Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Ông Bùi Thanh Nhân, Bí thư Thành ủy Dĩ An, Trưởng ban Chỉ đạo lập Quy hoạch tổng thể TP.Dĩ An thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2045, cho biết thời gian qua địa phương đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch để tạo ra một không gian mới, động lực mới để phát triển.
Cảng cửa khẩu tổng hợp Bình Dương tại phường Bình Thắng, TP.Dĩ An nhìn từ trên cao
Quy hoạch phù hợp
Trong 2 năm 2021-2022, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch thành phố, các ngành, địa phương đã khẩn trương rà soát lại để các quy hoạch có sự thống nhất chung, định hướng phát triển lâu dài. Trong đó, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của thành phố là tiến hành rà soát các phân khu chức năng, từ đó sắp xếp lại, chuyển hướng phát triển nhanh về thương mại - dịch vụ chất lượng cao.
Thành phố cũng tuân thủ và phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương phía Bắc về việc thực hiện di dời các nhà máy, xí nghiệp. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, TP.Dĩ An phấn đấu hoàn thành việc vận động di dời đối với các nhà máy, xí nghiệp thuộc danh mục phải di dời; đồng thời thực hiện tái cơ cấu, quy hoạch lại bức tranh công nghiệp trên địa bàn theo hướng có chiều sâu với các mô hình công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh…
TP.Dĩ An là trung tâm phát triển công nghiệp của tỉnh. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ, tỉnh đã có sự điều chỉnh, sắp xếp lại nhiệm vụ mới quan trọng và xứng tầm hơn cho địa phương này. Theo đó, sau chặng đường dài phát triển mô hình kinh tế khu, cụm công nghiệp tập trung, thời gian tới TP.Dĩ An sẽ được quy hoạch, sắp xếp phát triển theo mô hình đô thị kiểu mới dạng thức phân khu theo chiều sâu. Để làm được việc này, địa phương buộc phải bố trí không gian, quỹ đất phục vụ phát triển đô thị, thương mại - dịch vụ chất lượng cao.
Gắn liền với định hướng phát triển kinh tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045, TP.Dĩ An cũng kỳ vọng sẽ tập trung khai thác thế mạnh vị trí địa lý tiếp giáp với Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh. Theo đó, thành phố kỳ vọng sẽ ứng dụng, triển khai tốt mô hình hợp tác “3 nhà”, từng bước thúc đẩy sự phát triển về đào tạo nguồn nhân lực; ươm mầm doanh nghiệp trẻ, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ cao; tăng cường thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và thành phố.
Logistics - mũi chiến lược
Dĩ An là cửa ngõ gần nhất giúp hàng hóa trên địa bàn Bình Dương đến với hệ thống các cụm cảng nước sâu trong nước và quốc tế. Từ khi có chủ trương phát triển mô hình kinh tế công nghiệp tập trung, tỉnh đã chú trọng đầu tư hệ thống trung tâm logistics, cảng cạn (ICD) có công suất lớn trên địa bàn thành phố.
Với lợi thế tiếp giáp nhiều hệ thống giao thông thủy - bộ trọng yếu như sông Sài Gòn, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1K, đường Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn…, nhiều năm nay Dĩ An đã trở thành trung tâm logistics trọng yếu của tỉnh. Với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp lĩnh vực logistics, thông qua hệ thống cảng cửa khẩu tổng hợp Bình Dương và ICD Sóng Thần, mỗi năm có đến hàng triệu container hàng hóa mang thương hiệu “made in Binh Duong” được xuất khẩu đi khắp toàn cầu. Ngoài ra, Dĩ An còn là địa phương duy nhất của tỉnh có kết nối trực tiếp với các tuyến đường sắt quốc gia hiện hữu và tuyến Metro đầy triển vọng giúp kết nối Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh - hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là những tiền đề quan trọng, giúp Dĩ An có cơ hội phát triển thành trung tâm dịch vụ logistics phát triển mạnh.
Trong đồ án quy hoạch phát triển giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2045 của mình, TP.Dĩ An cũng đặt mục tiêu sắp xếp lại các trung tâm logistics chất lượng cao, logistics theo định hướng phát triển mới ứng dụng công nghệ chất lượng cao, góp phần nâng cao khả năng giao thương hàng hóa, giúp cộng đồng doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn nâng cao năng lực cạnh tranh và dễ dàng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong thời kỳ mới, ngay trong giai đoạn 2021-2025, TP.Dĩ An buộc phải tháo gỡ hai khó khăn, vướng mắc lớn, gồm: Vận động các nhà máy, xí nghiệp, đặc biệt là các nhà máy, xí nghiệp xen lẫn trong các khu dân cư di dời; quy hoạch xây dựng lại hệ thống giao thông, khu dân cư bài bản theo chuẩn mô hình đô thị kiểu mới. Lãnh đạo thành phố cho biết hiện địa phương đang phối hợp các sở, ban, ngành và các địa phương khác đẩy mạnh thực hiện công tác vận động di dời. Kết quả, đến hết năm 2022 đã có nhiều doanh nghiệp chấp hành chủ trương, thực hiện di dời nhà máy, xí nghiệp lên các địa phương phía bắc của tỉnh.
Song song đó, thời gian này thành phố cũng quy hoạch và dự kiến trong các năm tiếp theo sẽ hình thành nhiều công trình trọng điểm về hạ tầng giao thông, khu đô thị, khu dân cư... trên địa bàn. Các công trình này được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển. Để giảm tối thiểu sự ảnh hưởng tiêu cực đối với người dân khi triển khai xây dựng các công trình giao thông, địa phương đã xin ý kiến tỉnh về việc tìm, chọn quỹ đất tái định cư. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều khu tái định cư với diện tích đủ rộng để bố trí tái định cư cho người dân trước khi triển khai các công trình trọng điểm.
ĐÌNH THẮNG