Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Trong khó khăn chung của ngành gỗ hiện nay, đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất, gia công chế biến gỗ” do ngành công thương hỗ trợ cho Công ty TNHH Ván ép cơ khí xây dựng Nhật Nam - Chi nhánh Bình Dương, đã tiếp thêm nguồn sức mạnh, tạo động lực để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, chăm lo cho đời sống người lao động.
Đại diện ngành công thương nghiệm thu đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất, gia công chế biến gỗ” tại Công ty TNHH Ván ép cơ khí xây dựng Nhật Nam - Chi nhánh Bình Dương
Tăng chất lượng sản phẩm
Công ty TNHH Ván ép cơ khí xây dựng Nhật Nam - Chi nhánh Bình Dương bắt đầu thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2010 chuyên sản xuất các loại lưng ghế, sử dụng 100% gỗ lạng xuất xứ từ gỗ trồng, cây công nghiệp có nguồn gốc, xuất khẩu, cung cấp cho các công ty xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Bình Dương và trong nước. Sau đại dịch Covid-19, xác định những ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của toàn cầu, lãnh đạo Công ty Nhật Nam đã nhanh chóng nhận định và có những giải pháp thích nghi nhanh, như: Đa dạng hóa thị trường, đàm phán giảm giá cho các khách hàng trong nước trước đây để duy trì sản xuất, từ đó công ty nhận được nhiều đơn hàng cung cấp cho thị trường trong nước như Công ty Geuther, Response, Genepa…
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Ván ép cơ khí xây dựng Nhật Nam - Chi nhánh Bình Dương, chia sẻ: “Trong tình hình khó khăn hiện hữu, nhu cầu thị trường trong nước và thế giới về sản phẩm ván ép uốn cong ngày càng cao do giá rẻ, tiện lợi. Các doanh nghiệp gỗ FDI và các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đều có nhu cầu về linh kiện ván ép uốn cong này để lắp ráp vào ghế, bàn, tủ và giường… Do đây là sản phẩm tiết kiệm được nguyên vật liệu, tận dụng được nguồn gỗ trồng địa phương, kiểu dáng đẹp, chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Chính vì vậy sản phẩm Công ty Nhật Nam đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, ngày càng được sử dụng rộng rãi. Công ty cũng đã trang bị và mở rộng quy mô sản xuất cũng như công suất sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng”.
Đến nay, sản phẩm của công ty có khả năng thay thế, cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu khi sử dụng các công nghệ hiện đại, biến gỗ cao su thành những sản phẩm cao cấp, thân thiện môi trường, chất lượng ổn định, nguồn cung cấp liên tục, giá cả hợp lý… đáp ứng nhu cầu của ngành gỗ nội thất. Công ty Nhật Nam đã và đang chiếm lĩnh thị trường và đang dần thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhập khẩu của người tiêu dùng.
Ông Nhật cho biết trong tình hình hiện nay, đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất, gia công chế biến gỗ” cho Công ty Nhật Nam là hết sức cần thiết, giúp công ty vượt qua tình hình khó khăn sau dịch bệnh. Việc hỗ trợ giúp công ty có thêm điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới thiết bị, tạo điều kiện làm việc hiệu quả cho người lao động, đặc biệt là nguồn lao động ở xã An Điền, TX.Bến Cát; đồng thời xây dựng và củng cố thương hiệu ngành chế biến gỗ của tỉnh Bình Dương.
Năng suất tăng lên khoảng 10 lần
Sau khi đầu tư máy chà nhám chổi công nghiệp, 8 trục, model FR1000- 8A, máy nhám thùng 2 trục 1.300mm cao cấp R-RP1300A và máy lọng ván cong, model YXJ-750, công ty sẽ nâng cao được năng lực sản xuất và đặc biệt tăng chất lượng sản phẩm, vì đây là một trong những loại máy đóng vai trò quan trọng quyết định đáp ứng được tiêu chuẩn của khách hàng.
Việc thực hiện đề án sẽ tạo điều kiện và động lực khuyến khích cơ sở công nghiệp nông thôn tích cực đổi mới thiết bị, công cụ sản xuất. Đề án hỗ trợ sản xuất ván ép uốn cong sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu mới chất lượng cho mặt hàng đồ gỗ nội thất, từng bước thay thế cho gỗ tự nhiên với chất lượng vượt trội.
“Trước đây khi chưa đầu tư 3 máy trên, công đoạn này phải dùng 2-3 máy cưa cắt loại cũ, cần 4-5 nhân công thực hiện và khi chà nhám công nhân phải chuyển phôi, lật mặt phôi để chà nhám lại. Đặc biệt là máy có hệ thống điện tử, màn hình cảm ứng nên thao tác chỉ với vài lần nhấn. Độ dày sản phẩm đồng đều, bề mặt ván láng mịn đáp ứng được các tiêu chuẩn của khách hàng. Khi vận hành máy chà nhám chổi FR1000-8A, máy chà nhám thùng 2 trục R-RP1300A và máy lọng ván cong YXJ-750, công đoạn cưa cắt thanh chỉ cần 2 nhân công vận hành máy móc… giảm thiểu số lao động và năng suất tăng lên khoảng 10 lần. Bên cạnh đó độ an toàn cho người lao động được nâng lên đáng kể”, ông Nguyễn Minh Nhật cho biết.
Đánh giá về hiệu quả của đề án, bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp (Sở Công thương), khẳng định về hiệu quả kinh tế, sau khi đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại, việc sản xuất của công ty sẽ được cải thiện rõ rệt như tăng năng suất, chất lượng, giúp doanh nghiệp mở rộng được thị trường, cũng như đáp ứng được nhiều đối tượng khách hàng… Từ đó bảo đảm doanh thu, lợi nhuận tăng cao. Đặc biệt về mặt xã hội, cùng với việc tăng doanh thu, nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước được công ty bảo đảm thực hiện, góp phần cải tạo và đóng góp cho xã hội; giải quyết thêm việc làm cho hơn 130 lao động với mức tiền lương trung bình 6.000.000 đồng/tháng.
TIỂU MY - ANH DŨNG