Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Đây là phương châm của tỉnh khi tổ chức những điểm tiêm vắc xin AstraZeneca phòng Covid-19. Trong những ngày tiêm vắc xin, công tác tổ chức tiêm chủng luôn bảo đảm an toàn “5 bước” với nguyên tắc “4 tại chỗ”, thực hiện khám sàng lọc và tìm hiểu thông tin sức khỏe người được tiêm thật cặn kẽ. Đến thời điểm này, Bình Dương chưa ghi nhận các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm.
Quá trình giám sát được thực hiện chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn tiêm chủng
Bảo đảm “5 bước”, “4 tại chỗ”
Bình Dương được Bộ Y tế phân bổ 1.700 liều vắc xin AstraZeneca phòng Covid-19. Sau khi tiếp nhận vắc xin từ Trung tâm Tiêm chủng VNVC chi nhánh Bình Dương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh bảo quản vắc xin theo đúng quy định và phân bổ đến 12 đơn vị trong tỉnh. Quá trình lập danh sách các đối tượng tiêm vắc xin miễn phí được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ theo nguyên tắc ưu tiên cho những lực lượng trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch bệnh.
Ghi nhận của phóng viên trong những ngày Bình Dương tổ chức tiêm chủng, tại các điểm tiêm đều thực hiện theo đúng quy trình đã được Bộ Y tế hướng dẫn. Từ bàn tiếp nhận, người đến tiêm vắc xin đã được hướng dẫn thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, giãn cách theo quy định và được nhân viên y tế đo thân nhiệt. Đến bàn khám sàng lọc, người đến tiêm vắc xin Covid-19 được bác sĩ đo huyết áp, khám và tư vấn kỹ càng nhằm bảo đảm tất cả cá nhân trong danh sách tiêm vắc xin AstraZeneca đã được khám sàng lọc, cung cấp đầy đủ thông tin về sức khỏe, sau đó mới có chỉ định tiêm phù hợp và người đến tiêm ký tên vào phiếu đồng ý tiêm.
Tại bàn tiêm vắc xin Covid-19, sau khi tiếp nhận phiếu đồng ý tiêm, cán bộ y tế sẽ tiêm thuốc. Điểm khác biệt trong tiêm vắc xin Covid-19 là khi thao tác tiêm, cán bộ tiêm thuốc không được lắc lọ vắc xin. Sau đó người tiêm được theo dõi tại “Phòng theo dõi sau tiêm” 30 phút có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ y tế, nếu không có phản ứng bất lợi nào sau tiêm thì ra về và tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà những ngày sau đó. Trong trường hợp nếu có phản ứng sau tiêm thì theo dõi tại phòng bệnh trong 24 giờ và tiếp tục theo dõi tại nhà trong 7 ngày tiếp theo. Đặc biệt, tại mỗi điểm tiêm đều thiết lập một tổ cấp cứu cơ động và phòng cấp cứu tại chỗ có đầy đủ trang thiết bị, cơ số thuốc phục vụ cấp cứu trong trường hợp cần sử dụng.
“Phản ứng sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 t hường gặp là: Đau, nóng tại vị t rí tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, ngứa, mỏi mệt, bồn chồn, sốt, ớn lạnh. Phản ứng nghiêm trọng có thể xảy ra như sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn muộn, nhưng hiện nay Tổ chức Y t ế thế giới chưa ghi nhận trường hợp nào và chưa có bằng chứng liên quan đến các trường hợp phản ứng nghiêm trọng có liên quan đến vắc xin Covid-19”. (Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế) |
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thành Danh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Để bảo đảm sự theo dõi chặt chẽ trong quá trình tiếp nhận thông tin sức khỏe của người đã tiêm vắc xin AstraZeneca, ngành y tế sẽ chủ động liên hệ với người đã tiêm vắc xin để biết về tình trạng sức khỏe sau tiêm và cung cấp số điện thoại đường dây nóng của các cơ sở y tế để người tiêm vắc xin liên hệ nếu có vấn đề về sức khỏe sau tiêm. Hoạt động này nhằm xử lý kịp thời các tình huống phản ứng sau tiêm và giúp ngành dễ dàng cập nhật, theo dõi sức khỏe các trường hợp tiêm vắc xin”.
Đề cập đến vấn đề phản ứng sau tiêm vắc xin AstraZeneca đang được rất nhiều người dân quan tâm, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết Bình Dương đã thực hiện tiêm chủng cho lực lượng cán bộ y tế, quân đội trực tiếp tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh. Trong số những người được tiêm, sau 24 giờ, có khoảng 60% người tiêm vắc xin Covid-19 có phản ứng thường gặp sau tiêm như sốt, ớn lạnh, đau tại vị trí tiêm, đau đầu, đau cơ... Đây là phản ứng thông thường, thường xảy ra sau khi tiêm chủng và có biểu hiện nhẹ, có thể tự khỏi. Cho đến thời điểm này, Bình Dương chưa ghi nhận trường hợp nào có phản ứng nặng sau tiêm. Hiện ngành y tế vẫn đang cập nhật, theo dõi sức khỏe các trường hợp đã được tiêm vắc xin AstraZeneca...
Tiếp tục thực hiện thông điệp “5K” và tiêm phòng vắc xin Covid-19
Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19, ngày 16-3, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch “Triển khai tiêm vắc xin Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương đợt 1 năm 2021”. Theo đó, Sở Y tế cập nhật, phổ biến các văn bản, hướng dẫn, chỉ đạo mới của Chính phủ, Bộ Y tế và Dự án tiêm chủng quốc gia liên quan đến việc tổ chức tiêm vắc xin Covid-19.
Dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn cho các đơn vị triển khai chiến dịch ở cả 2 tuyến (tuyến tỉnh và tuyến huyện). Ngày 17-3, vừa qua trung tâm đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về hướng dẫn sử dụng và tổ chức tiêm chủng vắc xin AstraZeneca phòng Covid-19, bao gồm các nội dung: Hướng dẫn bảo quản vắc xin; đối tượng được tiêm là các chiến sĩ và cán bộ y tế làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh tuyến đầu; chỉ định, chống chỉ định của vắc xin và việc sử dụng phiếu sàng lọc trước tiêm chủng, phiếu đồng ý tiêm vắc xin.
Trước đó, công tác truyền thông cho chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 đã được đẩy mạnh bằng cách tuyên truyền, cung cấp thông tin chính xác về vắc xin AstraZeneca, đối tượng được ưu tiên tiêm trong đợt 1 năm 2021 trên địa bàn tỉnh, truyền thông về lợi ích của vắc xin và phản ứng sau tiêm. Hình thức truyền thông đa dạng, phong phú với nhiều loại hình khác nhau từ những tờ rơi, áp phích, poster, pano đến kết hợp với SMS, infographic, video clip, audio spot sử dụng trên mạng xã hội, thông tin nội bộ, loa truyền thanh xã, phường, hệ thống thông tin di động góp phần phát huy vai trò, trách nhiệm của ngành y tế và nhân viên y tế trong việc triển khai chiến dịch; huy động sự ủng hộ, tham gia tích cực của người dân và cộng đồng.
Nói về điểm mới trong đợt tiêm vắc xin AstraZeneca này, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương cho biết: “Để bảo đảm an toàn tiêm chủng, Bình Dương cũng như các tỉnh, thành phố tổ chức tiêm chủng trong đợt này đã thực hiện khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Quy trình này mất nhiều thời gian nhưng bảo đảm nguyên tắc chỉ định, chống chỉ định cho các đối tượng được tiêm. Đây là điểm khác biệt của Việt Nam mà Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương áp dụng và khác với các quy trình tiêm chủng trước đây. Vì vậy Sở Y tế đã tổ chức các đoàn giám sát chặt chẽ việc triển khai đầy đủ các bước theo quy trình với nguyên tắc “4 tại chỗ”, bảo đảm an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện phòng, chống sốc để xử lý kịp thời. Cán bộ y tế các tuyến cũng đã được các chuyên gia đầu ngành hướng dẫn, theo dõi phát hiện sự cố bất lợi sau tiêm chủng và xử trí trường hợp sốc phản vệ tại cuộc họp trực tuyến với Bộ Y tế ngày 6-3 vừa qua”.
Hiện nguồn vắc xin còn hạn chế, Chính phủ, Bộ Y tế chưa thể cung cấp cho toàn thể người dân. Trước mắt, người dân cần tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo thông điệp “5K” của Bộ Y tế. Đây là những biện pháp phòng, chống dịch bệnh đơn giản, kinh tế và hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Tới đây khi nguồn vắc xin ngừa Covid-19 dồi dào sẽ tiến tới người dân được tiêm miễn phí như trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra còn có vắc xin dịch vụ dành cho những người có khả năng chi trả.
Ngăn chặn một đại dịch đòi hỏi phải dùng mọi công cụ sẵn có và các chuyên gia đã chỉ ra rằng, sự kết hợp giữa tiêm chủng và tuân thủ “5K” là phương pháp phòng bệnh tốt nhất cho bản thân và cộng đồng trước đại dịch Covid-19. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thành Danh cho biết thêm, đến thời điểm này, Bình Dương đã triển khai đầy đủ các quy trình, hướng dẫn theo quy định của Bộ Y tế về thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cùng với thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế sẽ góp phần ngăn chặn đại dịch. Với những người đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 vẫn phải tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp “5K”.
KIM HÀ - GIANG NHUNG