Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Đến nay, Đồ án quy hoạch chung đô thị Thủ Dầu Một đến năm 2045 đã được Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, HĐND TP.Thủ Dầu Một thông qua. Dự kiến, thành phố sẽ trình UBND tỉnh để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và trình Bộ Xây dựng thẩm định trong cuối tháng 12-2024.
TP.Thủ Dầu Một hướng tới phát triển đô thị thông minh, bền vững
Quy hoạch xứng tầm đô thị trung tâm
Xác định công tác lập quy hoạch là khâu quan trọng trong định hướng xây dựng và phát triển TP.Thủ Dầu Một trong tương lai xứng tầm là đô thị trung tâm của tỉnh, trên cơ sở tham mưu của UBND thành phố, Thành ủy Thủ Dầu Một đã thực hiện các bước bảo đảm theo quy định trong việc định hướng, xem xét, góp ý để thực hiện quy hoạch xây dựng phát triển thành phố đúng định hướng phát triển chung của tỉnh, cũng như những đặc trưng riêng của thành phố trong việc gìn giữ phát huy giá trị đô thị hiện hữu kết hợp với việc quy hoạch đầu tư phát triển thành phố trong tương lai.
Theo đó, trong thời gian qua, Thành ủy đã tập trung chỉ đạo UBND thành phố khẩn trương tổ chức thực hiện các bước lập Đồ án Quy hoạch chung TP.Thủ Dầu Một theo quy định. Đồng thời, UBND thành phố đã tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư trên toàn thành phố bằng hình thức niêm yết trên Cổng thông tin điện tử TP.Thủ Dầu Một, niêm yết tại 14 phường, đăng thông tin trên Báo Bình Dương. Công tác lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, hội nghề nghiệp và cộng đồng dân cư đã hoàn thành, các ý kiến góp ý đã được đơn vị tư vấn tổng hợp, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ.
Mục tiêu của Đồ án Quy hoạch chung thành phố là chuyển đổi dần từ mô hình cấu trúc “đô thị công nghiệp” sang mô hình cấu trúc “đô thị dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo”; hướng tới phát triển đô thị thông minh, bền vững. Trong đó, đồ án xác định phát triển TP.Thủ Dầu Một trở thành một trong các cực tăng trưởng trọng điểm của vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có vai trò quan trọng trong vùng đô thị TP.Hồ Chí Minh; phát huy thế mạnh kết nối vùng và quốc tế về dịch vụ thương mại, logistics, công nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo…
Chỉnh trang, xây dựng giao thông nội thị
TP.Thủ Dầu Một hiện có 2.554 tuyến đường do tỉnh, thành phố và chủ đầu tư các khu dân cư quản lý. Trong đó, thành phố quản lý đối với 138 tuyến đường (gồm 92 tuyến đường đô thị, 46 tuyến đường khu dân cư); các phường quản lý 1.885 tuyến đường giao thông nông thôn. Thành phố đã đầu tư hệ thống các tuyến đường giao thông theo quy hoạch được duyệt, đã đầu tư 14/14 tuyến đường chính đô thị và đường liên khu vực, đạt tỷ lệ phủ kín quy hoạch 100%.
Đối với các tuyến đường đô thị đều được đầu tư đồng bộ vỉa hè, cây xanh, hệ thống chiếu sáng, thoát nước. Trong đó, đối với các tuyến đường đã đầu tư xây dựng vỉa hè từ lâu, thành phố đã thực hiện cải tạo vỉa hè được 6 tuyến đường (gồm đường Lê Hồng Phong, đường Yersin, đường Cách Mạng Tháng Tám, đường Bạch Đằng, đường Quang Trung và đường 30-4); đang triển khai thực hiện cải tạo vỉa hè 30 tuyến đường. Đồng thời, thành phố đã thực hiện cải tạo lưới chắn rác miệng thu nước trên 38 tuyến đường. Đối với 1.885 tuyến đường do các phường quản lý đều được đầu tư nâng cấp bê tông hóa, nhựa hóa và đầu tư hệ thống chiếu sáng.
Căn cứ Đồ án Quy hoạch chung đô thị Thủ Dầu Một đến năm 2045 và dự thảo Nghị quyết tiếp tục xây dựng và phát triển TP.Thủ Dầu Một đến năm 2030, ngoài việc ưu tiên đầu tư, nâng cấp các dự án trọng điểm như Quốc lộ 13, đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, đường Mỹ Phước - Tân Vạn… thành phố đề xuất nhu cầu giai đoạn 2026-2030 nâng cấp, mở rộng, đầu tư xây dựng mới bảo đảm theo mặt cắt quy hoạch được duyệt là 22 tuyến đường chính đô thị và đường liên khu vực, với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Dự kiến, sau khi hoàn thành các dự án sẽ kết nối tuyến đường ven sông Sài Gòn của TP.Thủ Dầu Một với TP.Thuận An, thúc đẩy phát triển khu vực tây, tây bắc của thành phố; tăng thêm nhiều trục đường lưu thông; tăng lượng lưu thông hàng hóa, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế...
Đối với công tác chỉnh trang đô thị, thành phố dự kiến cải tạo vỉa hè đồng bộ 28 tuyến đường chính còn lại, với tổng mức đầu tư dự kiến là 300 tỷ đồng. Đối với các tuyến đường hẻm, đường giao thông trên địa bàn các phường, dự kiến để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thoát nước đạt tỷ lệ 100% (1.039 tuyến đường còn lại) và cải tạo mở rộng các tuyến đường có bề rộng dưới 6m (bảo đảm các điều kiện về phòng cháy chữa cháy), xây dựng thông các đường, hẻm cụt cần mức vốn đầu tư xây dựng (chưa tính chi phí đền bù) là khoảng 2.500 tỷ đồng. Thành phố sẽ ưu tiên thực hiện theo phương thức “nhân dân hiến đất, Nhà nước đầu tư”. Sau khi hoàn thành các nhiệm vụ nói trên sẽ tạo dựng bộ mặt khang trang cho các tuyến đường hẻm, bảo đảm các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Dự kiến tổng nhu cầu vốn để thành phố cải tạo, chỉnh trang đô thị trong giai đoạn 2026-2030 là khoảng 12.800 tỷ đồng.
PHƯƠNG LÊ - HOÀNG PHONG