| 07-11-2015 | 08:59:45

Tình người nơi nhà trọ - Bài 2

Bài 2: Giúp người ở trọ làm lại cuộc đời

 Mặc dù không phải là bà con thân thích nhưng nhiều người đến Bình Dương lao động và sinh sống trong các khu phòng trọ đã được chủ nhà xem họ như một thành viên trong gia đình. Nhiều chủ trọ đã giang tay giúp người lầm lỡ vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội, tích cực tham gia công tác xã hội ngay tại địa phương mình đang tạm trú.

Hàng trăm em học sinh không có điều kiện đến trường đã tham gia lớp học tình thương tại phường An Phú, TX.Thuận An do Chi đoàn Thanh niên xa quê của địa phương tổ chức

 

 Cảm hóa bằng chữ tình

Là tấm gương điển hình trong công tác cảm hóa đối tượng lầm lỡ, giúp họ quay về nẻo thiện, chị Nguyễn Thị Ngọc (SN 1981), Bí thư Chi đoàn Thanh niên xa quê phường An Phú, TX.Thuận An, cho biết: “Mỗi người đều có một hoàn cảnh khác nhau, nhất là đối với những người vừa mới ra trại. Tôi luôn thể hiện sự tôn trọng, gần gũi, quý mến họ và khi tiếp xúc với họ chúng tôi không nhắc lại “vết tích” xưa để họ tự ái. Trên cơ sở góp ý để xây dựng, chúng tôi thường xuyên gặp những người từng có quá khứ lầm lỡ để tác động, uốn nắn và tạo điều kiện thuận lợi để họ tích cực tham gia vào công tác xã hội ở địa phương. Như thế, họ sẽ nhanh chóng xóa đi mặc cảm trước tập thể”. Trên tinh thần đó, hơn 10 năm qua, Ban chấp hành Chi đoàn Thanh niên xa quê phường An Phú đã cùng các chủ nhà trọ chung tay cảm hóa thành công gần chục thanh niên lầm lỡ, giúp họ quay về nẻo thiện.

 Chị Nguyễn Thị Ngọc, Bí thư Chi đoàn Thanh niên xa quê phường An Phú, TX.Thuận An, cho biết: “Quan điểm của chúng tôi về công tác giáo dục, cảm hóa đối tượng thì không nên đem luật pháp ra hăm dọa mà mình cần quan tâm, chia sẻ và định hướng cho họ tốt hơn. Sau khi xác định được đối tượng cần theo dõi, vận động, chúng tôi cắt cử đoàn viên trong chi đoàn gần gũi để nắm rõ mọi mối quan hệ xã hội của đối tượng. Chúng tôi cũng tận dụng thế mạnh của các chủ nhà trọ vào công tác này….”.

Nói về công tác cảm hóa người ở trọ, chị Nguyễn Thị Ngọc tiếp chuyện: “Quan điểm của chúng tôi về công tác giáo dục, cảm hóa đối tượng thì không nên đem luật pháp ra hăm dọa mà mình cần quan tâm, chia sẻ và định hướng cho họ tốt hơn. Sau khi xác định được đối tượng cần theo dõi, vận động, chúng tôi cắt cử đoàn viên trong chi đoàn gần gũi để nắm rõ mọi mối quan hệ xã hội của đối tượng. Chúng tôi cũng tận dụng thế mạnh của các chủ nhà trọ vào công tác này. Sau đó, chúng tôi tiến hành vận động và đưa ra những tình huống giả định có liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật để giáo dục. Đối với công tác này, lâu nay chúng tôi thường cắt cử những thành viên có kinh nghiệm xử lý mọi tình huống để không ảnh hưởng đến lòng tự trọng của người được cảm hóa”.

Đơn cử, sau thời gian Chi đoàn Thanh niên xa quê phường An Phú triển khai kế hoạch vận động, nhiều người một thời lầm lỡ đã nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, tích cực tham gia vào công tác xã hội tại địa phương. Điển hình như anh Phạm Tấn H. (SN 1989, quê Kiên Giang), Phạm Văn C. (SN 1995) và Nguyễn Hùng C. (đều quê An Giang)…

Chia sẻ với chúng tôi trong công tác cảm hóa đối tượng, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, ông Hồ Văn Định, ngụ KP.Bình Đức 1, phường Bình Hòa, TX.Thuận An, cho biết: “Gia đình tôi sẵn sàng tiếp nhận những thanh niên lầm lỡ đến tạm trú ở nhà mình. Bởi thông qua ly trà, ly rượu, chúng tôi dễ dàng gần gũi, sẻ chia về mặt tinh thần để họ không phải mặc cảm trước tập thể”. Để chứng minh lời mình, ông Hồ Văn Định lấy ra gần chục cuốn sổ tạm trú và đọc đầy đủ họ và tên, quê quán và phân tích đặc điểm từng trường hợp đã được gia đình ông cảm hóa thành công. “Sau thời gian chúng tôi “củng cố” về mặt tinh thần, nhiều người lầm lỡ sau khi chuyển đến nơi ở mới vẫn quay lại thăm gia đình tôi. Cụ thể như cháu T.T.H. (quê Nghệ An) hay cháu N.N.V. (quê Hà Tĩnh)… Sau nhiều năm kinh doanh phòng trọ, một trong những niềm vui lớn của tôi là đã làm được việc cảm hóa nhiều người lầm lỡ, giúp họ quay về nẻo thiện, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội”, ông Hồ Văn Định nói.

Từ những mô hình tương thân tương ái

Song song với mô hình cảm hóa đối tượng lầm lỡ, mô hình hũ gạo tình thương tại các khu phòng trọ ở nhiều địa phương trong tỉnh, hiện nay nhiều cơ sở trọ cũng có nhiều hoạt động từ thiện, công tác xã hội để huy động được nguồn kinh phí từ các Mạnh Thường Quân nhằm hỗ trợ cho nhiều người lao động có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Theo lời giới thiệu của bà Bùi Thị Lương Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Bình, chúng tôi đến KP.Bình Đường 3, phường An Bình, TX.Dĩ An để hiểu rõ hơn về kết quả hoạt động của Câu lạc bộ (CLB) Tương thân của khu phố này.

Bà Phạm Thị Ngọc Hương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ KP.Bình Đường 3, kiêm Phó Chủ nhiệm CLB Tương thân khu phố, cho biết: “Xác định việc giúp đỡ người tạm trú gặp lúc khó khăn là việc cần thiết, cuối năm 2012, CLB Tương thân ra đời. Gần 3 năm qua, CLB đã huy động các Mạnh Thường Quân và một phần do hội viên trong CLB đóng góp được 300 triệu đồng và nhiều phần quà có giá trị trên 100 triệu đồng. Trong 3 năm qua, CLB đã tổ chức tặng quà cho hơn 400 lượt người đến tạm trú tại địa phương có hoàn cảnh khó khăn. Phương châm hoạt động của CLB là sẵn sàng giúp đỡ người tạm trú gặp phải khó khăn trong cuộc sống như: Đau ốm, tai nạn…”.

Với những việc làm ý nghĩa, thiết thực trong công tác cảm hóa đối tượng lầm lỡ, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, đến việc xóa mù chữ cho hàng trăm con em công nhân xa quê nhờ lớp học tình thương, tập thể Chi đoàn thanh niên công nhân xa quê phường An Phú đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về những thành tích nổi bật. Mới đây, chị Nguyễn Thị Ngọc, Bí thư Chi đoàn được chọn là một trong 70 đoàn viên thanh niên tiêu biểu của tỉnh tham gia chương trình Dâng hương Bác tại Hà Nội.

Là một trong những người có hoàn cảnh khó khăn được CLB thường xuyên hỗ trợ về vật chất, anh Huỳnh Hữu Trường (SN 1972, quê Bến Tre) đang làm công nhân trong Công ty TNHH Tiến Đạt, cho biết: “Mặc dù vợ chồng tôi đang ở trọ trong cư xá của công ty, nhưng khi biết gia đình tôi đang gặp phải khó khăn về tiền bạc để chạy chữa bệnh ung thư cho đứa con gái, Ban Chủ nhiệm CLB Tương thân cũng tìm đến để hỗ trợ hàng triệu đồng. Theo tôi thì đây là việc làm có tính nhân văn cao cả mà CLB đã thể hiện trong nhiều năm qua”.

Trong khi đó, nhằm dạy chữ cho con em người lao động không có điều kiện đến trường để học, năm 2009, chị Nguyễn Thị Ngọc, Bí thư Chi đoàn Thanh niên xa quê phường An Phú, TX.Thuận An đã đứng ra tổ chức khai giảng lớp học tình thương để phổ cập giáo dục tiểu học cho nhiều con em công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (từ 9 - 15 tuổi). Sau 6 năm đi vào hoạt động, đến nay, lớp học tình thương đã phổ cập giáo dục được 300 em học sinh.

Được biết, để có kinh phí mua tập sách, mua sắm vật dụng phục vụ cho công tác giảng dạy, thời gian qua, 70 thành viên của chi đoàn này đã tổ chức vận động các Mạnh Thường Quân ủng hộ. Chị Nguyễn Thị Ngọc cho biết: “Nhằm duy trì được lớp học tình thương, thời gian tới chúng tôi tiếp tục thực hiện công tác vận động các Mạnh Thường Quân ủng hộ kinh phí để nâng cấp cơ sở hạ tầng cũng như mua sắm nhiều tập sách cho các em học sinh. Song song với việc này, Ban chấp hành Chi đoàn sẽ “gõ cửa” nhiều đơn vị trường học để mong nhận sự trợ giúp của giáo viên, sinh viên đứng lớp giảng dạy. Như thế, lớp học tình thương sẽ được nâng lên cả chất và lượng trong thời gian tới”.

 THANH QUANG - HƯNG PHƯỚC

Chia sẻ