Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Trong nhiệm kỳ qua, Công đoàn (CĐ) Bình Dương đã đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động để thực hiện tốt vai trò đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ). Với phương châm hướng về cơ sở, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, các cấp CĐ trong tỉnh đã trở thành người bạn đồng hành của NLĐ, tạo được lòng tin với người sử dụng lao động (NSDLĐ).
Bà Trương Thị Bích Hạnh (phải), Chủ tịch LĐLĐ tỉnh và bà Đặng Thị Kim Chi (trái), Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore tặng quà cho NLĐ bị tai nạn lao động nặng
Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ
Nhìn lại chặng đường hoạt động của tổ chức CĐ Bình Dương trong 5 năm qua cho thấy, các cấp CĐ đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ), NLĐ. Điểm nhấn là các chương trình như “Tết sum vầy”, “Chuyến xe xuân nghĩa tình” “Tháng Công nhân”... đã để lại ấn tượng tốt đẹp với ĐVCĐ và NLĐ. Song song đó, các phong trào thi đua (PTTĐ) yêu nước; chăm lo đời sống, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của ĐVCĐ và NLĐ; tuyên truyền, vận động, giáo dục ĐVCĐ và NLĐ chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chương trình công tác của CĐ… đã được triển khai sâu rộng đến ĐVCĐ, NLĐ.
Xác định bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của ĐVCĐ và NLĐ là nhiệm vụ hàng đầu của tổ chức CĐ, thời gian qua các cấp CĐ trong tỉnh đã đã tập trung triển khai nhiều hoạt động nhằm thực hiện tốt chức năng này. Điển hình là thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW, chỉ đạo của Tỉnh ủy và Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp (DN), các cấp CĐ đã chủ động tham gia, phối hợp với chính quyền, ngành chuyên môn đồng cấp từng bước nâng cao chất lượng hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị NLĐ và đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật. Theo đó, số DN tổ chức hội nghị NLĐ tăng hàng năm. Năm 2013, có 208 DN thì đến năm 2017 đã có 715 DN tổ chức hội nghị NLĐ; tổ chức trên 10.200 cuộc đối thoại giữa NSDLĐ với NLĐ nơi làm việc. Thông qua đối thoại, nhiều vấn đề vướng mắc, bức xúc của NLĐ được giải quyết kịp thời, nhiều khó khăn của NSDLĐ được NLĐ chia sẻ.
Việc nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) trong các DN được các cấp CĐ chú trọng thực hiện. Số lượng TƯLĐTT tăng so với đầu nhiệm kỳ. Đến nay, đã có 1.366 DN xây dựng, đăng ký TƯLĐTT, đạt 56,3%. Nội dung thỏa ước tập trung vào những cam kết thiết thực, có lợi hơn cho NLĐ theo quy định của pháp luật về tiền lương, tiền thưởng, các phúc lợi khác. Đồng thời, các cấp CĐ cũng đã tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động như tiền lương, tiền thưởng, thực hiện mức lương tối thiểu vùng và các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tham gia quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, nhất là các bếp ăn tập thể phục vụ NLĐ trong các khu, cụm công nghiệp; giám sát việc cải thiện và nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca cho NLĐ...
Nâng cao chất lượng công đoàn cơ sở
Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đề ra nhiệm vụ quan trọng là “... nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở (CĐCS), để CĐ thực sự là chỗ dựa vững chắc của công nhân tại DN thuộc mọi thành phần kinh tế, có sức hấp dẫn đối với NLĐ và tạo được sự đồng tình, ủng hộ của NSDLĐ”.
Thực hiện Nghị quyết 20, thời gian qua tổ chức CĐ trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của CĐCS để CĐCS thực sự là nền tảng, là bộ phận quan trọng trong hệ thống, trực tiếp thực hiện chức năng chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Đặc biệt, trong công tác ký kết TƯLĐTT và đối thoại; sự nhiệt tình, trách nhiệm, trí tuệ và bản lĩnh, sức kiên trì và kỹ năng, phương pháp công tác của mỗi chủ tịch CĐCS có tác động rất lớn đến chất lượng, hiệu quả đối thoại, thương lượng tập thể, nội dung TƯLĐTT cũng như những quyền, lợi ích mà NLĐ được hưởng.
Xác định việc tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ CĐCS có năng lực, phương pháp và tâm huyết với hoạt động CĐ là nhiệm vụ lâu dài và hết sức quan trọng, LĐLĐ tỉnh đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng và chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp hoạt động cho đội ngũ cán bộ CĐCS; trong đó chú trọng đến những nội dung, hình thức sát với thực tế của DN. Bên cạnh công tác bồi dưỡng, LĐLĐ tỉnh luôn quan tâm chăm lo đội ngũ cán bộ CĐCS như tổ chức biểu dương, tôn vinh cán bộ CĐ gắn bó 5 năm, 10 năm với công tác CĐ; tuyên dương gia đình cán bộ CĐ tiêu biểu; tổ chức xe đưa cán bộ CĐCS về quê đón tết…
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh đánh giá: “Trong nhiệm kỳ qua, hoạt động CĐ ở các DN đã thực sự nâng cao chất lượng, hiệu quả mang lại lợi ích cho NLĐ, nâng cao vai trò của tổ chức CĐ, tạo sự chuyển biến trong mối quan hệ lao động. Hiện tại, nhiều CĐ cấp trên cơ sở đã xây dựng được câu lạc bộ CĐ nòng cốt. Đây là đội ngũ cán bộ CĐCS tâm huyết, gắn bó và có nhiều sáng kiến và phương pháp hoạt động hiệu quả được ĐVCĐ và NSDLĐ tín nhiệm. Từ đó, nhiều CĐCS đã trở thành chỗ dựa tin cậy của NLĐ; là đối tác quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa giữa NSDLĐ và NLĐ.
Tạo điểm nhấn từ các phong trào thi đua
Thời gian qua, một trong những điểm nhấn của hoạt động CĐ các cấp chính là PTTĐ “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Các CĐCS đã động viên ĐVCĐ, NLĐ đẩy mạnh cải tiến máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng để nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng máy móc, thiết bị… Từ đó, các đơn vị đã tạo ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh, tham gia hội nhập khu vực và quốc tế. Cụ thể, tại các DN đã đẩy mạnh PTTĐ “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ”. Nhiều đơn vị đã cụ thể hóa thành những khẩu hiệu để NLĐ dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện như phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Bảo đảm an toàn trong sản xuất”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Thi đua nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững DN, cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ.
Hưởng ứng phong trào thi đua này, NLĐ trong các loại hình DN đã say mê nghiên cứu, tìm ra các biện pháp để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Từ đó đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình say mê lao động, sáng tạo, tiêu biểu cho ý chí vươn lên của đội ngũ NLĐ. Qua các phong trào thi đua, có hàng chục ngàn công nhân, viên chức, lao động đạt các danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Lao động xuất sắc”; hàng ngàn tập thể đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”. 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có trên 1.500 công trình sản phẩm, 83.050 sáng kiến, làm lợi cho cơ quan, đơn vị hàng chục ngàn tỷ đồng.
Theo bà Trương Thị Bích Hạnh, PTTĐ “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác của từng cơ quan, đơn vị và hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các DN, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả PTTĐ “Lao động giỏi, lao động sáng tạo để góp phần tích cực vào việc xây dựng tổ chức CĐ ngày càng vững mạnh, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; cụ thể hóa nội dung thi đua gắn với nhiệm vụ chuyên môn, đặc điểm công việc từng ngành, lĩnh vực; xây dựng nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu thi đua sát với chức năng, nhiệm vụ sản xuất của từng đơn vị, DN. Qua đó, khơi dậy lòng nhiệt tình, tính năng động, sáng tạo của đội ngũNLĐ để phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm lợi cho DN, cho cộng đồng.
Trong nhiệm kỳ 2013-2018, CĐ Bình Dương có 13 nhóm chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội IX CĐ tỉnh và Đại hội XI CĐ Việt Nam. Cụ thể 98% NLĐ trong các đơn vị, DN khu vực Nhà nước được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật, vượt 8% so với chỉ tiêu (90%); 75% NLĐ DN khu vực ngoài Nhà nước được tuyên truyền, phổ biến về pháp luật lao động và Luật Công đoàn sửa đổi năm 2012, vượt 5% so với chỉ tiêu (70%); 100% ĐVCĐ được tư vấn pháp luật về lao động và Luật Công đoàn miễn phí khi có yêu cầu; kết nạp 196.290/116.000 đoàn viên mới, vượt 69,2% so với chỉ tiêu; tỷ lệ ĐVCĐ trong các CĐCS khu vực Nhà nước đạt 97% so với tổng số lao động, vượt 7% so với chỉ tiêu (90%); tỷ lệ ĐVCĐ trong các CĐCS khu vực ngoài Nhà nước đạt 91% so với tổng số lao động, vượt 20,7% so với chỉ tiêu (70%); 100% CĐCS khu vực Nhà nước đủ điều kiện thành lập được Ban nữ công, đạt 100% so với chỉ tiêu...
THU THẢO