Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Theo Foreign Policy, vào một buổi tối Chủ nhật mát mẻ vào tháng Ba, Sun Weidong, một nhà địa hóa học đã có một bài thuyết trình trước công chúng gồm những người ngoài ngành, sinh viên và giáo sư tại trường đại học Khoa học và Công nghệ ở Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc.
Nhưng giáo sư Sun không chỉ nói về địa hóa học. Ông còn trích dẫn một số tác phẩm cổ điển của Trung Quốc và trích dẫn lời mô tả của sử gia Tư Mã Thiên về địa hình đất nươc thời nhà Hạ - vốn được coi là vương triều sáng lập nên Trung Quốc, có niên đại từ năm 2070 đến 1600 trước công nguyên.
"Dòng chảy về phía bắc được chia ra thành chín con sông," Tư Mã Thiên đã viết trong cuốn sử ký thế kỷ đầu tiên của mình mang tên Thái sử Công thư. "Khi hội tụ, nó tạo thành dòng sông đối lập và chảy ra biển."
Nói cách khác, "dòng sông" được nói tới ở đây không phải là dòng Hoàng Hà nổi tiếng của Trung Quốc, bởi sông Hoàng Hà chảy từ tây sang đông. "Chỉ có một con sông lớn trên trái đất chảy về phía bắc. Đó là sông nào?" giáo sư hỏi. "Sông Nile," ai đó trả lời.
Khi đó, Sun đã trình chiếu một tấm bản đồ của dòng sông Ai Cập nổi tiếng cùng đồng bằng châu thổ của nó - với 9 nhánh sông đổ ra biển Địa Trung Hải.
Trong năm qua, Sun, một nhà khoa học có danh tiếng, đã khơi gợi một cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng khi tuyên bố rằng những người sáng lập nên nền văn minh Trung Quốc không phải là người Trung Quốc, mà là những người nhập cư từ Ai Cập.
Ông đã nghĩ tới mối liên hệ này vào những năm 1990 khi đang thực hiện công việc xác định niên đại bằng phóng xạ của đồ đồng Trung Quốc và thật bất ngờ, các thành phần hóa học của những hiện vật này có nhiều điểm tương đồng với đồ đồng cổ Ai Cập hơn là quặng bản địa Trung Quốc.
Ý tưởng của Sun cũng như những tranh cãi xoay quanh nó là kết quả của một vấn đề khảo cổ từ lâu của Trung Quốc, vốn tồn tại trong suốt hơn một thế kỷ nay nhằm tìm ra câu trả lời cho một câu hỏi khoa học cơ bản song lại mang nặng tính chính trị: Người Trung Quốc đến từ đâu?
Sun lập luận rằng công nghệ thời đại đồ đồng của Trung Quốc, vốn được các học giả cho rằng đã du nhập vào khu vực tây bắc thông qua con đường tơ lụa, thực ra đã du nhập vào bằng đường biển.
Theo ông, người nắm giữ những công nghệ này là người Hyksos, những người Tây Á cai trị khu vực phía bắc Ai Cập với tư cách những người nước ngoài từ thế kỷ 17 đến 16 trước Công nguyên, cho tới khi bị trục xuất khỏi đây. Ông cho biết rằng người Hyksos cũng sở hữu những công nghệ đáng chú ý như luyện kim đồng, xe ngựa, chữ viết, động thực vật thuần hóa - vào thời gian sớm hơn so với niên đại của những hiện vật được các nhà khảo cổ khai quật tại thành phố cổ Ân Khư, thủ đô của triều đại nhà Ân, triều đại thứ hai của Trung Quốc, từ năm 1300 đến 1046 trước Công nguyên.
Vì người Hyksos được biết tới là những người phát triển tàu chiến và tàu buôn, những phương tiện cho phép họ di chuyển qua biển Đỏ và biển Địa Trung Hải, Sun cho rằng một nhóm nhỏ người Hyksos đã trốn khỏi đế chế đang sụp đổ của họ bằng công nghệ đi biển. Những công nghệ này cuối cùng đã đưa họ và nền văn hóa thời đại đồ đồng của họ tới bờ biển Trung Quốc.
Luận văn của Sun đã gây nên nhiều tranh cãi khi được đăng tải trên trang web du lịch Kooniao dưới dạng một tiểu luận dài 93.000 ký tự vào tháng 9/2015.
Theo nhận xét của tạp chí Caixin: "Tiêu đề táo bạo và ngôn ngữ đơn giản đã thu hút được sự quan tâm của không ít độc giả." Tiêu đề đó là "Khám phá Khảo cổ Đột phá: Tổ tiên của người Trung Quốc đến từ Ai Cập," và bài luận đã được viết lại và thảo luận trên mạng, cụ thể là trên các cổng thông tin như Sohu hay những diễn đàn phổ biến như Zhihu hay Tiexue.
Kooniao cũng thiết lập một trang web thu hút nhiều người đọc với những nội dung dành riêng cho chủ đề này trên trang Weibo, cùng với đó là hashtag "người Trung Quốc đến từ Ai Cập." Từ đó, phản ứng của một bộ phận công chúng đã được thể hiện. Một số người chỉ bộc lộ cảm xúc tức giận của họ, và phần lớn đều không đúng trọng tâm: "Giả thuyết vô lý của chuyên gia đó nhận bừa mọi dân tộc làm tổ tông của chúng ta," một người viết. "Điều này thể hiện tâm lý tự ti ăn sâu vào tâm lý của con người!" Một người khác đặt ra câu hỏi, "Tại sao con cháu của Hoàng Đế lại chạy sang Ai Cập được? Chủ đề này thực sự quá nhảm nhí. Điều quan trọng là phải sống trong hiện tại!"
Những người khác thì tỏ ra có suy nghĩ hơn. Nếu họ chưa bị thuyết phục, thì ít nhất họ cũng sẵn sàng lắng nghe ý tưởng của Sun.
Trên thực tế, số lượng bình luận từ những người cảm thấy tò mò có vẻ lớn gấp rưỡi so với số bình luận phản ứng đơn thuần nói trên. Một người dùng viết: "Tôi ủng hộ. Ta phải nhìn nhận vấn đề này một cách khoa học. Dù giả thuyết này đúng hay sai thì cũng đáng để điều tra." Một người khác cho rằng: "Ta không thể cứ cho là nó sai và không thừa nhận các bằng chứng. Những trao đổi giữa các nền văn hóa có thể bắt rễ từ rất sâu, rất xa xưa."
Theo một cách nào đó, có thể nói giả thuyết hiện tại của Sun là một kết quả không lường trước của Dự án Niên đại. Khi dự án này được khởi động vào năm 1996, Sun đang là một nghiên cứu sinh thạc sỹ trong phòng thí nghiệm phóng xạ tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ. Trong số hơn 200 hiện vật bằng đồng thuộc trách nhiệm phân tích của Sun, có một số hiện vật được khai quật từ thành phố Ân Khư.
Ông đã nhận thấy rằng tính chất phóng xạ của các đồ đồng thời Ân-Thương là gần như hoàn toàn trùng khớp với đồ đồng thời Ai Cập cổ, gợi ý rằng quặng đồng làm ra chúng đều đến từ cùng một nguồn: các khu mỏ ở châu Phi.
Có thể vì đã lường trước được những tranh cãi mạnh mẽ xoay quanh vấn đề này, người hướng dẫn của Sun đã không cho phép ông báo cáo về những phát hiện của mình vào thời điểm đó.
Sun đã được yêu cầu trao lại dữ liệu của mình và chuyển sang một dự án mới. Hai mươi năm sau khi bắt đầu dự án và hiện đã là một giáo sư, Sun đã sẵn sàng để nói về tất cả những gì ông biết về văn hóa đồ đồng thời Ân-Thương của Trung Quốc.
Mặc dù công chúng phần lớn đều đón nhận giả thuyết của Sun với đầu óc cởi mở, thì giả thuyết này vẫn nằm ngoài những vấn đề học thuật chính thống. Kể từ những năm 1990, hầu hết các nhà khảo cổ Trung Quốc đã chấp nhận rằng phần lớn công nghệ thời đồ đồng của nước này bắt nguồn từ những vùng đất bên ngoài Trung Quốc.
Tuy nhiên, nó vẫn không được coi là đến trực tiếp từ Trung Đông nhờ di dân quy mô lớn. Ý kiến đồng thuận phổ biến nhất cho rằng những công nghệ này được chuyển tới Trung Quốc từ Trung Á thông qua một quá trình trao đổi văn hóa chậm chạp (thương mại, cống nộp, hồi môn) qua biên giới phía bắc Trung Quốc, với trung gian là những người chăn nuôi thảo nguyên vùng Âu Á có liên hệ với các nhóm người bản địa ở cả hai vùng.
Mặc dù vậy, niềm hứng thú với Ai Cập cổ nhiều khả năng sẽ vẫn còn được duy trì. Dự án Niên đại Hạ-Thương-Chu đã cho thấy rằng niềm hứng thú này có gốc rễ rất sâu và mang hơi hướng chính trị. Niềm hứng thú ấy đã một lần nữa được thể hiện trong chuyến viếng thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Ai Cập vào tháng 1 nhân kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tới Ai Cập, ông Tập Cận Bình đã chào hỏi tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi bằng một câu tục ngữ Ai Cập: "Một khi đã uống nước sông Nile, số mệnh sẽ xui khiến bạn quay trở lại."
Hiện vẫn chưa thể kết luận được liệu những bằng chứng của Sun có được tích hợp vào chính trị chính thống để chứng minh mối quan hệ văn hóa lâu đời giữa Trung Quốc và Ai Cập hay không. Nhưng nếu đúng là như vậy, thì câu tục ngữ mà ông Tập Cận Bình nói ra khi đặt chân tới Ai Cập sẽ giống như một lời tiên tri vậy./.
(Theo TTXVN)