| 17-02-2016 | 09:12:54

Tội chống người thi hành công vụ

Hỏi: Người dùng vũ lực chống đối hoặc có hành vi cản trở người thi hành công vụ sẽ bị xử phạt như thế nào theo quy định pháp luật?

ĐÀM VĂN SƠN (TX.Thuận An)

Trả lời: Người thi hành công vụ được hiểu là các nhân viên của các cơ quan nhà nước, các tổ chức đang thi hành nhiệm vụ được các cơ quan, tổ chức giao hoặc theo quy định của pháp luật vì lợi ích chung.

Hành vi chống lại người thi hành công vụ trực tiếp xâm phạm hoạt động bình thường, đúng đắn của các cơ quan nhà nước, tổ chức, làm giảm hiệu lực quản lý của các cơ quan, tổ chức đó. Tội phạm này được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành nhằm đấu tranh phòng, chống các hành vi chống người thi hành công vụ, giữ gìn trật tự công cộng, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người đang thi hành công vụ.

Điều 257 BLHS quy định tội chống người thi hành công vụ, như sau: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; phạm tội nhiều lần; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm.

Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc

Hỏi: Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc pháp luật xử lý như thế nào?

LÊ BẢO SƠN (TX.Dĩ An)

Trả lời: Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc cũng giống như tội đánh bạc đều trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến gia đình người phạm tội, đồng thời là nguyên nhân của nhiều loại tội phạm nguy hiểm khác. Việc quy định các tội này trong Bộ luật Hình sự (BLHS) nhằm đấu tranh phòng chống tệ nạn cờ bạc trong xã hội, giữ gìn trật tự công cộng, bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của công dân.

Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc được quy định tại Điều 249 BLHS, như sau:

Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại điều này và Điều 248 của bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: Có tính chất chuyên nghiệp; thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn; tái phạm nguy hiểm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Luật gia XUÂN LẠC  

Chia sẻ