 lao động và thị trường toàn cầu, thời gian qua, bên cạnh việc không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, TBS Group đã sớm mạnh dạn đầu tư hơn 10 triệu đô la Mỹ hoàn hiện hạ tầng kỹ thuật số và đưa vào vận hành hệ thống SAP - phần mềm quản trị hoạt động DN. Phần mềm này đóng vai trò như “bộ não” của DN, giúp theo dõi chặt chẽ quy trình bán hàng, thống kê dữ liệu để phân tích doanh thu và tính lợi nhuận.

Phần mềm còn tích hợp thu thập xử lý dữ liệu nắm bắt được thông tin của khách hàng, từ vị trí địa lý, tâm lý đến hành vi tiêu dùng. Bên cạnh đó, phần mềm này còn thực hiện hàng loạt chức năng như quản lý mua hàng, tối ưu hóa mối quan hệ giữa DN và nhà cung cấp, đồng thời quản lý hiệu quả các đơn đặt hàng và lưu thông hàng hóa. Bên cạnh đó còn có các chức năng quản lý kho, quản lý tài chính, quản lý nguồn nhân lực.

Trong quản lý sản xuất, SAP còn kết hợp công nghệ AI và IOT cung cấp giải pháp quản lý toàn diện cho DN trong hoạt động sản xuất, bao gồm việc lập kế hoạch, giám sát quá trình sản xuất, phân chia sản lượng phù hợp cho từng nhà máy trong hệ thống cũng như bảo đảm chất lượng và quản lý nguyên vật liệu một cách chặt chẽ và hiệu quả.

Đối với lĩnh vực logistics, phần mềm này quản lý quy trình logistics với sự hỗ trợ của AI và IOT tiên tiến, cũng như kiểm soát hoạt động vận hành kho bãi một cách chính xác. Hệ thống camera, hệ thống chống cháy và nhân viên an ninh giám sát 24/24 giờ bảo đảm khu vực lưu trữ được an toàn và các hoạt động logistics được kiểm soát chặt chẽ.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc TBS Group việc sớm đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống SAP đã mang lại hiệu quả rất to lớn cho công ty trong việc điều hành sản xuất, nắm bắt thị trường, định hướng đầu tư và giảm đáng kể chi phí quản lý. Cùng với đó, công tác điều hành của lãnh đạo công ty có thể xuyên suốt và ngay tức thì, không kể thời gian và không gian nên tạo được động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho đơn vị trong thời gian qua.

Giúp nâng cao năng lực cạnh tranh

Sau 15 năm đi vào hoạt động, đến nay, Công ty Nhựa Nhị Bình đã mở rộng quy mô sản xuất với 2 chi nhánh hoạt động ở khu vực phía Nam. Trong đó, Nhà máy Nhựa Nhị Bình - Chi nhánh Bình Dương tại Khu công nghiệp VSIP II-A với diện tích 10.000m2 được đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, đóng vai trò trọng yếu với sản lượng chiếm 2/3 sản lượng toàn công ty.

Nắm bắt được sự cấp thiết phải nâng cao năng lực quản trị DN trong điều kiện mới, Công ty Nhựa Nhị Bình đã đầu tư ứng dụng giải pháp ERP Fast Business Online - Hệ thống tin học hóa tổng thể DN, tự động hóa các tác nghiệp của đội ngũ nhân viên của DN nhằm giải quyết các vấn đề trong quản lý, số hóa toàn diện, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong phạm vi DN, hệ thống ERP có chức năng hoạch định nguồn lực, bao gồm nhân lực, vật lực và tài lực.

Điểm phân biệt cơ bản nhất của việc ứng dụng phần mềm ERP so với cách áp dụng nhiều phần mềm quản lý rời rạc khác (như phần mềm kế toán, quản lý nhân sự, quản lý khách hàng…) là tính tích hợp. ERP là một phần mềm duy nhất và các module của nó thực hiện các chức năng tương tự như các phần mềm quản lý rời rạc, nhưng các module này còn làm được nhiều hơn thế trong môi trường tích hợp.

Với yêu cầu đặt ra là hệ thống phải thích hợp với nguồn lực DN, phần mềm ERP Fast Business Online được phát triển trên nền tảng web nên rất thuận tiện trong việc quản lý và sử dụng. Với chi phí đầu tư hợp lý cho DN vừa và nhỏ, giải pháp phần mềm đáp ứng được các bài toán đặc thù, tùy biến theo nhu cầu quản lý của Công ty Nhựa Nhị Bình.

Nhờ ứng dụng giải pháp ERP Fast Business Online, Công ty Nhựa Nhị Bình đã nâng cao hiệu quả quản trị tài chính kế toán và quản lý hàng tồn kho, đồng thời giúp quản lý mọi cơ sở dữ liệu một cách có hệ thống. Phần mềm này còn kết nối toàn bộ hoạt động kinh doanh, hỗ trợ quy trình nghiệp vụ của các phòng ban được vận hành trôi chảy, giảm thiểu hơn 70% quá trình sai sót trong phối hợp sản xuất; dữ liệu số tập trung trên cùng một hệ thống nên dễ dàng tiếp cận và thuận tiện cho tổng hợp báo cáo phòng ban, báo cáo tài chính.

Từ thực tế của 2 DN trên cho thấy, tuy còn những khó khăn nhất định nhưng vấn đề thực hiện CĐS đã mang lại những kết quả tích cực cho DN. Và hy vọng rằng, với sự hỗ trợ tích cực của tỉnh, nỗ lực của các DN, quá trình CĐS trong sản xuất, kinh doanh ở Bình Dương sẽ tăng tốc nhanh hơn và đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới.

 Ngày 7-1-2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Chương trình hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021-2025, giao Cục Phát triển DN chủ trì triển khai các hoạt động hỗ trợ DN CĐS, như: Nâng cao nhận thức, tư vấn lộ trình, đào tạo chuyên sâu, xây dựng mạng lưới tư vấn viên để giúp các DN có thể CĐS từng phần đến CĐS toàn phần, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị phần và dần vươn ra thị trường quốc tế.

 TUẤN ANH  

Chia sẻ