| 09-07-2022 | 07:51:45

Thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khởi nghiệp

Bình Dương đã và đang tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước xây dựng và kết nối các thành phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), ứng dụng vào thực tiễn. Đây là nền tảng tiên quyết, tạo tiềm lực để đột phá, là chìa khóa thu hút đầu tư.

 Sinh viên thc hành ti Phòng thí nghim trường Đại hc Quc tế Min Đông

 Hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp

Bộ KH&CN vừa phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối đầu tư giữa các Startup ICT của Việt Nam với chủ đề: Kết nối và thúc đẩy đầu tư Startup công nghệ. Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh, năm 2022 sẽ là năm hệ sinh thái ĐMST tại Việt Nam có những bước phát triển đột phá, với việc xây dựng hành lang pháp lý của Chính phủ, cổ vũ cho sự phát triển, mở ra những cơ hội cho doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn tiếp theo của ĐMST và nền kinh tế số Việt Nam.

Tại điểm cầu Bình Dương, bà Phan Thị Thùy Trang, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, Sở KH&CN đã tham luận về vấn đề thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp tại Bình Dương. Bà Trang cho biết, với tư duy ĐMST trong việc phát triển kinh tế, Bình Dương nhận thấy vai trò quan trọng của KH&CN và khởi nghiệp ĐMST trong chiến lược phát triển, tỉnh cũng đã dành sự quan tâm mạnh mẽ cho hoạt động này trong thời gian qua. Cụ thể, Bình Dương rất tích cực trong việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án 844 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến năm 2025, chú trọng việc xây dựng yếu tố nền tảng để thúc đẩy ĐMST trong cộng đồng, hướng đến mục tiêu thành phố thông minh trên cơ sở phát triển công nghệ và ĐMST. Tỉnh mong muốn đẩy mạnh phát triển hơn nữa tư duy ĐMST trong thế hệ trẻ, tạo điều kiện cho người dân, DN sáng tạo, thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Từ năm 2017, với vai trò là đơn vị đầu mối quản lý hoạt động KH&CN tại địa phương, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển hoạt động khởi nghiệp và triển khai các hoạt động tiền đề, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp của Bình Dương. Đến năm 2021, số lượng tổ chức KH&CN do Sở KH&CN cấp giấy chứng nhận là 22 đơn vị, trong đó có 7 đơn vị do Bộ Giáo dục - Đào tạo quản lý (gồm các trường đại học, cao đẳng), có 7 phòng thí nghiệm, thực nghiệm được xây dựng dựa trên những lĩnh vực thuộc thế mạnh của Bình Dương như Fablab lĩnh vực cơ khí chế tạo (trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore); Fablab lĩnh vực công nghệ sinh học (trường Đại học Thủ Dầu Một); Fablab đa ngành (Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương); Phòng thí nghiệm chế tạo Becamex IDC; Phòng thí nghiệm chiếu sáng Philips EIU tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông; Viện Nghiên cứu và Phát triển Becamex IDC; Phòng nghiên cứu và phát triển chung của VNTT và Wustech.

Mục tiêu hình thành hệ sinh thái và cộng đồng khởi nghiệp tập trung vào một số ngành công nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao trên cơ sở ĐMST (điện tử - công nghệ thông tin; công nghệ robot và tự động hóa; công nghiệp sinh học; cơ khí chế tạo…); các ngành, lĩnh vực khác có ý nghĩa quan trọng về KH&CN, có khả năng thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu. Đồng thời, tạo môi trường, không gian làm việc cho các cá nhân và cộng đồng, cung cấp và chia sẻ công cụ sản xuất, nhằm thúc đẩy khả năng sáng tạo.

Bình Dương đã hình thành và kết nối mạng lưới các tổ chức có hỗ trợ khởi nghiệp gồm Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh; vườn ươm DN tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Câu lạc bộ Khởi nghiệp tại trường Đại học Thủ Dầu Một; tổ chức hỗ trợ thành lập DN tại trường Đại học Bình Dương. Đặc biệt, với Quyết định 826/QĐ-UBND ngày 27-3-2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025 là chính sách kịp thời, động lực đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh.

Lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Hiện nay, tại Bình Dương, có 8 trường đại học đang hoạt động với nhiều loại hình khác nhau từ trường công lập, trường tư thục, trường quốc tế. Hoạt động khởi nghiệp các trường hiện nay vẫn còn riêng lẻ, chưa có sự kết nối sâu rộng và tạo sự gắn kết chặt chẽ với nhau, chủ yếu tập trung các hoạt động tổ chức cuộc thi về khởi nghiệp, một số hoạt động giao lưu với doanh nhân về khởi nghiệp…

Để thúc đẩy phát triển khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, cần đẩy mạnh vai trò kết nối của Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp để tạo liên kết mạnh trong mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp, ĐMST trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và kết nối các thành phần trong hệ sinh thái ĐMST trong và ngoài tỉnh. Thúc đẩy sự phát triển của DN khởi nghiệp ĐMST (hỗ trợ phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp; không gian làm việc) và các chủ thể trung gian cung cấp dịch vụ đào tạo, ươm tạo, tư vấn, hỗ trợ, đầu tư cho DN khởi nghiệp ĐMST thông qua Đề án 826.

Bên cạnh đó, thiết lập kết nối DN lớn, thúc đẩy DN đầu tư vào hoạt động ĐMST và khởi nghiệp thông qua khuyến khích DN trích lập và sử dụng quỹ KH&CN DN, qua đó giúp kết nối giữa DN và khởi nghiệp, viện trường để giải quyết bài toán của DN. Đẩy mạnh truyền thông về ĐMST để thu hút sự quan tâm và đầu tư hơn nữa của DN và cộng đồng.

 PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ

Chia sẻ