Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Thống kê trong năm 2022, tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên quy mô toàn tỉnh chưa đạt tiến độ đề ra. Tiêm chủng mở rộng là dự án thuộc chương trình mục tiêu y tế quốc gia, người dân được sử dụng miễn phí vắc xin. Tiêm vắc xin phòng bệnh có vai trò, lợi ích quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với trẻ.
Trẻ được tiêm chủng chương trình tiêm chủng mở rộng ở huyện Dầu Tiếng
Các chỉ tiêu tiêm chủng chưa đạt tiến độ
Năm 2022, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, ngành y tế tỉnh triển khai các đợt tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bảo đảm nâng cao tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn. Theo đó, toàn tỉnh đã tổ chức tiêm bổ sung vắc xin bại liệt (IPV) mũi 1, mũi 2 cho trẻ dưới 1 tuổi, chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin bại liệt (bOPV), vắc xin sởi - rubella (MR) và chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh uốn ván - bạch hầu (Td). Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên quy mô toàn tỉnh năm 2022 chưa đạt tiến độ.
Cụ thể, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các mũi tiêm chỉ đạt 87,3% tổng số trẻ trong độ tuổi. Trong đó, trẻ được bảo vệ trước bệnh uốn ván sơ sinh đạt 70,5%; bảo vệ phòng bệnh bại liệt (IPV) mũi 1 đạt 76,5%; viêm não Nhật Bản mũi 1 đạt 60,7%, mũi 2 đạt 58,6% và mũi 3 đạt 50,3%. Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin bại liệt cho trẻ dưới 5 tuổi vòng 1 đạt 91,2% và vòng 2 đạt 85,9%, còn vắc xin sởi - rubella đạt 90,8% tỷ lệ trẻ trong độ tuổi tiêm. Đặc biệt, trong chiến dịch tiêm ngừa bại liệt, tỷ lệ trẻ được tiêm bổ sung 1 mũi vắc xin bại liệt đạt rất thấp, trong khi đó ngành y tế đã triển khai tiêm mũi 2 tại 8 huyện, thị, thành phố, ngoại trừ TP.Thủ Dầu Một chưa triển khai. Thực tế trong nhiều năm qua, tình hình tiêm chủng vắc xin ngừa bại liệt trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ rất thấp. Do đó, việc đẩy mạnh triển khai các hoạt động bổ sung vắc xin bại liệt có ý nghĩa quan trọng trong việc chủ động phòng ngừa dịch bệnh quay trở lại.
Theo bác sĩ Trần Thị Diệu Thúy, công tác tại Phòng Tư vấn, khám tiêm chủng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ngoài các loại vắc xin có tên trong danh mục chương trình tiêm chủng mở rộng, tại Phòng Tiêm chủng dịch vụ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh còn có các loại vắc xin chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, như: Vắc xin phòng bệnh dại, cúm, viêm gan A, viêm màng não mủ, thủy đậu, ung thư cổ tử cung... “Phụ huynh nên đưa con em mình đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Bởi nếu không được tiêm chủng đầy đủ, trẻ sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do không có miễn dịch bảo vệ. Chúng ta hãy coi việc tiêm chủng để phòng bệnh không chỉ là quyền lợi của mỗi cá nhân, mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và toàn xã hội”, bác sĩ Trần Thị Diệu Thúy nói.
Tiêm chủng khống chế nhiều loại bệnh
Thời gian qua, công tác tiêm chủng mở rộng tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền. Bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết dự án tiêm chủng mở rộng được Chính phủ giao là một trong những dự án ưu tiên thuộc Chương trình mục tiêu y tế - dân số. Nhờ tiêm chủng mở rộng, Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng đã khống chế được nhiều loại bệnh truyền nhiễm, như: Bại liệt hoang dại, sởi - rubella, bạch hầu... Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, chương trình tiêm chủng mở rộng ngày nay phải đối mặt với những thách thức mới nổi để có thể duy trì được những thành tựu mà khó khăn lắm mới đạt được và tiếp tục tiếp cận tới cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thấp, đặc biệt ở một số địa phương. Một phần xuất phát từ những lo ngại về “phản đối chủng ngừa” do một số bậc cha mẹ không tin tưởng vào tác dụng của chủng ngừa và sự mất niềm tin đó càng gia tăng bởi sự tác động thông tin bị thêu dệt và sai lệch. Sự xói mòn niềm tin trong công chúng thường xảy ra sau những biến cố bất lợi khi tiêm chủng hiếm xảy ra, với những câu chuyện tiêu cực mà không có thông tin đầy đủ.
Các vắc xin đều an toàn như nhau. Cha mẹ, phụ huynh hãy đưa trẻ tiêm chủng vắc xin mở rộng đúng lịch, không trì hoãn, không chậm trễ. (Bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) |
Để bảo đảm cho trẻ em được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và tránh tình trạng người dân không được tiêm chủng hoặc chờ đợi tiêm chủng các loại vắc xin dịch vụ, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế của Nhà nước có tổ chức hoạt động tiêm chủng dịch vụ phải tổ chức tiêm chủng các vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng tương ứng với loại vắc xin mà cơ sở đó thực hiện tiêm chủng dịch vụ. Đây là giải pháp quyết liệt mà Bộ Y tế kiên quyết chỉ đạo thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận kịp thời với vắc xin phòng bệnh, không để tình trạng người dân không được tiêm chủng. Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là biện pháp hữu hiệu để phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và là quyền lợi của trẻ em. Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế khuyến cáo các gia đình có trẻ nhỏ đến tuổi tiêm chủng theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng phải đưa trẻ đi tiêm chủng các vắc xin tiêm chủng mở rộng, không chờ đợi vắc xin dịch vụ mà bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng đúng lịch của trẻ, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
HOÀNG LINH