| 08-11-2024 | 08:54:44

Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Nhân rộng mô hình điểm bán hàng Việt

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, nhu cầu tiêu dùng của người dân trong cả nước nói chung, tại Bình Dương nói riêng ngày càng tăng cao. Nắm bắt nhu cầu thị trường, đồng thời nhằm góp phần thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang nỗ lực tổ chức, nhân rộng mô hình điểm bán hàng Việt.

Tăng nhận diện hàng Việt

Theo Sở Công thương, những năm qua, để hạn chế sự tăng giá đột biến trong dịp lễ, tết, các địa phương trong tỉnh đã triển khai khá tốt chương trình bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu. Chương trình đã đem lại hiệu quả thiết thực, số doanh nghiệp và tổng giá trị hàng hóa tham gia chương trình ngày càng tăng và đa dạng, phong phú về mặt hàng. Đặc biệt, Chương trình bình ổn giá được các địa phương thực hiện kết hợp với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua việc hình thành các địa điểm, cửa hàng bán lẻ tại khu vực nông thôn. Chương trình nhận được sự tham gia tích cực của người dân.

Người dân đến mua hàng tại điểm bán hàng Việt và bình ổn giá do Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tam Lập (huyện Phú Giáo) tổ chức tại cửa hàng tạp hóa Phú Phi, ấp Đồng Tâm. Ảnh: HẢI SÂM

Ghi nhận cho thấy, tại các điểm bán hàng Việt cố định ở các huyện Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên... đều có bảng biểu, khẩu hiệu và được trang trí nổi bật, tạo sự chú ý đối với người dân địa phương. Cụ thể, tại cửa hàng tạp hóa Phú Phi, ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, được Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tam Lập phối hợp cùng hộ gia đình anh Hà Phú Phi tổ chức bán hàng Việt kết hợp bình ổn giá, có bảng hiệu nổi bật với hàng chữ “Điểm bán hàng Việt Nam chất lượng cao và bình ổn giá” giúp khách hàng vào mua sắm có thể nhận biết. Cửa hàng kinh doanh các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất như gạo, dầu ăn, bánh kẹo, rau củ quả… với mức giá bán bình ổn, bằng hoặc thấp hơn giá thị trường, bảo đảm chất lượng.

Tại huyện Bàu Bàng, cửa hàng tạp hóa Toan Hằng, ấp 1, xã Hưng Hòa cũng thiết kế bảng biểu “Bán hàng bình ổn giá - Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đặt ở vị trí mặt tiền đường nên người dân đi ngang qua cửa hàng đều dễ dàng nhìn thấy.

Đại diện chính quyền địa phương và người dân tham gia khai trương, mua sắm tại điểm bán hàng Việt cửa hàng tạp hóa Phú Phi, ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo

Cam kết từ người kinh doanh

Anh Hà Phú Phi cho hay trước tình hình hàng giả, hàng kém chất lượng khó phân biệt như hiện nay, cửa hàng tạp hóa Phú Phi cam kết cung ứng các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất với chất lượng cao, giá bán phù hợp, góp phần tạo thói quen tiêu dùng hàng trong nước trong nhân dân trên địa bàn.

Ghi nhận cho thấy, tại các điểm bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm. Ngoài các điều kiện bảo đảm về diện tích mặt bằng, lượng hàng hóa phục vụ, chủ các cửa hàng được chọn là điểm bán hàng Việt cam kết duy trì mô hình này dưới sự giám sát của chính quyền địa phương.

Là một trong những đơn vị tham gia cung ứng hàng Việt, anh Nguyễn Thanh Thể, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Bách hóa Nông Trại (xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên), cho biết gia đình anh vừa đầu tư kinh doanh dịch vụ tạp hóa theo mô hình cửa hàng tiện lợi. Mục tiêu của mô hình cửa hàng tiện lợi là bên cạnh phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất trong nước để tạo nguồn hàng ổn định, cửa hàng cũng hướng tới liên kết với các chủ trang trại, nhà vườn trên địa bàn huyện để thu mua, kinh doanh các sản phẩm nông sản, trái cây có múi của huyện Bắc Tân Uyên nhằm góp phần nâng cao thương hiệu nông sản địa phương, ổn định nguồn cung, giúp người tiêu dùng tiếp cận được các sản phẩm an toàn. Mô hình này cũng góp phần lan tỏa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nâng cao sức tiêu thụ sản phẩm Việt, nâng cao đời sống người dân địa phương.

Người dân mua sắm tại điểm bán hàng Việt của Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Bách hóa Nông Trại (huyện Bắc Tân Uyên)

Bà Hoàng Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, cho biết toàn xã hiện có 62 cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm, bảo đảm nhu cầu cung cấp cho người dân trên địa bàn xã. Với việc có nhiều cửa hàng kinh doanh trên địa bàn, xã Tam Lập có nhiều thuận lợi khi triển khai điểm bán hàng Việt bình ổn giá, cung cấp đến người dân địa chỉ mua sắm tin cậy, với hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm chất lượng, giá cả bình ổn. Hàng tuần, Ủy ban MTTQ xã cùng với Ban Điều hành ấp tổ chức đến các điểm bán hàng Việt để nắm tình hình hoạt động, giá bán, các chủng loại mặt hàng được bày bán, nhằm bảo đảm các điểm bán hàng Việt phục vụ tốt nhất nhu cầu người dân.

THANH HỒNG

Chia sẻ