Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
TX.Bến Cát hiện đang đối mặt với những vấn đề về môi trường, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa thời gian qua đang ngày càng gia tăng, nếu không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời, tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng.
Cán bộ môi trường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
Từng bước thay đổi thói quen
Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) phát động, TX.Bến Cát đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm mục đích tuyên truyền, vận động, kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân cùng nhau thay đổi thói quen, hành vi sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nylon khó phân hủy; từng bước hướng đến mục tiêu giảm dần, thay thế dần các sản phẩm nhựa để góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe và hệ sinh thái.
Qua hơn một năm triển khai tích cực các hoạt động tuyên truyền, vận động, cán bộ công chức và một bộ phận người dân đều đã chấp hành nghiêm chỉnh và đang từng bước thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa. Trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động ngoài trời không còn sử dụng nước uống đóng chai nhựa (có thể tích từ 330 - 500ml), thay vào đó sử dụng các bình có dung tích lớn (hơn 20 lít) và các sản phẩm thân thiện với môi trường (giấy, bã mía, gỗ, tre…). Cán bộ, công chức, viên chức đa phần tự trang bị bình nước cá nhân, hộp đựng thực phẩm khi mua thức ăn. Đối với học sinh cũng từng bước nâng cao được nhận thức thông qua các đợt tuyên truyền và dần thay đổi được thói quen như tự trang bị bình đựng nước, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn… Đối với người dân tuy chưa có sự chuyển biến rõ nét, nhưng các hình thức tuyên truyền đã ít nhiều tác động đến ý thức tiêu dùng và thói quen sử dụng nylon cũng như các sản phẩm nhựa hàng ngày.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng TN-MT TX.Bến Cát, cho biết nhận thức được những tác động nghiêm trọng của rác thải nhựa, thời gian qua ngoài việc tất cả các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện không sử dụng nước uống đóng chai bằng nhựa trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo… Phòng TN-MT đã tổ chức các hoạt động khác hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” như biên soạn và in ấn 10.000 tờ rơi, 250 áp phích tuyên truyền việc hạn chế sử dụng túi nylon để cấp phát cho các đối tượng học sinh, người nội trợ, tiểu thương, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, quán ăn…
Ngoài ra, phòng còn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã tổ chức cấp phát túi vải không dệt cho tiểu thương tại chợ Bến Cát và người dân đi chợ; ra mắt mô hình “Phụ nữ nói không với túi nylon và sản phẩm nhựa dùng một lần”; tập huấn chuyên đề “Nói không với túi nylon và sản phẩm nhựa dùng một lần” và tặng 100 giỏ nhựa và 100 chai nước thủy tinh cho cán bộ, hội viên phụ nữ dự. Cùng với đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã phát động cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực hưởng ứng bằng những hoạt động thiết thực nhằm chung tay bảo vệ môi trường, như: Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần; phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn... Phòng cũng đã phối hợp cùng Phòng Giáo dục - Đào tạo tổ chức tuyên truyền đến giáo viên và học sinh khối THCS bằng các hình thức thi tìm hiểu kiến thức, tiểu phẩm, đố vui có thưởng… tại trường THCS Phú An và tổ chức hội thi viết chủ đề “Chống rác thải nhựa” năm 2020 trên toàn địa bàn thị xã.
Ngoài những hoạt động triển khai rộng rãi nói trên, việc tuyên truyền “Chống rác thải nhựa” còn được lồng ghép vào các hoạt động, như: Sinh hoạt dưới cờ, họp định kỳ của cơ quan, các buổi sinh hoạt chuyên đề… hoặc trong các ngày hội lớn, như: Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn…
Yêu cầu cấp thiết
Các sản phẩm từ nhựa, túi nylon ra đời mang lại nhiều tiện ích, tuy nhiên với tốc độ phát thải rác thải nhựa như hiện nay thì “ô nhiễm trắng” đã, đang và sẽ gây nhiều hệ lụy về môi trường. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước, hơn 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất kéo theo khoảng 6,3 tỷ tấn rác thải nhựa, trong đó có khoảng 79% chôn lấp hoặc vứt ra môi trường. Do có đặc tính bền, khó phân hủy nên các loại rác thải có nguồn gốc từ nhựa đã và đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Điều này cho thấy, giảm thiểu chất thải có nguồn gốc từ nhựa đang là yêu cầu cấp thiết hiện nay, mà trước hết phải giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, chống rác thải nhựa là cả một quá trình, cần rất nhiều thời gian để thay đổi nhận thức và thói quen của người sử dụng. Mặt khác, sản phẩm nhựa quá tiện lợi, giá thành rất rẻ… do đó chưa có sản phẩm nào có thể thay thế được lúc này. Chính vì vậy, phong trào “Chống rác thải nhựa” sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Góp phần thành công trong phong trào này, ngoài việc tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, tổ chức hướng dẫn phân loại tại nguồn… cần có những chính sách chế tài, xử lý nghiêm theo quy định và các chính sách thu thuế cao đối với các sản phẩm nhựa và nylon.
Với vai trò là cơ quan tham mưu thực hiện, thời gian tới, phòng sẽ tham mưu UBND thị xã triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung: Tiếp tục phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức trực quan, sinh động đến các đối tượng học sinh, hội viên, công nhân lao động và nhân dân trên địa bàn; tham mưu thực hiện tốt công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, trong đó có phân loại rác nhựa, chất thải nguy hại tại trụ sở cơ quan, trường học…
THOẠI PHƯƠNG