Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Chuyển đổi số (CĐS) đang là chủ trương lớn của Chính phủ và mọi ngành nghề, trong đó có giáo dục - đào tạo (GD-ĐT). Những năm gần đây, ngành GD-ĐT Bình Dương đã và đang từng bước thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng, xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số. Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ nhiều phía, CĐS đang ngày một thấm sâu vào các hoạt động dạy và học trong toàn ngành GD-ĐT, mang lại nhiều tín hiệu tích cực.
Một tiết dạy học ứng dụng CNTT tại trường TH Uyên Hưng B, TX.Tân Uyên
Thay đổi để thích ứng
Nếu như trước đây, công tác quản lý trong GD-ĐT chủ yếu thông qua hồ sơ, sổ sách là chính, thì giờ đây, việc quản lý hồ sơ, sổ sách của cán bộ, giáo viên đã được đơn giản hóa bằng công nghệ thông tin (CNTT). Tất cả các dữ liệu của ngành GD-ĐT đã được cập nhật vào hệ thống phần mềm, giúp cho cán bộ quản lý thuận tiện hơn. Trong giảng dạy, trước đây giáo viên phải rất vất vả để có thể tìm kiếm những hình ảnh, biểu tượng, đồ dùng phục vụ bài giảng thì nay giáo viên có thể sử dụng internet để chủ động khai thác tài nguyên giáo dục phong phú cho bài giảng điện tử để tạo sự hấp dẫn, hứng thú cho học sinh (HS). Vì vậy, sử dụng giáo án điện tử và ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy, học tập đang là xu thế trong ngành GD-ĐT.
Chúng ta đã từng chứng kiến cảnh HS, giáo viên phải tạm ngừng đến trường, các hoạt động giáo dục bị hạn chế khi dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm mà CNTT được khai thác một cách triệt để, toàn diện nhằm thực hiện mục tiêu “Tạm ngừng đến trường, không ngừng học”. Thầy Lê Đăng Tiến, Phó Hiệu trưởng trường THCS Trịnh Hoài Đức, TP.Thuận An chia sẻ, hơn 2 năm qua nhờ CĐS mạnh mẽ mà trường bảo đảm khá tốt việc dạy và học với số lượng HS duy trì học trực tuyến ở các bậc học đạt gần 100%. CNTT thực sự trở thành trụ cột cốt lõi không thể thiếu trong quản lý, tổ chức dạy và học của trường”.
Tại trường TH Uyên Hưng B, TX.Tân Uyên, để thúc đẩy việc ứng dụng CNTT hướng tới CĐS công tác quản lý, dạy và học, nhà trường đã được đầu tư hệ thống internet, tivi thông minh cho các phòng học và phòng chức năng. Giáo viên mạnh dạn giảng dạy thông qua các phần mềm, mô hình, hình ảnh trực quan sinh động. Bên cạnh đó, các thiết bị thông minh còn có thể giúp thầy cô trực tiếp tải về các video, hình ảnh, tư liệu phục vụ cho bài giảng của từng tiết học.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Phong, Phó Hiệu trưởng trường TH Uyên Hưng B, chia sẻ: “Hiện tại nhà trường đang từng bước đẩy mạnh thực hiện CĐS theo chỉ đạo của ngành GD-ĐT. Trong năm học này, nhà trường đã tiến hành triển khai học bạ điện tử cho HS lớp 1 và tiến hành thu các khoản phí không dùng tiền mặt. Chương trình giảng dạy cũng được thực hiện thông qua giáo án điện tử, các tiết học ứng dụng CNTT được giáo viên chú trọng…”.
Trong khi đó, cô Lê Thị Phương Thảo, giáo viên trường THPT Huỳnh Văn Nghệ, TX.Tân Uyên, chia sẻ khi yêu cầu CĐS ngày càng cao, bản thân mỗi giáo viên cũng phải nỗ lực thay đổi để phù hợp với xu thế. Từ định hướng CĐS của ngành, giáo viên cũng đã cố gắng nghiên cứu, học hỏi bằng nhiều cách khác nhau như tham gia các lớp tập huấn, tìm hiểu trên mạng internet, đầu tư phương tiện dạy học… giúp thuận lợi hơn cho việc khai thác dữ liệu, soạn bài giảng điện tử, tổ chức giảng dạy trong môi trường số, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động CĐS.
Vì mục tiêu chung
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó GD-ĐT là một trong những lĩnh vực cần được ưu tiên thực hiện CĐS trước tiên. Thực hiện Kế hoạch số 3776/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và CĐS ngành GD-ĐT giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030”, xác định CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, xu thế tất yếu, Sở GD-ĐT đã ban hành kế hoạch đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT toàn diện.
Trong đó, sở chú trọng xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở phục vụ dạy, học trong và ngoài nhà trường, phục vụ mục đích học tập suốt đời, học tập qua mạng. Bước đầu các trường đã triển khai dạy STEM thông qua các môn khoa học tự nhiên, tiết hoạt động trải nghiệm, tổ chức dạy học các môn học STEM theo tinh thần dạy học liên môn. Sở thực hiện việc rà soát, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu ngành và chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác cập nhật, báo cáo, thống kê trên cơ sở dữ liệu ngành GD-ĐT (csdl.moet.gov.vn) của Bộ GD-ĐT; tổ chức thí điểm đồng bộ dữ liệu từ các ứng dụng lên cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GD-ĐT. Sở cũng tiếp tục chỉ đạo và triển khai sử dụng hiệu quả hệ thống mail Google miễn phí cho toàn ngành GD-ĐT với tên miền @sgdbinhduong.edu.vn và đã trang bị tài khoản mail cùng với dịch vụ hỗ trợ đến từng giáo viên và HS, phục vụ tốt công tác quản lý, giảng dạy và học tập…
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết trong xu thế CĐS, ngành GD-ĐT Bình Dương sẽ không đứng ngoài cuộc. Hiện tại, hầu hết các trường ở các cấp học trong tỉnh đã được trang bị phòng máy tính, máy chiếu tương đối đầy đủ phục vụ cho việc giảng dạy và học tập; nhiều phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, dạy học được áp dụng rộng rãi. “Thời gian tới, ngành tích cực tham mưu UBND tỉnh ưu tiên dành nguồn lực để hiện đại hóa hệ thống CNTT, tập huấn bồi dưỡng giáo viên, tuyên truyền về nhận thức CĐS từ cán bộ quản lý, giáo viên và cả HS để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, dạy và học. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cùng với những cơ hội thì cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực để vượt qua”, bà Hằng nói.
HỒNG PHƯƠNG