| 26-07-2021 | 13:13:32

Thực hiện phương án 3 tại chỗ: Kinh nghiệm từ doanh nghiệp ngành gỗ

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lãnh đạo Hiệp hội xuất khẩu ngành gỗ (BIFA) đã thông báo và hiện nhiều doanh nghiệp áp dụng phương án 3 tại chỗ (ăn, ở và làm việc tại nhà máy) nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì và bảo vệ sản xuất.

Chú trọng sức khỏe người lao động

Theo thông tin từ BIFA, đến nay, nhiều doanh nghiệp trong hiệp hội đã nhanh chóng triển khai, áp dụng phương án 3 tại chỗ. Đơn cử, Công ty Cổ Phần Lâm Việt đã thực hiện 3 tại chỗ từ cuối tháng 6-2021, khi có thông tin một số ca nhiễm cộng đồng trên địa bàn TX.Tân Uyên. Tính đến ngày 15-7, Công ty Lâm Việt đã có 20 ngày thực hiện 3 tại chỗ cho hơn 700 người lao động (NLĐ).

CLB Sản xuất tinh gọn ngành gỗ Bình Dương đã mời ông Nguyễn Thanh Lam, Giám đốc Công ty Cổ Phần Lâm Việt tham gia buổi nói chuyện qua Zoom với sự tham gia hơn 70 doanh nghiệp hội viên BIFA. Theo kinh nghiệm của ông Nguyễn Thanh Lam, ban giám đốc công ty phải họp với tất cả NLĐ để giải thích các ưu điểm khi thực hiện 3 tại chỗ, tuyên truyền đến NLĐ việc lựa chọn thực hiện 3 tại chỗ nhằm bảo đảm an toàn cho toàn thể NLĐ trong công ty, công nhân phải thấu hiểu, hưởng ứng.

Công ty TNHH DAFI (TX.Tân Uyên) thực hiện 3 tại chỗ nhằm duy trì sản xuất, bảo đảm đơn hàng ngay giữa mùa dịch

Nhờ công tác truyền thông hiệu quả, Lâm Việt đã thu hút được khoảng 80% NLĐ chấp nhận ở lại công ty thực hiện 3 tại chỗ. Để bảo đảm an toàn, Lâm Việt đã tiến hành test nhanh toàn bộ NLĐ trong ngày đầu tiên, những nhân viên có kết quả âm tính sẽ được ở lại công ty. May mắn không có trường hợp F0 trong quá trình thực hiện test nhanh.

Ông Nguyễn Thanh Lam chia sẻ, điều quan trọng nhất là công ty phải ban hành quy chế hướng dẫn NLĐ thực hiện sinh hoạt tại công ty một cách chặt chẽ và hiệu quả để họ tin tưởng, thấu hiểu những nỗ lực, cố gắng của ban lãnh đạo trong việc duy trì sản xuất, chăm lo đời sống cho NLĐ. Tại Công ty Lâm Việt đã thực hiện chặt chẽ các quy trình thành lập Ban phòng chống Covid-19 trong doanh nghiệp. Công ty chia nhóm theo khu vực làm việc, mỗi nhóm sẽ do một tiểu đội trưởng quản lý. Tiểu đội trưởng có thể là quản đốc, nhóm trưởng, chuyền trưởng, người có uy tín trong nhóm, có trách nhiệm phổ biến, giải thích, giám sát thực hiện quy chế trong nhóm của mình.

Công ty sắp xếp chia ca ăn lệch nhau 1 giờ để tránh bị tắc nghẽn, xây dựng nhà vệ sinh dã chiến dùng cho 10 - 15 người, chia khu vực tắm và giặt riêng... Công ty thường xuyên nhắc nhở trong những ngày đầu để NLĐ quen dần với nếp sinh hoạt trong công ty; tạo nhóm trao đổi bằng Zalo giữa ban giám đốc, ban phòng chống Covid và các tiểu đội trưởng để giải quyết các vấn đề phát sinh ngay lập tức. Công ty cung cấp wifi, tổ chức các trò chơi, chiếu phim, hát karaoke trực tuyến… vào ngày chủ nhật để phục vụ nhu cầu giải trí.

Đối với các nhà cung cấp thường xuyên làm việc tại công ty như bếp ăn công nghiệp, kiểm hàng cần ở lại làm việc tại công ty như những người khác. Nhà cung cấp giao nhận hàng hóa thì áp dụng các quy trình kiểm tra nghiêm ngặt, bảo đảm ngăn chặn nguồn lây từ bên ngoài, tạo điều kiện đầy đủ nhất để bảo vệ NLĐ.

Gắn kết với chính quyền địa phương

Để thuận lợi thực hiện phương án 3 tại chỗ, Công ty Lâm Việt đã chủ động trao đổi trực tiếp với địa phương để được hướng dẫn và nhận được sự ủng hộ của các cơ quan chức năng. Theo ông Lam, các công ty nên mạnh dạn thực hiện 3 tại chỗ trong thời điểm này, bởi với tình hình dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng, việc cách ly NLĐ trong công ty cũng góp phần làm giảm áp lực quản lý đối với địa phương. Cụ thể, Lâm Việt đã gửi công văn thông báo kèm danh sách những NLĐ ở lại công ty cho các cơ quan chức năng.

Hiện rất nhiều doanh nghiệp ngành gỗ gặp khó khăn khi thực hiện công tác hỗ trợ NLĐ ở lại công ty vì chi phí cho phương án 3 tại chỗ là rất lớn, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp nhỏ. Ông Nguyễn Thanh Lam cho rằng các doanh nghiệp nên kêu gọi khách hàng hỗ trợ để giảm bớt gánh nặng chi phí trong thời điểm này. Khách hàng của Công ty Lâm Việt đã ủng hộ tích cực đề nghị này.

Theo ông Nguyễn Liêm, Phó Chủ tịch BIFA, trong những năm qua, ngành gỗ đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những ngành mũi nhọn xuất khẩu của Việt Nam. “Để giữ vững thành quả này, chúng ta cần phải đi chậm, vượt khủng hoảng và thậm chí học cách thất bại để bảo đảm an sinh cho NLĐ và sự tồn tại của doanh nghiệp. Trong thời điểm dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, việc cân bằng giữa sinh tồn, tăng trưởng cho công ty và hỗ trợ cho NLĐ là thể hiện văn hóa tình người trong doanh nghiệp trên tinh thần con người là trên hết”, ông Nguyễn Liêm nói.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho rằng các doanh nghiệp thực hiện tốt việc tổ chức sản xuất 3 tại chỗ sẽ góp phần với địa phương trong việc ổn định sản xuất, hạn chế nguồn lây nhiễm dịch bệnh, từ đó giữ vững sự phát triển cho chính doanh nghiệp và cùng tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu ngăn chặn dịch bệnh cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

TIỂU MY

Chia sẻ