| 11-07-2022 | 08:38:01

Tinh thần vượt khó của một cựu chiến binh

Sau ngày giải phóng, thương binh 4/4 Nguyễn Ngọc Dưỡng chỉ còn 60% sức khỏe, do gặp phải nhiều thương tích trong các trận đánh ác liệt. Nhưng bằng tinh thần vượt khó của người lính trinh sát, là Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn Phú Lợi, ngày đêm ông luôn nỗ lực lao động, lập doanh nghiệp, giúp đỡ cho nhiều địa phương, đồng đội. Với thành tích ấy, năm 2011, ông được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba.

 Ông Nguyễn Ngọc Dưỡng cùng đồng đội trong Ban Liên lạc Tiểu đoàn Phú Lợi

 Được Quân khu 7 tuyên dương

Trong căn nhà khang trang trên đường Thích Quảng Đức, phường Phú Hòa, người lính trinh sát tuổi 74 hồi tưởng những chuyện đã qua, một kỷ niệm hào hùng của thời trai trẻ. Hiện tuổi đã cao, nhưng ông chưa cho phép bản thân nghỉ ngơi. Ông đang nỗ lực hàng ngày biến khu đất bao năm làm công ty phân bón của gia đình thành một bệnh viện. Khi đó, ông có điều kiện để giúp đỡ đồng đội, con em gia đình chính sách nhiều hơn.

Năm 1968, khi tròn 22 tuổi, theo tiếng gọi miền Nam, ông hành quân vào Bình Dương làm nhiệm vụ giải phóng đất nước. Với tinh thần yêu nước, người lính trinh sát Tiểu đoàn Phú Lợi bất chấp hiểm nguy, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. “Lính trinh sát đặc công như chúng tôi là không màng đến sống chết. Mỗi ngày trôi qua, phải xâm nhập đến tận các đồn, bót của giặc để thám thính, vẽ sơ đồ, nắm quân số, giờ giấc sinh hoạt của đối phương. Khi trở về phải lên phương án tác chiến hiệu quả nhất để tiểu đoàn mở những trận đánh nhanh, thắng nhanh, không cho quân địch kịp trở tay”, ông Dưỡng nói.

Tác chiến theo nhóm từ 2 - 3 người, ông cùng đồng đội xâm nhập vào các đồn, bót “khó nhằn” lúc bấy giờ như đồn An Lợi, nay là phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát; ấp Trao Trảo xã Vĩnh Tân, nay là phường Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên; bót Nhà Trắng - Khánh Vân, nay thuộc phường Khánh Bình, TX.Tân Uyên... Đặc biệt, vào năm 1972, sau khi trinh sát xong bót Nhà Trắng - Khánh Vân, ông cùng 2 đồng đội xin ý kiến đơn vị tổ chức đánh ngay để chớp thời cơ. Chỉ với vũ khí hạng nhẹ như lựu đạn, súng, thuốc nổ, 3 trinh sát của Tiểu đoàn Phú Lợi ngày ấy đã chiến đấu anh dũng và giành thắng lợi trước quân số rất lớn của địch. Trận đánh ấy được Quân khu 7 tuyên dương điển hình, sau đó bản thân ông Dưỡng được chọn cho đi tu nghiệp tại Nga, nhưng ông xin ở lại để tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu giải phóng đất nước.

Trải qua các trận đánh ác liệt khi cùng tiểu đoàn mở các đợt tấn công vào căn cứ quân địch ở Bông Trang Nhà Đỏ (nay là thị trấn Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên), ông đã bị thương nặng ở bả vai, thắt lưng. Trận đánh năm 1974 ở gò Bất Vật (nay là phường Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên), ông bị thương nặng ở sống lưng, khiến sức khỏe chỉ còn 60%. Vậy mà đến sau giải phóng đất nước, ông vẫn tiếp tục cầm súng cùng đồng đội chiến đấu tại chiến trường Campuchia cho đến năm 1979 mới trở về quê hương.

Ông Dưỡng tâm sự: “Từ năm 1966-1971 là giai đoạn quân địch thành lập Sư đoàn 1 Anh Cả Đỏ, với lực lượng tinh nhuệ, vũ khí hiện đại, tổ chức quần thảo khắp chiến trường Đông Nam bộ rất ác liệt. Bản thân tôi nhiều lần chạm trán với quân địch trên đường hành quân, lúc làm nhiệm vụ, nhưng vẫn may mắn sống sót. Nhờ rèn được đức tính kiên định trong quân ngũ, không lùi bước trước khó khăn, mà trở về thời bình dù sức khỏe có yếu đi tôi vẫn biết cách khắc phục để vươn lên, thực hiện những tâm nguyện của mình cho đến lúc này”.

Thành lập công ty từ đống “đổ nát”

Với đức tính hiền lành, chịu thương chịu khó, người Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn Phú Lợi hào hùng ngày ấy không ngại đi làm thuê, cuốc mướn, từng chạy xe ba gác chở thuê trái cây cho các tiểu thương để xây dựng gia đình, nuôi con cái ăn học thành tài. Đến năm 2002, khi đã có vốn, ông mạnh dạn mua lại Xí nghiệp Phân bón Thành Phát (phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một) để lập Công ty TNHH Phân bón Nông nghiệp sau này. Ông chia sẻ: “Ngày tôi tiếp nhận xí nghiệp chỉ là đống đổ nát. Do làm ăn thua lỗ, Xí nghiệp Thành Phát nợ hơn 1 tỷ đồng bên ngoài, tôi phải gánh luôn số nợ ấy. Chỉ tận dụng được máy móc, sau đó từng bước định hình sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm nông dân cần như phân NPK, hữu cơ, khoáng hữu cơ. Khó khăn của những ngày đầu khó kể hết”.

Đó là những tháng ngày ông mất ăn mất ngủ, vì phải vay nợ ngân hàng, người thân để cải tiến dây chuyền sản xuất, đưa ra thị trường chất lượng phân bón tốt nhất. Sau đó, ông mua chiếc ô tô cũ miệt mài ngày đêm đến các tỉnh Tây nguyên, miền Tây, miền Trung để làm thị trường. Gắn kết với các hội nông dân ở các tỉnh bán nợ phân bón cho nông dân, đặc biệt là gia đình chính sách ở các tỉnh để họ dùng thử, có khi đến vụ thu hoạch mới trả lại tiền. Với những gia đình chính sách quá khó khăn, ông liên kết với địa phương giúp hàng chục tấn phân. Khi công ty ông có lãi lớn, mỗi năm bán ra thị trường đến mười mấy ngàn tấn phân bón, ông hỗ trợ hội nông dân các tỉnh mỗi nơi hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để xây nhà tình nghĩa, chăm lo gia đình chính sách. Tại Bình Dương, ông liên kết với Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ xây nhiều căn nhà tình nghĩa cho đồng đội, hỗ trợ tiền mổ tim cho chương trình “Mổ tim cho em” tại Hà Nội... Nhờ những việc làm ý nghĩa trên, ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba (năm 2011).

Sau dịch bệnh Covid-19, ông Dưỡng cho biết sức khỏe đã không còn như trước, nên ông đã ngừng việc sản xuất phân bón, để tập trung vào dự án lớn hơn, ý nghĩa hơn. Với khối tài sản hàng trăm tỷ đồng hiện có, ông cho biết không bao lâu nữa ông sẽ thành lập một bệnh viện trên khuôn viên công ty sản xuất phân bón của gia đình. “Đây là việc làm mà tôi đã muốn thực hiện từ rất lâu. Hiện tôi là Trưởng ban Liên lạc Tiểu đoàn Phú Lợi. Những ngày tháng gắn kết với đồng đội trong những năm qua, nhìn thấy những anh em cùng vào sinh ra tử đã già yếu cần được hỗ trợ chăm sóc tốt hơn, cùng với đó là nhiều con em vẫn đang gặp khó khăn do bệnh tật. Nếu bệnh viện đi vào hoạt động ổn định, tôi sẽ trích một phần kinh phí để bù đắp”, ông Dưỡng chia sẻ.

 QUANG TÁM

Chia sẻ