Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Từ đầu đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 600 doanh nghiệp (DN) với hơn 57.000 lao động bị ảnh hưởng. Chia sẻ khó khăn với người lao động (NLĐ), Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) các cấp tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động chăm lo thiết thực. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các cấp đang phối hợp với các DN bị ảnh hưởng dịch bệnh rà soát, lập hồ sơ, tạo điều kiện để NLĐ được hưởng các chế độ theo quy định.
Rà soát số lao động bị ảnh hưởng
Bên cạnh những DN bị ảnh hưởng trực tiếp, rất nhiều DN khác cũng tạm ngừng sản xuất do không thực hiện được “3 tại chỗ” trong thời gian giãn cách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên toàn tỉnh. Theo thống kê của LĐLĐ tỉnh, trên địa bàn hiện có 1.041 DN (tổng số 405.000 lao động) có tổ chức công đoàn cơ sở thực hiện phương án “3 tại chỗ” thì chỉ có 188.000 lao động vào nhà máy làm việc, hơn 210.000 lao động nghỉ việc ở nhà.
Bằng nhiều nguồn lực, LĐLĐ các cấp đang phối hợp với các cấp, các ngành chăm lo tốt đời sống NLĐ
Thực hiện Nghị quyết số 68 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã có văn bản hướng dẫn các cấp công đoàn chủ động nắm tình hình DN, NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; phối hợp tham gia cùng các cấp chính quyền, các sở, ngành, vận động DN đủ điều kiện lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định. Các cấp công đoàn cũng phối hợp với người sử dụng lao động lập danh sách NLĐ ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉviệc không hưởng lương, lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp và giám sát việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng trên. Trên cơ sở đó, LĐLĐ tỉnh có những đề xuất lên UBND tỉnh, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp để có những phương án hỗ trợ NLĐ thời gian tới.
Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng nếu căn cứ vào những quy định tại Nghị quyết số 68 thì số lao động trên địa bàn được nhận hỗ trợ từ chính sách vẫn còn ít so với số lao động đang tạm nghỉ việc do dịch bệnh gây ra. Tới đây, khi nhận được hồsơ đề nghị hỗ trợ từ các DN và qua rà soát, sở sẽ có những kiến nghị kịp thời lên các cấp có thẩm quyền.
Dồn lực chăm lo cho người lao động
Biết được những khó khăn mà NLĐ đang gặp phải trong đại dịch, LĐLĐ các cấp trên địa bàn đã phối hợp với nhiều đơn vị, DN chăm lo bằng nhiều hình thức. Đó là hỗ trợ nhanh cho các đối tượng F0, F1, F2; giúp đỡ kịp thời cho NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ tiền ngân sách công đoàn với số tiền lên đến hơn 5 tỷ 350 triệu đồng. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đóng vai trò là người kết nối, kêu gọi các cá nhân, tổ chức, DN trên địa bàn cùng góp công, góp sức chăm lo cho NLĐ.
Đó còn là hàng chục tấn nhu yếu phẩm từ các tỉnh, thành bạn; hàng trăm tấn lương thực, khẩu trang y tế, nước khử khuẩn... trong tỉnh được chuyển đến các khu cách ly, khu nhà trọ nơi có đông công nhân lao động sinh sống. Cán bộ công đoàn còn đóng góp tiền, công sức chế biến hàng ngàn hộp chà bông nghĩa tình gửi đến tay NLĐ... Những con số đó rất khó tính toán bằng một số tiền cụ thể vì đó là sự chia sẻ yêu thương.
Nhìn rộng ra hơn trong đợt dịch bệnh thứ 4 này, cho thấy gần như toàn tỉnh đang dồn sức chăm lo cho NLĐ. Bởi ai cũng biết, Bình Dương đang có khoảng 1,2 triệu lao động, trong đó số NLĐ ngoài tỉnh chiếm hơn 85%. Khi dịch bệnh xảy ra, hầu hết các khu phong tỏa hay cách ly y tế, khu nhà trọ đều chiếm số đông công nhân lao động đang sinh sống, cách ly. Vì thế, hàng trăm tỷ đồng mà người dân, DN trong và ngoài tỉnh ủng hộ thông qua Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ủy ban MTTQ Việt Nam... từ cấp tỉnh, đến xã, phường, thị trấn đều dồn hết cho NLĐ để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đó là chưa tính đến việc các chủ nhà trọ đang thực hiện giảm và miễn tiền thuê nhà trọ; tặng các nhu yếu phẩm khác đến tay NLĐ mỗi ngày. Số điện thoại từ đường dây nóng cung cấp miễn phí lương thực, nhu yếu phẩm ở các xã, phường, thị trấn cho người gặp khó khăn vẫn thường trực chờ nghe mỗi ngày...
Dịch bệnh xảy ra, không chỉ NLĐ đang trực tiếp sản xuất tại các nhà máy, DN trên địa bàn gặp khó khăn, mà hầu hết người dân, người kinh doanh các ngành nghề đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, cái khó của họ nằm ở việc bị giảm thu nhập, ảnh hưởng công việc, doanh thu. Còn cái khó của NLĐ trong các nhà máy là chén cơm, manh áo mỗi ngày trong đại dịch. Hiểu được điều đó, các cấp, các ngành trong tỉnh vẫn đang ngày đêm ra sức chăm lo NLĐ để cùng vượt qua khó khăn trước mắt.
QUANG TÁM