Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Theo báo cáo của Sở Y tế, 2 địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) cao hơn so với năm 2013 là TP.Thủ Dầu Một và TX.Thuận An.
Người dân đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế TP.TDM
Dịch SXH trên địa bàn TP.TDM đang có dấu hiệu gia tăng trong mấy ngày qua khiến nhiều người lo lắng.
Trong 9 tháng đầu năm 2014, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận điều trị 1.181 ca SXH; riêng TP.TDM, từ đầu năm đến nay có 552 ca mắc SXH. Tại TP.TDM hiện 3 phường có số ca mắc bệnh SXH nhiều Hiệp Thành, Phú Lợi và Phú Hòa. Thời gian qua, những điểm được cho là nhiều muỗi, gây nên bệnh SXH ở Phú Lợi và Phú Hòa đã được xử lý, phun hóa chất trên diện rộng nên tình hình đã giảm. Tuy nhiên ở khu 5, phường Hiệp Thành, TP.TDM thì số người mắc bệnh SXH lại tăng cao.
Chị Thu Thảo, ở phường Hiệp Thành cho biết, con gái chị chưa mắc bệnh nhưng bên nhà hàng xóm đã có người bị SXH nên gia đình rất lo lắng. Để tránh con bị lây nhiễm, hôm nay gia đình tạm chuyển về sống cùng với ba mẹ tại phường Phú Thọ, TP.TDM để tránh lây bệnh. “Sau khi người dân ở phường Hiệp Thành phản ánh tình trạng có ca mắc bệnh SXH nặng và cho rằng do xây dựng tuyến đường Phạm Ngọc Thạch và cải tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh gây tình trạng nước ứ đọng sinh ra muỗi, Trung tâm Y tế TP.TDM kết hợp với Viện Vệ sinh công cộng TP.HCM, Trạm Y tế phường Hiệp Thành đã đi khảo sát thực địa. Kết quả khảo sát vào tháng 8-2014, mật độ lăng quăng là 16%, muỗi là 0,1% tức 3 con/30 nhà dân. Sau khi xử lý, mật độ lăng quăng giảm còn 3,3% và muỗi ở nhà dân là không bắt được. Qua tháng 9-2014, Viện Vệ sinh công cộng TP.HCM tiếp tục khảo sát thì lăng quăng lại tăng lên 26%. Đến ngày 21-10, các thành viên trong đoàn kiểm tra thực địa và mật độ lăng quăng giảm xuống 14%, vẫn không bắt được muỗi gây SXH tại nhà dân”, y sĩ Lê Quang Đính, phụ trách phòng chống dịch Trung tâm Y tế TP.TDM cho biết.
Chị Vương Thị Ngọc Thảo, Phó Trạm Y tế phường Hiệp Thành, cho hay, trong 9 tháng đầu năm 2014, toàn phường có 36 ca SXH, riêng khu 5 có 5/36 ca, đa số là người lớn. Những ca mà Trạm Y tế phường theo dõi biết được là do bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế TP.TDM, còn chưa kể một số ca mắc SXH đến điều trị tại các phòng khám tư nhân khác. Điều đáng chú ý trong năm trước, số ca mắc SXH nhiều nhưng không có ca bệnh nặng, nhưng năm nay đã có 5 ca SXH Dengue. Nhiễm virus Dengue gây nên triệu chứng lâm sàng khác nhau tùy từng cá thể. Bệnh có thể chỉ biểu hiện như một hội chứng nhiễm virus không đặc hiệu hoặc bệnh lý xuất huyết trầm trọng dẫn đến tử vong. Tại những nhà có 5 ca mắc SXH Dengue, cán bộ y tế đã cho phun thuốc diện rộng, xử lý môi trường.
Để chủ động phòng chống dịch, không để SXH bùng phát thành dịch lớn trên địa bàn TP.TDM nói chung và tỉnh nói riêng, ngành y tế cũng khuyến cáo mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường diệt muỗi ở gia đình và cộng đồng, thu gom phế thải, loại bỏ các vật chứa nước không cho muỗi đẻ trứng (đậy kín chum vại, bể chứa) để loại trừ bọ gậy/loăng quăng...
QUỲNH NHƯ