| 07-10-2022 | 10:39:54

Thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 742/QĐ-UBND về Chương trình phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) phục vụ phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2040.

Hướng tới thông minh

Theo quyết định này, 3 thành phố gồm Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An và Trung tâm Thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC) trở thành địa điểm đầu tư, thu hút nguồn lực xã hội, phát triển dịch vụ, kết nối vùng và kinh tế trọng điểm, hình thành đô thị văn minh, hiện đại, đáng sống. Xây dựng WTC BDNC với các đặc khu, phát triển khu thử nghiệm thương mại điện tử xuyên biên giới đầu tiên tại Việt Nam làm đòn bẩy định vị Bình Dương là trung tâm logistics cho khu vực Đông Nam Á. Xây dựng Khu công nghiệp KHCN, trong đó tập trung đầu tư công nghệ cao trong các ngành sản xuất chiến lược của vùng, thu hút nguồn nhân lực, kết nối công nghiệp trong vùng với trục giao thông chính Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng kết nối vào thành phố mới. Nghiên cứu phát triển bền vững vùng, liên kết khu vực Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và những khu vực lân cận trở thành vùng chuyển tiếp, kết nối với Vùng ĐMST của tỉnh, đặc biệt là vùng hạt nhân - Thành phố mới Bình Dương.

Toàn cảnh phiên đối thoại về chiến lược xây dựng thành phố thông minh tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Ấn Độ Hoarasis 2022 vừa tổ chức tại Bình Dương

Chương trình nhằm mục tiêu nâng cao tỷ lệ đóng góp của KHCN vào tăng trưởng kinh tế thông qua yếu tố tổng hợp (TFP) khoảng 45% (năm 2025), trên 50% (năm 2030), tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị trên 20%/năm, phấn đấu tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 7% (năm 2025), trên 7,5% (năm 2030). Tiếp tục duy trì giữ vững danh hiệu Top 7 của Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF).

Đến năm 2030, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST đạt 40%. Phấn đấu gia tăng tỷ lệ các nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng KHCN trong nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật, khởi nghiệp ĐMST. Thúc đẩy, nhân rộng kết quả nghiên cứu KHCN, phấn đấu đưa Bình Dương trở thành một trong những thành phố ứng dụng chuyển đổi số thành công trong cả nước. Đến năm 2040, Bình Dương trở thành một trong những tỉnh công nghiệp công nghệ cao, trung tâm của sản xuất và dịch vụ thông minh, dịch vụ KHCN, ĐMST hàng đầu Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước. Bình Dương thuộc nhóm các đô thị thông minh, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và đáng sống.

Phát triển nguồn nhân lực

Để thực hiện và đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh khuyến khích, hỗ trợ nâng cao kiến thức và định hướng nghề nghiệp vào lĩnh vực KHCN, khuyến khích khu vực tư nhân và các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực KHCN. Tăng cường đẩy mạnh triển khai thực hiện cơ chế hợp tác công - tư đào tạo nhân lực KHCN và ĐMST (trong giảng dạy và đào tạo nghề). Khuyến khích các sở, ngành, địa phương, cơ sở thu hút nhân lực KHCN phù hợp với điều kiện của mình, tạo điều kiện nhân lực phát huy năng lực trên cơ sở bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ KHCN, cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động KHCN. Tổ chức các chương trình đào tạo nhân lực, quản lý cho doanh nghiệp về quản trị công nghệ, quản lý doanh nghiệp, tiêu chuẩn và các công cụ chất lượng trong quản trị doanh nghiệp…

Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tỉnh đẩy mạnh phối hợp thực hiện tốt cơ chế hợp tác công - tư nhằm huy động mọi nguồn lực từ xã hội và doanh nghiệp đầu tư cho phát triển KHCN và ĐMST. Phát triển một số lĩnh vực KHCN có thế mạnh và có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hướng tới đạt trình độ quốc tế, khuyến khích phát triển dựa trên nền tảng công nghệ 4.0. Thúc đẩy ĐMST với mục tiêu lấy doanh nghiệp là hạt nhân phát triển; khuyến khích doanh nghiệp KHCN phát triển sản phẩm có hàm lượng công nghệ, lợi thế cạnh tranh.

PHƯƠNG AN - QUANG TRÍ

Chia sẻ