Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
20 giờ tối 12-4, lần đầu tiên một chương trình sân khấu hóa và là lễ hội “đinh” của Festival Huế mang tên “Thiên hạ thái bình” được tổ chức trên sông Hương, bên bờ công viên Thương Bạc (TP Huế).
Đạo diễn chương trình là Lê Quý Dương, người gắn bó với Huế từ Festival 2006, cùng gần 500 nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, Nhà hát ca kịch Huế, sinh viên Trường Văn hóa nghệ thuật Thừa thiên - Huế.
Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: “Thiên hạ thái bình” được xây dựng từ ý tưởng tôn vinh khát vọng cháy bỏng của dân tộc là: đất nước thống nhất, thiên hạ thái bình, nhân dân no ấm. Các hình thức diễn xướng cung đình Huế như: nhã nhạc, múa kết hợp với những áng thơ tuyệt hay của cổ nhân với sự dàn dựng công phu, là mạch dẫn cho lễ hội độc đáo này.
Một hoạt cảnh trong chương trình Thiên hạ thái bình Chương trình được thiết kế dài 3 chương 9 hồi, từ “Nước ngàn năm văn hiến” (chương 1) đến “Muôn dân hưởng thái bình” (chương 2) và kết thúc bằng “Thịnh vượng một trời Nam” (chương 3), đưa khán giả vào một thế giới lung linh tuyệt đẹp và đầy chất lãng mạn, trữ tình bởi vẻ đẹp của thi - ca - nhạc - họa sóng sánh cùng mặt nước dòng Hương trong đêm. Sân khấu biểu diễn khá ấn tượng và đẹp mắt trong khung cảnh sân nổi giữa trời nước bao la. Phần trung tâm của sân khấu là hình ảnh quả cầu Cửu Long (một bảo vật của Huế) và hậu cảnh là cầu Trường Tiền duyên dáng, trở thành tâm điểm thu hút lượng người khá đông đến xem.
Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, tại Festival Huế 2010, du khách rất ấn tượng với chương trình "Hành trình mở cõi" thì năm nay "Thiên hạ thái bình" sẽ đem đến khá giả một niềm tự hào dân tộc. Nếu hành trình mở cõi là thiên lịch sử 700 năm đầy vẻ vang và oanh liệt của dân tộc ta, dựa theo tiến trình lịch sử mở cõi về phương Nam; thống nhất non sông; Đất nước trọn niềm vui, thống nhất, hội nhập và phát triển, thì “Thiên hạ thái bình” chính là khát vọng vĩnh hằng của nhân loại, đó là khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam, một dân tộc luôn phải đương đầu với họa ngoại xâm trong suốt mấy ngàn năm lịch sử hình thành và phát triển.
Câu chuyện được mở màn với giọng xướng bay bổng trầm hùng về một đất nước “Ngàn năm văn hiến”. Trên sân khấu nổi ở dòng Hương trữ tình, các đèn lồng được dâng từ thấp đến cao theo lời thơ, vũ khúc Bát Dật trang nghiêm cách điệu cùng trời đất, vũ khúc hoa đăng hòa điệu, các lớp hoa đăng được thả xuống dòng Hương như chở niềm mơ ước của muôn dân cùng thiên nhiên, cây cỏ. Chủ đề “Thiên hạ thái bình” nổi lên trên các bức liễn trong màn pháo hoa khai hội.
Ở 3 tầng sân khấu, du khách được thưởng ngoạn các hoạt cảnh diễn xướng rộn ràng như cảnh các cụ đồ khởi thảo thơ xuân, cảnh tiến sĩ vinh quy bái tổ, cảnh cưới xin giữa hai đôi lứa. Rồi các tầng lớp sĩ, nông, ngư, tiều… được bố trí theo từng cụm, tạo thành sức mạnh đoàn kết của muôn dân trong xã hội. Cảnh thái bình, sắc xuân trong ý thơ được đồng hiện qua nghệ thuật diễn xướng bằng những diễn xuất giàu chất truyền thống. Không chỉ có phần diễn xuất trên sân khấu nổi, phần diễn xuất hỗ trợ trên mặt sông gồm các ghe chở hoa đăng, thả hoa đăng, cảnh người dân quăng lưới… đã tạo nên một bức tranh sinh động trên dòng Hương.
Dẫn dắt câu chuyện “Thiên hạ thái bình” bằng một âm sắc trữ tình. Trên nền của tốp múa cách điệu cho tơ bông và đồng lúa. Những người thợ dệt bên khung dệt, các nông phụ thoăn thoắt gặt lúa chín, các nông phu quảy thóc trĩu gió. Tất cả tạo nên một sức sống trong mưa thuận, gió hòa. Một tiểu cảnh sàng sảy thóc sau thu hoạch đồng hiện với hò giã gạo tái hiện cảnh yên bình, no ấm.
Trên nền nhạc chầu văn, các nghề truyền thống của Huế được cách điệu như: chằm nón, làm hoa giấy làng Thanh Tiên… Sông Hương đã chảy qua thời gian để hình thành nên nhiều làng mạc trù phú, để lại những làng nghề truyền thống còn lưu giữ đến ngày nay. Khép lại chương trình, là một đại cảnh kết hợp thủ pháp cờ quạt, chim phụng hoàng, lồng đèn, hoa lá…
Câu chuyện “Thiên hạ thái bình” ngân vang trong ánh sáng của các lớp pháo hoa nghệ thuật. Thông qua ngôn ngữ diễn xướng cung đình, tác giả kịch bản đã lựa chọn những bài thơ hay nhất được tuyển chọn và khắc họa trên di tích, kiến trúc cung đình Huế làm mạch dẫn cho vở diễn, đưa khán giả vào một thế giới lung linh tuyệt đẹp và đầy chất lãng mạn, trữ tình trên dòng Hương Giang thơ mộng. Ban tổ chức Festival Huế 2012 khẳng định, chương trình “Thiên hạ thái bình” là lễ hội “đinh” của Festival năm nay. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV2 và kênh truyền hình địa phương.
Theo Nhân Dân