| 07-07-2021 | 08:49:13

Tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp: Đồng hành thực hiện “mục tiêu kép”

Trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị tốt các phương án để ứng phó nhằm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa bảo vệ sức khỏe công nhân lao động (CNLĐ) vừa không để “đứt gãy” hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Vì sức khỏe của CNLĐ

Vào thời điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa TX.Tân Uyên diễn biến phức tạp với nhiều ca bệnh được phát hiện trong nhà máy, khu nhà trọ, ngày 19-6, Ban Giám đốc Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam quyết chọn phương án “3 tại chỗ”, tổ chức cho CNLĐ ăn, ở và làm việc tại nhà máy. Ngay sau khi thông báo và vận động, có gần 200 CNLĐ đã đồng ý lưu trú trong công ty. Sau gần nửa tháng làm quen mô hình này với sự quan tâm chu đáo của công ty, CNLĐ đã an tâm sinh hoạt, làm việc trong khuôn viên nhà máy.

Người lao động Công ty Cổ phần Trần Đức nghỉ đêm ở khu lưu trú trong công ty

Bà Quách Tố Nga, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam, cho biết khi bùng phát đợt dịch thứ 4, công ty đã xây dựng nhiều phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống dịch xảy ra; quy hoạch chỗ ngủ, mua sắm sẵn lều, chiếu, đồ dùng vệ sinh thiết yếu để cung cấp cho CNLĐ trong tình huống xuất hiện ca F0 và CNLĐ phải cách ly trong DN. Khu vực nhà vệ sinh, nhà tắm cũng được cải tạo, nâng cấp sạch sẽ... Khi tất cả khâu chuẩn bị đã hoàn tất, công ty mới vận động CNLĐ ở lại sinh hoạt tại nhà máy và xem đây như một cuộc diễn tập để tránh bị động khi dịch lây lan trong công ty. CNLĐ đồng ý ở lại được công ty bố trí sinh hoạt và làm việc ở khu vực riêng. Nơi ngủ của CNLĐ sạch sẽ, thoáng mát; nam, nữ được bố trí ở khu riêng biệt. Ngoài 4 bữa ăn hàng ngày (sáng, trưa, chiều và tối) được cung cấp miễn phí…, ngày nghỉ chủ nhật cuối tuần toàn CNLĐ tập trung cùng nấu ăn những món mình thích, nghỉ ngơi vui chơi, giải trí... Ban giám đốc công ty còn hỗ trợ 5,5 triệu đồng/người lao động ở trong khu lưu trú của công ty.

Tương tự, tại Công ty Cổ phần Trần Đức (TP.Thuận An), ngay sau khi thông báo chính sách của công ty đã có hơn 200 CNLĐ xin đăng ký ở lại. Chị Trần Thị Á Tiên, CNLĐ bộ phận thống kê phân xưởng may, cho biết: “Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, trong đó đã có trường hợp lây nhiễm ở khu nhà trọ, thời gian qua, CNLĐ chúng tôi cũng rất lo lắng cho sức khỏe của mình. Trường hợp ở khu trọ mình có ca nhiễm phải các ly, phong tỏa để phòng dịch, phải nghỉ việc ở nhà đồng nghĩa với thu nhập bị giảm sút thì cuộc sống sẽ khó khăn hơn. Vì vậy, khi công ty thông báo tổ chức cho CNLĐ đăng ký lưu trú trong công ty, tôi cùng nhiều các anh chị em khác hưởng ứng ngay. Dịch bệnh diễn ra căng thẳng, dù lo lắng nhưng với sự chăm lo cho NLĐ của công ty, chúng tôi rất yên tâm. Mỗi người đều cố gắng àm việc tốt, phòng dịch tốt, chỉ mong sao dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát để mọi hoạt động được trở lại bình thường”.

Ổn định sản xuất

Để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, các DN đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch để thực hiện mục tiêu kép, “vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa duy trì sản xuất để phát triển doanh nghiệp”. Ông Trần Hưng Đạo, Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Foster, chia sẻ: “Với tinh thần chống dịch theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, Ban giám đốc công ty đã phối hợp cùng tổ chức công đoàn, quyết định bố trí cho CNLĐ lưu trú tại công ty để bảo vệ sức khỏe NLĐ (bắt đầu từ ngày chủ nhật, 4-7); bảo đảm vừa chống dịch, vừa sản xuất - kinh doanh. Hoạt động này sẽ được công ty duy trì trong 2 tuần, trong trường hợp tình hình diễn dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc trong cộng đồng không giảm, công ty sẽ gia hạn thêm thời gian tổ chức cho CNLĐ lưu trú trong công ty”.

Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Hành chính - Nhân sự Công ty Cổ phần Trần Đức, cho biết toàn công ty có gần 1.000 CNLĐ, đã có hơn 300 CNLĐ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 bị cách ly, phong tỏa ở các khu nhà trọ phải tạm nghỉ làm đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ sản xuất - kinh doanh của công ty. Do vậy, để bảo đảm sức khỏe, thu nhập của CNLĐ cũng như ổn định hoạt động sản xuất, Ban giám đốc công ty cũng đã sắp xếp lại các khu vực trong nhà máy, để dành không gian làm nơi ở cho CNLĐ, mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất để lắp đặt, bố trí chỗ nghỉ an toàn, thoáng mát và bố trí các khu phòng tắm, nhà vệ sinh, máy sấy quần áo... cho CNLĐ. Ngoài miễn phí 4 bữa ăn gồm sáng, trưa, chiều và tối, mỗi CNLĐ còn được công ty hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng để chi tiêu. Đồng thời, công ty liên hệ với Trung tâm Y tế TP.Thuận An để tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho tất cả CNLĐ lưu trú trong công ty.

Tại Xí nghiệp lốp Radial, Chi nhánh Công ty Cổ phần công nghiệp Cao su miền Nam (TX.Tân Uyên) cũng đã bố trí nơi lưu trú, ăn ở tại nơi làm việc cho gần 500 CNLĐ. Ngoài miễn phí 3 bữa ăn chính, 2 bữa phụ, mỗi CNLĐ còn được nhà máy hỗ trợ 150.000 đồng mỗi ngày. Cũng trên địa bàn TX.Tân Uyên, tại Công ty TNHH Rochdale Spears, ngoài tổ chức cho CNLĐ lưu trú tại nơi làm việc, công ty còn thuê riêng những khu nhà nguyên căn cho CNLĐ ở. Riêng bộ phận văn phòng áp dụng tạm thời 50% số lượng làm việc online tại nhà.

ĐỖ TRỌNG

 

Chia sẻ