Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Hiện Bình Dương và cả nước vẫn ghi nhận số ca mắc Covid-19 với sự xuất hiện một số biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nhiều người dân còn chủ quan, lơ là không tiêm vắc xin các mũi tăng cường. Chiến dịch truyền thông “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh” đã được Bộ Y tế tổ chức nhằm thực hiện tốt công thức “2K + Vắc xin + Thuốc + Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân và thực hiện các biện pháp khác”.
Vắc xin ngừa Covid-19 suy giảm miễn dịch theo thời gian
Hiện nay, một số người dân sau khi tiêm vắc xin mũi cơ bản hoặc đã từng mắc Covid-19 bắt đầu chủ quan, lơ là trong việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh, chưa tham gia tích cực vào việc tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4, kể cả việc đưa trẻ em từ 5 - 17 tuổi tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản phòng Covid-19 giảm dần theo thời gian và trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới. Người đã mắc Covid-19 vẫn có khả năng bị tái nhiễm, gặp nhiều biến chứng của bệnh. Tiêm mũi nhắc lại sẽ giúp gia tăng nồng độ kháng thể, bảo vệ cơ thể trước nguy cơ mắc Covid-19, giảm tỷ lệ bệnh chuyển nặng và tử vong”.
Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi tăng cường tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
“Theo kết quả của một số nghiên cứu gần đây, những người đã tiêm vắc xin liều cơ bản và bị nhiễm Covid-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần thứ 10 đến tuần 19 sau tiêm. Kết quả nghiên cứu tại Pháp cho thấy, nếu tiến hành tiêm mũi nhắc lại những người này sẽ được bảo vệ khỏi tái nhiễm vi rút lên tới 81%. Một nghiên cứu khác ở Hoa Kỳ cũng chỉ ra rằng những người từng mắc Covid-19 nếu chỉ tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng nhập viện do tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu tiêm thêm mũi nhắc lại thì hiệu quả này lên đến 67,6%”, bác sĩ Trần Văn Chung cho biết thêm.
Tại Việt Nam, chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 được triển khai rộng khắp trên cả nước. Công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng luôn được ưu tiên hàng đầu, góp phần làm tăng hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm ca bệnh, nhập viện và tử vong. Ngành y tế cũng đã nỗ lực hoàn thành mục tiêu tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) đồng thời triển khai tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) từ tháng 5-2022 theo chỉ đạo của Chính phủ. Công tác an toàn tiêm chủng luôn được bảo đảm tại tất cả các điểm tiêm.
Phản ứng sau tiêm mũi 3 được ghi nhận chủ yếu là phản ứng thông thường như sưng đau tại chỗ tiêm, sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi… Các triệu chứng này sẽ tự khỏi sau vài ngày, tương tự như sau tiêm 2 mũi cơ bản. Phản ứng nặng sau tiêm xảy ra rất thấp, với tỷ lệ khoảng 3 trường hợp trên 10 triệu mũi tiêm. Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn về việc tiêm nhắc mũi 4 cho người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19… Hiện chiến dịch tiêm mũi 4 đã và đang được triển khai an toàn trên cả nước.
Trẻ em nhiễm Covid-19 có thể dẫn đến viêm đa hệ thống
Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi và trẻ từ 12 - 17 tuổi là vấn đề hết sức quan trọng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo việc này cần được thực hiện sớm để giảm tỷ lệ trẻ mắc Covid-19 trong cộng đồng. Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ rất cần sự phối hợp của người dân, đặc biệt là phụ huynh. Phụ huynh cần theo dõi sức khỏe, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trước và sau khi tiêm vắc xin cho trẻ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm bảo đảm tính hiệu quả, an toàn trong suốt quá trình tiêm chủng. Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ em nhằm bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan, giúp trẻ tránh mắc bệnh, tránh các hậu quả lâu dài của bệnh.
Trẻ mắc Covid-19 thường có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng, cho đến nhập viện nặng, tử vong. Việt Nam đã ghi nhận hàng trăm trường hợp trẻ em mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) khá giống với một số tình trạng bệnh lý khác như sốc nhiễm độc hay bệnh Kawasaki. Với hội chứng này, trẻ có cảm giác mệt mỏi, choáng váng, mất mùi, phát ban, đỏ mắt, sốt kéo dài, thậm chí mất hoặc thay đổi vị giác… Số khác lại có tâm lý mặc cảm, tự ti sau mắc bệnh, khó tập trung, không ghi nhớ và hiểu được kiến thức giáo viên giảng dạy, chữ viết xấu… Toàn bộ các biểu hiện này rất cần được theo dõi, đánh giá sớm và can thiệp kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của trẻ.
HOÀNG LINH - GIANG NHUNG