| 03-04-2024 | 08:14:14

Tín dụng ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng

Các ngân hàng giảm lãi suất huy động trong thời gian dài, tăng cường tìm kiếm khách hàng, tích cực giải ngân các chương trình cho vay doanh nghiệp, cá nhân cho thấy thanh khoản tín dụng của hệ thống ngân hàng vẫn đang dư thừa.

“Dọn đường” cho vay

Mới đây Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) giảm lãi suất kỳ hạn 3 - 5 tháng từ 2,7%/năm xuống còn 2,3%/ năm. Trong khi đó, các kỳ hạn còn lại vẫn duy trì ổn định. Theo đó, kỳ hạn từ 6 - 8 tháng 3,4%/năm; 9 - 11 tháng lãi suất 3,45%/năm; từ 12 - 36 tháng là 4,4%/năm. Đặc biệt, đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm thường, trả lãi cuối kỳ, kỳ hạn 12 tháng với hạn mức từ 999 tỷ đồng trở lên, lãi suất 9,5%/ năm. Ngoài ra, các khoản tiền gửi không kỳ hạn vẫn được ấn định lãi suất 0,05%/năm.

Tăng trưởng tín dụng đang gặp khó, các ngân hàng đang nỗ lực tìm kiếm khách hàng với nhiều chính sách ưu đãi

Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng công bố giảm lãi suất huy động. Đối với gửi tiết kiệm trực tuyến, VIB điều chỉnh giảm 0,1 - 0,2%, áp dụng tại các kỳ hạn 3 - 18 tháng. Sau điều chỉnh, lãi suất tại kỳ hạn 3 - 5 tháng giảm 0,2% về mức 3,8%/năm; 7 - 11 tháng giảm 0,1%, còn 4,1%/năm; kỳ hạn 15 - 18 tháng cũng giảm 0,1 điểm phần trăm, xuống còn 4,8%/năm. Đối với gửi tiền tại quầy, lãi suất sẽ thấp hơn 0,1% so với gửi tiền online, hiện dao động khoảng 2,4 - 4,9%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 10 triệu đến dưới 300 triệu đồng, kỳ hạn 1- 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, trong một tháng qua, có 25 ngân hàng đã công bố giảm lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn. Với tỷ lệ chiếm gần 1/2 thị phần huy động tiền gửi toàn hệ thống, việc hạ lãi suất huy động xuống dưới 5%/năm là mức thấp nhất trong hàng chục năm trở lại đây của các ngân hàng khối quốc doanh.

Ngoài việc hỗ trợ giảm chi phí đầu vào thông qua giảm lãi suất huy động, các ngân hàng còn chủ động tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đồng thời còn cạnh tranh cả chính sách cho vay nhằm đẩy vốn ra thị trường. Đối với doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc nhỏ và vừa, tiểu thương, hộ kinh doanh… cũng có thể tiếp cận các chương trình vay để bổ sung nguồn vốn lưu động nhằm phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, đời sống với thời gian vay lên tới 10 năm, 20 năm và linh hoạt phương án trả nợ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 25-3, tổng huy động của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm 2023 tăng 1,17%); tăng trưởng tín dụng đạt 0,26% (cùng thời điểm năm 2023 tăng 1,99%). Riêng Bình Dương, đến cuối tháng 1, tổng nguồn vốn huy động đạt 301.496 tỷ đồng, giảm 1,48% so với cuối năm 2023, dư nợ tín dụng đạt 323.700 tỷ đồng, giảm 1,20% so với cuối năm 2023.

Theo ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) - Chi nhánh Bình Dương, hiện lãi suất huy động của các ngân hàng đang thấp hơn mức đáy trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Trong bối cảnh các giải pháp của Chính phủ và NHNN đều xoay quanh việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giúp nền kinh tế tiếp cận được vốn vay tín dụng, duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Từ đây, các ngân hàng tiết giảm chi phí huy động để cung ứng vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp.

Thúc đẩy tín dụng

Tại các cuộc họp với Chính phủ, NHNN trong thời gian gần đây, các ngân hàng thương mại cho biết đang thừa vốn dù lãi vay thấp.

Không chỉ cạnh tranh về lãi suất, các ngân hàng còn cạnh tranh cả chính sách cho vay. Cụ thể, bên cạnh việc đa dạng thêm các hình thức thế chấp, tín chấp để thu hút người vay, Vietcombank còn hỗ trợ khách hàng mở hồ sơ online để tạo điều kiện cho khách hàng giảm chi phí. Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, cho rằng với cuộc đua giảm lãi suất cho vay để tăng tín dụng, những ngân hàng có chính sách tốt, hỗ trợ khách hàng nhiệt tình sẽ nắm lợi thế cạnh tranh.

Theo thống kê của NHNN, hiện có khoảng 13,8 triệu tỷ đồng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng. Nếu không cho vay được, các ngân hàng sẽ vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền. Vì thế, trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, động lực cạnh tranh của các ngân hàng càng nhiều hơn. Để kích cầu cho vay, thời gian gần đây, cùng với việc công khai thông tin lãi vay bình quân, các ngân hàng đã tung ra nhiều gói vay ưu đãi. Đồng thời, cũng công khai mức cho vay vốn sản xuất, kinh doanh ngắn hạn, lãi suất từ 5,3%/năm và lãi suất từ 6,5%/năm cho các khoản vay trung dài hạn dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương, dự kiến năm 2024, tăng trưởng tín dụng ở mức 15% trong điều kiện bình thường. Trong thời gian tới, khi các điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm được dòng vốn đúng vào những đối tượng cần thiết cũng như an toàn của hệ thống, có thể sẽ giao thêm chỉ tiêu cho các ngân hàng thương mại để tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Tại cuộc họp trực tuyến đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam, nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng của các ngân hàng là tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, dựa trên chỉ đạo của Chính phủ và mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 được dự báo khoảng 6 - 6,5%, lạm phát khoảng 4 - 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình. Cuối năm 2023, NHNN cũng đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng, thông báo công khai nguyên tắc xác định để tổ chức tín dụng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng nhằm cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.

THANH HỒNG

Chia sẻ