Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Ra đời, làm nhiệm vụ phát triển kinh tế với tên gọi Xí nghiệp sản xuất hàng cao su Sông Bé (3-2) bằng số vốn “3 không”: Không kỹ thuật, không thị trường, không vốn liếng. Xí nghiệp đã bắt tay vào sản xuất, kinh doanh trước muôn vàn chông gai, thử thách. Sau 35 năm, xí nghiệp đã trở thành một tổng công ty lớn của tỉnh Bình Dương với 22 công ty, đơn vị thành viên; sản xuất và cung cấp nhiều mặt hàng, dịch vụ khác nhau, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế tỉnh nhà. Thành công này có sự đóng góp quan trọng và xuyên suốt của người lao động, cùn g sự quan tâm động viên kịp thời của những người “Dám nghĩ - Dám làm - Dám chịu trách nhiệm”.
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty Cổ phần may mặc Bình Dương. Ảnh: DUY CHÍ
Có người lao động là có tất cả
Xí nghiệp sản xuất hàng cao su Sông Bé được giao nhiệm vụ sản xuất dép xốp đi biển xuất khẩu sang thị trường Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu, hay còn gọi là thị trường khu vực I theo hạn ngạch (quota) phân bổ của trên, góp phần tạo nguồn kinh tế cho tổ chức Đảng địa phương. Ngoài nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào có trong lòng đất là cao lanh, cao su thiên nhiên, còn lại xí nghiệp hầu như không có gì từ vốn, kỹ thuật đến kinh nghiệm sản xuất, nhưng yêu cầu nhiệm vụ lại rất khẩn trương, nặng nề…
Cái khó không bó được cái khôn, ông Nguyễn Văn Minh - người đứng đầu đơn vị đã bàn bạc cùng ban lãnh đạo xí nghiệp lặn lội về khu vực Chợ Lớn (TP. Hồ Chí Minh) tìm kiếm những gia đình người Hoa có truyền thống sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp để mời về tham gia sản xuất, làm cố vấn kỹ thuật. Thời điểm 1982, nhiều cơ sở sản xuất, xí nghiệp tư doanh trong cả nước nói chung và TP.Hồ Chí Minh nói riêng rơi vào khó khăn, đình trệ, đóng cửa do sự trì trệ của nền kinh tế. Nhưng việc hợp tác với người Hoa ở Chợ Lớn để phát triển sản xuất dép xốp tại Sông Bé - Bình Dương là bước đột phá táo bạo của những người trẻ “dám nghĩ - dám làm và dám chịu trách nhiệm!”.
Với tinh thần vừa học vừa làm, trong quá trình sản xuất, xí nghiệp đã tuyển chọn ra 5 lao động xuất sắc, có trình độ ra Hà Nội học kỹ thuật lưu hóa cao su. Lãnh đạo xí nghiệp liên hệ với Công ty Xuất nhập khẩu tạp phẩm TOCONTAP để tìm thêm thị trường xuất khẩu. Bằng những nỗ lực vươn lên không ngừng để tạo dựng từ “không” đến “có”, sau 5 năm Xí nghiệp sản xuất hàng cao su Sông Bé đã lập nên kỳ tích: Tổng số lao động tăng lên trên 550 người, gần 20 triệu đôi dép xốp xuất khẩu sang các nước XHCN, mang về ngoại tệ và hàng đối lưu gần 20 triệu rúp. Đặc biệt, ngoài nghĩa vụ nộp thuế cho ngân sách, xí nghiệp còn trích 10% lợi nhuận vào ngân sách Đảng, giúp cho Tỉnh ủy Sông Bé dần dần đủ khả năng tự túc.
Thành tích đó đã được Hội đồng Bộ trưởng ghi nhận và trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho tập thể xí nghiệp và sau đó lại được đặc cách trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất sau 5 năm hoạt động.
Cùng lo việc khó
Công việc sản xuất, kinh doanh vừa khởi sắc thì tình hình chính trị tại các nước XHCN bất ngờ gặp khó khăn do diễn biến chính trị tại Liên Xô (cũ) và các nước XHCN ở Đông Âu. Bằng sự nhanh nhạy và dự đoán tình hình, lãnh đạo xí nghiệp đã nhanh chóng chuyển hướng hoạt động, mở ra nhiều ngành nghề khác như thành lập nông trường trồng cây xuất khẩu, thành lập xưởng sản xuất đũa xuất khẩu, thành lập xưởng sản xuất tôn lợp nhà từ phế liệu dép xốp…
Sự chuyển hướng này không những bảo đảm việc làm liên tục cho người lao động lên đến trên 3.000 người mà lãnh đạo xí nghiệp còn mạnh dạn mời chuyên gia Hàn Quốc sang đào tạo tay nghề, thành lập thêm Xí nghiệp may mặc hàng xuất khẩu (năm 1988), thu hút đối tác nước ngoài đầu tư thành lập Công ty chế biến gỗ xuất khẩu KPM (năm 1991), Công ty Golf Palm Sông Bé (năm 1992), Công ty sữa Foremost (năm 1994). Tỉnh cũng chuyển giao Công ty bột giấy Vĩnh Phú đang làm ăn thua lỗ, sáp nhập vào xí nghiệp (năm 1990) và nhanh chóng hoạt động hiệu quả sau khi củng cố. Xí nghiệp cũng được đổi tên thành Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương 3-2 (Protrade) sau khi tách tỉnh năm 1997.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty 3-2 đúc kết: Tổng công ty luôn trân trọng thành quả đạt được và nhớ ơn những người đã bồi đắp, tạo dựng để có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Tổng công ty tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tư tưởng luôn đổi mới, tinh thần “dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm”; một lòng theo Đảng, tuân thủ pháp luật của Nhà nước và luôn làm tốt nghĩa vụ “đền ơn, đáp nghĩa”. |
Năm 2010, để phù hợp với tình hình mới, UBND tỉnh đã quyết định chuyển công ty thành Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương - TNHH MTV (Tổng Công ty 3-2), là doanh nghiệp Đảng duy nhất và cũng là một trong 3 tổng công ty Nhà nước thuộc tỉnh. Với mong muốn đưa tổng công ty tiếp tục phát triển hơn nữa, chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động và luôn làm tròn nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách Đảng, ngân sách Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà và đất nước, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, người anh cả của Tổng Công ty 3-2 mong muốn tập thể những người tiếp nối sự nghiệp phải luôn học hỏi đồng chí, đồng nghiệp của mình. Bên cạnh đó, cần gắn kết với đối tác, khách hàng, tôn trọng quyền lợi lẫn nhau, phát huy những truyền thống tốt đẹp lâu đời, luôn xứng đáng với danh hiệu “Anh hùng lao động” cao quý mà Chủ tịch nước đã trao tặng. Để giúp thế hệ sau này làm được điều đó, những người đi trước cần luôn quan tâm theo dõi, tiếp tục giúp đỡ và truyền thụ kinh nghiệm.
“Chúng tôi rất mong lãnh đạo các cấp cùng các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh luôn quan tâm sâu sát và sẵn sàng giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tổng công ty tiếp tục vững chãi, phát triển đi lên như 35 năm qua. Chúng tôi cũng tin tưởng những bạn đồng hành là đối tác, khách hàng luôn thủy chung, vì lợi ích chung mà tiếp tục cùng với những lãnh đạo trẻ của tổng công ty phát triển mối quan hệ kinh doanh và hữu hảo lâu dài”, ông Minh nói.
Sự nghiệp của Tổng Công ty 3-2 hôm nay có sự đóng góp to lớn của đội ngũ người lao động và tinh thần “Dám nghĩ - dám làm - dám chịu trách nhiệm” để phát huy tính năng động, sáng tạo và sức mạnh của tập thể, như lời dạy của Bác: “Khó vạn lần dân liệu cũng xong!”.
Nhìn lại chặng đường phát triển 35 năm qua, 10 cán bộ chủ chốt của Xí nghiệp sản xuất hàng cao su Sông Bé nay còn lại 3 người đang làm việc; những anh chị em được tuyển dụng vào làm việc từ năm 1982 nay cũng còn ít người đang làm việc tại công ty. Hiện tại, thế hệ tiếp bước đã được đào tạo qua trường lớp, được trang bị kiến thức và nhận thức cao, đã kinh qua thực tế nên có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có đầy đủ ý thức và năng lực thực hiện mọi nhiệm vụ được giao.
DUY CHÍ