Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Tình trạng lạm dụng các loại hóa chất bảo quản độc hại, thuốc kích thích rau củ quả tăng phọt, thúc chín tố, gần đây là chất kích thích nạc... không rõ nguồn gốc, nhập lậu từ Trung Quốc đã và đang đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng. Vậy nhưng việc quản lý, ngăn chặn vẫn lực bất tòng tâm.
Vịt quay không có bao bì chắn bụi để lộ thiên trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận 5. Tràn lan thực phẩm độc
Mới đây, thông tin về nhiều cơ sở sản xuất giá ăn ở huyện Hóc Môn (TPHCM) sử dụng hóa chất Soda ASH Light có nguồn gốc từ Trung Quốc để kích thích phát triển nhanh lại trắng, mập, không có rễ làm nhiều người tiêu dùng lo lắng. Bởi đây là thực phẩm không chỉ tiêu thụ hàng ngày trong mỗi bữa ăn gia đình mà ở mọi cửa hàng, quán ăn đều sử dụng. Theo các chuyên gia, khi loại hóa chất trên vào cơ thể có thể gây bệnh mãn tính, ảnh hưởng lên gan, thận, thần kinh, thậm chí gây ung thư.
Không riêng TPHCM, nhiều khu đô thị có sức mua cao như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng... nhiều năm nay cũng xuất hiện tình trạng sản xuất giá ăn bằng hóa chất. Tại Hà Nội, có hẳn một làng chuyên sản xuất giá ăn là thôn Thượng Cát, xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm. Ở đây, người ta gần như công khai việc dùng một loại thuốc được nhập về từ Trung Quốc, nhãn mác toàn chữ Trung Quốc. Mặc dù không rõ thành phần thuốc, song bà con vẫn vô tư cho ra lò mỗi ngày vài trăm vại giá và không dám ăn chỉ đem bán.
Sau khi có thông tin trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật thành lập đoàn kiểm tra việc sản xuất giá ăn bằng nguyên liệu và hóa chất từ Trung Quốc. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết bắt đầu từ ngày 7-8, đoàn kiểm tra đã thu thập đột xuất các mẫu giá tại các chợ trên địa bàn TPHCM và ở các cơ sở sản xuất giá ăn. “Sau khi kiểm tra, phân tích sẽ biết những loại thuốc các cơ sở sử dụng, nguồn gốc ở đâu và mức độ độc hại ra sao. Bước đầu chỉ kiểm tra tại TPHCM, nếu phát hiện sự nghiêm trọng sẽ mở rộng thanh tra ra các cơ sở trong cả nước” - ông Hồng khẳng định.
Điều đáng báo động ở chỗ, không chỉ riêng giá ăn, hiện nay hàng loạt nông sản, thực phẩm chủ đạo trong các bữa ăn thường nhật của người dân cũng đang bị đe dọa bởi nhiều loại hóa chất độc hại, thuốc bảo quản, kích thích tố, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng, thậm chí cả formol chỉ dùng trong bảo quản xác ướp...
Tại chợ Long Biên (Hà Nội), mỗi ngày có hàng trăm tấn trái cây và nông sản nhập về từ Trung Quốc, sau đó vận chuyển vào tận miền Nam tiêu thụ. Cửu vạn ở chợ cho biết mỗi lần mở cửa kho, cửa xe vào bốc hàng đều nồng nặc mùi thuốc tẩm ướp, bảo quản.
Còn theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) ở một vài địa phương miền núi phía Bắc, vùng giáp biên giới, người ta còn sử dụng cả chất 2,4D (thuốc diệt cỏ) để tẩm ướp củ quả nhằm bảo quản được lâu.
Đối với sản phẩm thịt, vừa qua Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN-PTNT) còn phát hiện tình trạng thương lái lạm dụng cả chất Ethephon (còn gọi là thúc chín tố) để bảo quản thịt heo, gia cầm nhằm giữ độ tươi.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, thúc chín tố chỉ có một vài nước cho phép sử dụng lượng nhỏ để thúc chín trái cây, không được phép dùng cho thịt. Gần đây nhất còn rộ lên việc nhiều cơ sở chăn nuôi ở miền Nam sử dụng nhóm Beta-Agonist như Sallbutamol, Clenbuterol... để kích thích nạc, tăng trọng, kích thích trứng. Đây là những chất Việt Nam đã cấm sử dụng từ năm 2002 vì có thể gây rối loạn chức năng tim phổi và để lại nhiều hậu quả khác.
Không quản nổi chất cấm
Trước đây, chúng ta thường chỉ lo ngại các loại nông sản, thực phẩm nhập khẩu dễ bị phun ướp thuốc bảo quản, có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, chứa chất kích thích. Tuy nhiên hiện nay nhiều loại thực phẩm sản xuất trong nước cũng đặt trong tình trạng “báo động đỏ” về lạm dụng thuốc bảo quản, hóa chất kích thích do người dân và tư thương vì hám lợi làm liều. Trong đó, nguyên nhân do ngày càng xuất hiện nhiều loại hóa chất bảo quản, thuốc kích thích được nhập lậu ồ ạt vào nội địa, được bày bán tràn lan trên thị trường, người dân dễ dàng mua sử dụng, trong khi các cơ quan chức năng lại không quản lý được.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết các loại thuốc kích thích nạc rộ lên thời gian gần đây đều do các doanh nghiệp nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa ngõ Lạng Sơn. Phần lớn các thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích nằm ngoài danh mục cho phép, không có nhãn mác tiếng Việt... đều là những loại không được phép lưu hành ở Việt Nam.
Còn theo Bộ Y tế, trong 3 năm qua, đã phát hiện 1.251 tấn phụ gia thực phẩm độc hại, không đạt tiêu chuẩn nhập vào Việt Nam, buộc phải tái xuất. Điều đáng lo ngại hơn, do không kiểm soát được từ cửa khẩu, nên lượng phụ gia nhập khẩu qua các con đường tiểu ngạch, nhập lậu chiếm tỷ lệ rất lớn và không kiểm soát được. Đó chính là lý do lượng phụ gia thực phẩm độc hại ngoài danh mục cho phép vẫn tràn ngập thị trường.
Trong khi ngăn chặn chất cấm, thu gom hóa chất nằm ngoài danh mục lưu hành, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là trách nhiệm của Bộ Y tế, NN-PTNT, Công thương, quản lý thị trường, Tổng cục Hải quan và Bộ Công an thì lâu nay không cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm đến cùng. Vì vậy, người tiêu dùng vẫn đang phải từng ngày đối mặt với thực phẩm bẩn, có chứa chất độc hại, gây nguy hiểm lâu dài đến sức khỏe.
Theo SGGP