| 30-08-2022 | 08:18:03

Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh

 Trong 10 năm qua, Bình Dương đã đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1-11-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Công tác nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ (KHCN) đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà.

 Bình Dương ưu tiên nguồn lực để triển khai nhiệm vụ KHCN trọng điểm, phục vụ phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm. Trong ảnh: Hoạt động tại Trung tâm thí nghiệm chế tạo Fablab, trường Đại học Quốc tế Miền Đông

 Đưa nghị quyết vào cuộc sống

Với chủ trương đổi mới, hội nhập trong tình hình mới, Bình Dương đã xây dựng nhiều chính sách thúc đẩy phát triển KHCN theo các văn bản của Trung ương và địa phương. Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã cụ thể hóa thành nhiều văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với điều kiện địa phương, từ đó hoạt động KHCN đã có những chuyển biến tích cực, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, quán triệt, nhận thức của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân được nâng lên, hiểu rõ hơn vai trò, sự đóng góp của KHCN trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động vào cuộc sống.

Ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở KHCN, cho biết: “Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn sát sao, chỉ đạo kịp thời để thực hiện đổi mới cơ chế quản lý và cơ chế hoạt động KHCN theo quy định của Trung ương và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tế của địa phương. Cơ chế xác định nhiệm vụ KHCN được đổi mới theo nguyên tắc, kết quả nhiệm vụ phải có địa chỉ ứng dụng cụ thể và được các sở, ban ngành, địa phương, doanh nghiệp cam kết sử dụng, nhân rộng khi nhiệm vụ hoàn thành. Các hoạt động nghiên cứu KHCN được công khai từ khâu đề xuất, xác định, tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện”.

Sở KHCN đang chuẩn bị tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh Quyết định số 51/2015/QĐ- UBND ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của sở; Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 6-12-2019 của UBND tỉnh về ban hành quy định quản lý nhiệm vụ KHCN có sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh làm cơ sở triển khai ứng dụng và phát triển KHCN vào sản xuất và đời sống. Tổ chức quản lý nhà nước về KHCN cấp huyện được bố trí theo đúng quy định 1 phó trưởng phòng và 1 chuyên viên theo dõi phụ trách.

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng chỉ đạo, thực hiện quản lý, theo dõi các hoạt động giám định, thẩm định công nghệ, thực hiện thẩm định các hợp đồng chuyển giao công nghệ của các dự án đầu tư theo quy định. Triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 tại các cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2019-2021. Hoạt động quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ dần đi vào chiều sâu, số lượng đăng ký sở hữu công nghiệp ngày càng tăng; các hoạt động quản lý, hỗ trợ về khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo từng bước được hoàn thiện và tiếp tục phát triển. Công tác quản lý về an toàn bức xạ đi vào nề nếp, đa số các cơ sở bức xạ chấp hành tốt việc khai báo và được cấp phép tiến hành công việc bức xạ.

Trong giai đoạn 2012-2022, tỉnh đã phê duyệt triển khai nhiều nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh thuộc các lĩnh vực. Các nhiệm vụ KHCN được triển khai theo đặt hàng của tỉnh, các đề tài đều mang tính ứng dụng, giải quyết nhu cầu bức xúc của địa phương, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn để giải quyết nhiệm vụ của các ngành, địa phương, doanh nghiệp, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả quản lý trong các lĩnh vực như tài nguyên môi trường, nông nghiệp, văn hóa - thể thao và du lịch, công nghiệp…

Đối với các nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh thực hiện ký kết hợp đồng 101 nhiệm vụ (giữa Sở KHCN, Quỹ Phát triển KHCN tỉnh tổ chức chủ trì) sử dụng ngân sách Nhà nước, hoàn thành nghiệm thu 150 nhiệm vụ KHCN, trong đó có 12 kết quả nghiên cứu nổi bật trong giai đoạn 2012-2021. Với kết quả đạt được, các sản phẩm nghiên cứu KHCN được chuyển giao kịp thời cho các tổ chức, đơn vị đặt hàng triển khai ứng dụng.

Đối với nhiệm vụ KHCN cấp ngành, địa phương, Sở KHCN luôn tham gia các hoạt động hỗ trợ chuyên môn như xét chọn, thẩm định, kiểm tra tiến độ, đánh giá nghiệm thu; tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội nghị phổ biến, tuyên truyền đến các sở, ngành, địa phương; làm đầu mối phối hợp các trường đại học, viện nghiên cứu chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho địa phương; xây dựng và ký kết các chương trình phối hợp với các đơn vị trong tỉnh.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Với chủ trương đưa KHCN gần hơn với doanh nghiệp, tỉnh đã đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, triển khai, đổi mới công nghệ, tham gia các chương trình KHCN cấp quốc gia, tham gia các hội chợ thiết bị và công nghệ, diễn đàn cung cầu; tham gia chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Công tác nghiên cứu, ứng dụng, phát triển KHCN đạt nhiều kết quả, góp phần phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, sản xuất và đời sống.

Giai đoạn 2011-2016, đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế tỉnh Bình Dương là 25,41% và 26,66% (giai đoạn 2016- 2021). Mặc dù chỉ số TFP của tỉnh chưa đạt theo Chương trình hành động số 63/CT-TU ngày 7-6-2013 của Tỉnh ủy (đến năm 2020, hoạt động KHCN đóng góp khoảng 35% tăng trưởng kinh tế) do nguồn vốn đầu tư và thu hút lao động của tỉnh tăng cao, vì vậy tỷ phần đóng góp tăng tài sản cố định và tăng lao động vào tăng GRDP cao nên tỷ phần đóng góp của TFP vào tăng GRDP chưa đạt.

Tuy nhiên tốc độ tăng TFP của tỉnh qua các năm vẫn đạt ở mức khá cao. Những năm qua, tiềm lực KHCN luôn được quan tâm đầu tư từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Với các thiết bị được đầu tư từ dự án, các tổ chức KHCN thuộc Sở KHCN nâng cao chất lượng các dịch vụ, phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước. Mức đầu tư cho KHCN đạt 1,5% GDP vào năm 2015 (đạt chỉ tiêu theo mục tiêu của Chương trình hành động số 63/CT-TU), qua các năm 2016-2019, tỷ lệ đầu tư có sự gia tăng đến 1,6%. Với xu hướng phát triển KHCN như hiện nay, Bình Dương tiếp tục phấn đấu tỷ lệ đầu tư cho KHCN đạt khoảng 3% GDP vào năm 2030 thông qua việc hình thành các quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn quỹ phát triển KHCN của tỉnh.

Bên cạnh đó, giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đã góp phần nâng cao tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Các hoạt động khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số, chuyển đổi số để tạo ra các sản phẩm mới, dịch vụ mới, nền tảng số. Ưu tiên chuyển đổi số cho các doanh nghiệp truyền thống (hướng tới sản phẩm tích hợp số, chuyển đổi kinh doanh trên nền tảng số, thay đổi quy trình sản xuất dựa trên dữ liệu số, tự động hóa, ảo hóa…) từng bước được quan tâm với nhiều triển vọng trong tương lai.

 Ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở KHCN: “Trong thời gian tới, tỉnh tập trung các nguồn lực để triển khai các định hướng phát triển KHCN chủ yếu; đầu tư đúng mức, có trọng điểm và đẩy mạnh công tác ứng dụng KHCN trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phục vụ việc hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của tỉnh. Song song đó, tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp tư nhân thành lập Quỹ phát triển KHCN. Hình thành và hỗ trợ phát triển nhóm nghiên cứu trong các tổ chức KHCN, doanh nghiệp làm tiền đề để phát triển doanh nghiệp KHCN. Đồng thời tỉnh ưu tiên nguồn lực để triển khai nhiệm vụ KHCN trọng điểm, phục vụ phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm và sản phẩm công nghiệp chủ lực”.

 PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ

Chia sẻ