Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
(BDO) Trong bối cảnh kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ, thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương là cầu nối giữa TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước. Vị trí này tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa và kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, mở rộng thị trường TMĐT. Bình Dương sở hữu hệ thống giao thông đồng bộ với Quốc lộ 13, Quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh, tuyến đường sắt Bắc - Nam, cảng sông Bình Dương... Điều này giúp việc vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, thuận tiện, giảm chi phí logistics cho hoạt động TMĐT.
Một số sản phẩm tham gia sàn TMĐT tỉnh - binhduongtrade.vn. Ảnh: Diệu Hằng
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của TMĐT trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Dương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), hợp tác xã, cơ sở sản xuất tiếp cận và ứng dụng hiệu quả TMĐT.
Năm 2024, Bình Dương tiếp tục ghi nhận những thành công đáng kể. Theo báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), Bình Dương hiện đứng thứ 3 cả nước về chỉ số TMĐT, đạt 51/100 điểm, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Kết quả này phản ánh nỗ lực không ngừng của tỉnh trong việc xây dựng hệ sinh thái TMĐT toàn diện, từ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật số đến nâng cao nhận thức và kỹ năng cho doanh nghiệp.
Đại biểu tham dự Hội thảo “Hành trình thay đổi diện mạo, năng lực chuyển đổi số ngành Công Thương”. Ảnh: Diệu Hằng
DNNVV chiếm số lượng lớn trong cộng đồng doanh nghiệp tại Bình Dương, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, nhiều DNNVV vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận TMĐT do thiếu kiến thức, kỹ năng, nguồn lực tài chính và công nghệ.
Nhận thức được thực trạng này, Bình Dương đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực, giúp DNNVV vượt qua rào cản, tự tin bước vào thị trường số.
Sở Công thương Bình Dương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2363/KH-UBND về Phát triển TMĐT tỉnh Bình Dương năm 2024, tập trung vào các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng. Trong đó, nổi bật là việc thu thập thông tin từ các tổ chức, cá nhân tham gia bán hàng trên các sàn TMĐT nhằm nắm bắt tình hình thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời và hoàn thiện chính sách phát triển TMĐT.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương phát biểu khai mạc Lễ phát động Tháng siêu khuyến mại và hưởng ứng Tuần lễ Thương mại điện tử năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ảnh: Diệu Hằng
Trước xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ, ngành Công thương tỉnh cũng đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP Bình Dương tham gia giao dịch tại các sàn thương mại điện tử; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chào bán sản phẩm, kinh doanh trên nền tảng online, qua đó kết nối nhà nhập khẩu, chuỗi cung ứng trong và ngoài nước để đẩy mạnh giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm.
Trong thời đại công nghệ số, việc ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT)... vào TMĐT là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo lợi thế cạnh tranh. Bình Dương đã và đang chủ động trong việc nắm bắt xu hướng này, thể hiện qua việc tổ chức các lớp tập huấn về ứng dụng công cụ AI, livestream, video marketing... cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, Bình Dương cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực TMĐT, từ việc xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh đến việc hỗ trợ doanh nghiệp số hóa hoạt động kinh doanh.
Theo Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương, hiện Bình Dương có 1.835 tài khoản tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT, 11 ứng dụng bán hàng và 855 website bán hàng được thông báo. Những con số này cho thấy Bình Dương đang trên đà phát triển TMĐT mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế số vững mạnh. |
Trong năm 2024, Sở Công thương đã tổ chức 3 lớp tập huấn kỹ năng giao thương qua thương mại điện tử cho doanh nghiệp năm 2024. Nội dung tập trung về các vấn đề liên quan đến việc xây kênh trên các nền tảng số, thực hành công cụ sáng tạo video, livestream, sử dụng các công cụ A.I để đưa vào ứng dụng thực tiễn. Cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến vấn đề chính sách, tài khoản tại các trình duyệt bán hàng phổ biến hiện nay như: Tiktok, Facebook, Youtube,….
Ngoài ra, Sở Công thương Bình Dương đã phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến xuất khẩu toàn cầu thông qua sàn thương mại điện tử B2B Alibaba.com. Hội nghị này nhằm giúp doanh nghiệp Bình Dương tiếp cận thị trường toàn cầu, trao đổi kinh nghiệm và học hỏi từ các chuyên gia của Alibaba; hỗ trợ doanh nghiệp Bình Dương xuất khẩu thông qua sàn TMĐT Alibaba.com.
Ông Trịnh Văn Hải, Giám đốc Marketing Công ty CP Thực phẩm và Nước giải khát Nam Việt chia sẽ tại hội thảo Bứt phá xuất khẩu 2024 với giải pháp Thương mại điện tử B2B (Business to Business) – 1 Chạm. Ảnh: Diệu Hằng
Bên cạnh đó, Sở Công thương đã triển khai xây dựng kế hoạch Tổ chức “Tháng siêu khuyến mại và hưởng ứng Tuần lễ Thương mại điện tử Quốc gia năm 2024” trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Trong đó, lễ phát động chương trình được diễn ra vào lúc 17g30 ngày 24-11-2024 tại Trung tâm mua sắm Aeon Bình Dương Canary (TP.Thuận An) triển khai 4 nội dung chính:
- Hưởng ứng Tuần lễ Thương mại điện tử Quốc gia: Từ ngày 25-11 đến ngày 1-12-2024.
- 60 giờ Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam. - Online Friday 2024: Từ 0 giờ thứ sáu ngày 29-11 đến 12 giờ ngày 1-12-2024.
- Chương trình “Tháng siêu khuyến mại năm 2024” trên địa bàn tỉnh Bình Dương: Từ ngày 25-11 đến 25-12-2024.
- “Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia 2024 – VietNam Grand Sale 2024”: Từ ngày 2-12 đến 31-12-2024.
Đồng thời, khai mạc Phiên chợ Sản phẩm Công Nghiệp Nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP trong thời gian diễn tra chương trình.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng Bình Dương cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển TMĐT. Đó là sự cạnh tranh gay gắt từ các tỉnh, thành khác, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao về TMĐT và những vấn đề liên quan đến an ninh mạng, bảo vệ người tiêu dùng...
Để TMĐT thực sự trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội, Bình Dương cần tiếp tục đầu tư và triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ.
Cụ thể, tỉnh cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về TMĐT, đẩy mạnh các chương trình đào tạo chuyên ngành, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và nhân viên trong lĩnh vực TMĐT; tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng mạng internet băng thông rộng, ổn định, an toàn; xây dựng các trung tâm dữ liệu, nền tảng công nghệ phục vụ TMĐT; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng AI, Big Data, IoT... vào hoạt động TMĐT nhằm nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh; tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực TMĐT để học hỏi kinh nghiệm, thu hút đầu tư và mở rộng thị trường…
Với sự nỗ lực của chính quyền, sự nhạy bén của doanh nghiệp và sự ủng hộ của người dân, Bình Dương sẽ tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những địa phương tiên phong trong phát triển TMĐT, góp phần xây dựng nền kinh tế số vững mạnh của Việt Nam.
Diệu Hằng – Phòng Quản lý Thương mại