Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Xác định trong giai đoạn mới, tình hình chính trị, kinh tế thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, vượt khỏi khả năng dự báo, tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực phát triển, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực duy trì hoạt động trong điều kiện khó khăn. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Kolon Industrial (Khu công nghiệp Bàu Bàng)
Nâng cao khả năng dự báo
Theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2022, các chỉ tiêu quan trọng đều giữ mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8,9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 269.440 tỷ đồng, tăng 16,8%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 35,7 tỷ đô la Mỹ, tăng 9%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 25,8 tỷ đô la Mỹ, tăng 1%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 154.473 tỷ đồng, tăng 12,9%…
Tuy nhiên, hiện nay trước diễn biến bất lợi từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới đã tác động đến sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh. Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu ổn định trong 6 tháng đầu năm 2022 nhưng có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại từ quý III, quý IV và dự kiến tiếp tục gặp khó khăn trong quý I năm 2023. Nhiều doanh nghiệp phải giảm quy mô sản xuất, cắt giảm giờ làm, cho lao động nghỉ việc, nhất là ngành dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ… đã ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống người lao động. Trước khó khăn này, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo ưu tiên các nguồn lực phát triển, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, vượt qua thách thức đang hiện hữu.
Cụ thể, trong năm 2023, tỉnh xác định công nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế chủ lực và giữ vai trò thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế. Chính vì vậy, tỉnh tiếp tục có những giải pháp tái cơ cấu nội bộ ngành theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh vàtạo động lực để phát triển, phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2023 tăng 8,9% so với cùng kỳ. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thông tin và viễn thông, điện - điện tử, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghệ sinh học, điện tử y sinh, sản xuất phần mềm, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tiếp tục đổi mới và phát triển đa dạng các loại hình khu công nghiệp khoa học - công nghệ, cụm công nghiệp công nghệ cao. Nghiên cứu phương án dịch chuyển các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lên phía bắc của tỉnh. Đôn đốc các chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, như: Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, Khu công nghiệp VSIP III, Khu công nghiệp Cây Trường...
Ông Võ Văn Minh chỉ đạo các ngành chức năng cần nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo thị trường, cập nhật các chính sách trong vàngoài nước có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu vàtriển khai đến doanh nghiệp để doanh nghiệp chủ động có kế hoạch, định hướng phát triển thị trường. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu Ấn Độ, Nam Mỹ...
Thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực, nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước theo chiến lược và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới. Trong đó, tập trung vào các hình thức gắn với phát triển dịch vụ chất lượng cao và sản xuất công nghiệp hiện đại, từng bước phát triển mạnh doanh nghiệp trong nước, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu vàđẩy mạnh các mô hình kinh tế chia sẻ. Tập trung huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công - tư, đặc biệt đối với các dự án có sức lan tỏa và tác động lớn tới phát triển kinh tế - xã hội.
Quy hoạch hạ tầng đồng bộ
Trong năm 2023, ông Võ Văn Minh chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tiếp tục chú trọng đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên nguồn lực thích hợp cho các lĩnh vực như giao thông, chỉnh trang đô thị, cấp thoát nước công cộng, giáo dục, y tế. Tập trung đẩy nhanh tiến độ một số công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm như VSIP III, dự án nhà ở xã hội, cầu Bạch Đằng 2, bệnh viện tuyến cuối 2.000 giường, Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành…
Năm 2023, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 157.482 tỷ đồng, bằng 31% GRDP của tỉnh và tăng 11% so với năm 2022. |
Các ngành, địa phương cần phối hợp đồng bộ để hoàn thành và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung của các thị xã, thành phố và quy hoạch vùng của cấp huyện để tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Tập trung phát triển nhanh hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, từng bước hình thành lớp thứ nhất (quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông công cộng) trong Đề án vùng đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Dương. Triển khai Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh giai đoạn 2021- 2030, nghiên cứu quy hoạch phát triển đô thị hài hòa, hợp lý để khai thác lợi thế của các sông Sài Gòn, Đồng Nai. Tất cả tạo ra cú hích để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển, đưa Bình Dương vượt qua khó khăn, thách thức.
TIỂU MY