| 03-11-2023 | 12:39:32

TP.Thuận An thực hiện nhiều giải pháp chống ngập trên địa bàn

(BDO) Nhằm kịp thời xử lý các điểm ngập trên địa bàn, TP.Thuận An đã và đang thực hiện nhiều giải pháp chống ngập trong mùa mưa lũ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Nhiều nơi ngập sâu 

Những cơn mưa lớn, kéo dài trong thời gian gần đây, đã gây ngập sâu tại một số khu vực trên địa bàn TP.Thuận An, nhiều hoa màu, tài sản, đồ dùng cá nhân của các hộ dân bị thiệt hại nặng nề. Cụ thể, sau cơn mưa vào trung tuần tháng 10 vừa qua, nhiều nơi thuộc khu phố Thạnh Lộc đã ngập sâu đến 1,5m, khiến người dân phải di tản bằng xuồng.


Nhiều khu vực phường An Thạnh bị ngập sâu trong nước trong đợt mưa lớn vào ngày 15, 16-10 vừa qua. Ảnh: HỒ ÚT

Bà Nguyễn Thị Thắm, người dân ngụ trên đường An Thạnh 10, khu phố Thạnh Lộc, phường An Thạnh, cho biết nước đã tràn vào nhà rất nhanh, chỉ trong vòng nửa tiếng, khu vực này đã trở thành sông. Nhà bị ngập sâu đến 1m và không kịp di dời tủ lạnh, xe máy, nhiều đồ dùng trong gia đình bị hư hỏng. 

Tại nhiều tuyến hẻm thuộc đường An Thạnh 10, đường Hồ Văn Mên, đường Cách Mạng Tháng Tám và các tuyến đường khác thuộc khu phố Thạnh Lộc, phường An Thạnh và một số ấp thuộc xã An Sơn phải dùng xuồng để di tản.

Anh Hồ Quang Trường, người dân ngụ đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn Cầu Trắng) phường An Thạnh, cho biết khu vực Cầu Trắng là vùng trũng, thấp, có nhiều đê bao. Thời điểm mưa lớn, một số đoạn đã bị vỡ khiến khu vực này có nơi bị ngập sâu 1,5m.

Anh Trường cho biết thêm ngập lụt đã khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Nhiều vật dụng trong nhà dân do không di dời kịp bị hư hỏng nặng. Nhiều vật nuôi như gà, chó đã bị chết. Sau khi nước rút, nhiều nhà dân phải dùng máy bơm nước ra. Khi nước rút hẳn, trong nhà đóng một lớp bùn đen bốc mùi hôi thối. 

Ông Lê Anh Vũ, Chủ tịch UBND phường An Thạnh, cho biết cơn mưa kéo dài với lượng mưa lớn cùng với hệ thống công trình Bưng Biệp - Suối Cát chưa hoàn thành đã khiến cho nước mưa không thoát được, nhiều đoạn đê bị vỡ, gây ngập sâu.



Nhiều nhà dân phải dùng xuồng để di tản

Hiện nay, trên địa bàn TP.Thuận An có 14 điểm ngập, trong đó 4 điểm thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, 9 điểm thuộc thẩm quyền thành phố và 1 điểm thuộc thẩm quyền phường, xã. 

Khu vực Suối Cát là một trong 4 điểm ngập do cấp tỉnh quản lý. Đoạn Quốc lộ 13, từ giao lộ đường Hồ Văn Mên đến Suối Cát là vùng trũng tập trung nước từ đường Lê Hồng Phong và ngã tư Hòa Lân đổ về. Khi trời mưa lớn, miệng thu nước tại các hố ga có tiết diện nhỏ không bảo đảm thu nước mặt đường, hạ lưu thoát nước là Suối Cát - Bưng Bịp chưa bảo đảm tiêu thoát nước. 

Đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn giáp ranh TP.Thủ Dầu Một đến cống ngang Cầu Nhỏ) là một trong 9 điểm ngập do thành phố quản lý. Khu vực này tiếp nhận nước từ TP.Thủ Dầu Một, hạ lưu thoát nước chưa bảo đảm tiêu thoát nước.


Nhà dân bị ngập sâu trong nước. Ảnh: HỒ ÚT

Tại điểm ngập trước Công ty Tân Hiệp Phát, hiện trạng hệ thống cống thoát nước có nền đường bị lún; miệng thu nước tại các hố ga có tiết diện nhỏ không bảo đảm thu nước mặt đường. Đồng thời, hạ lưu thoát nước không bảo đảm dẫn đến tình trạng thường xuyên ngập nước khi trời mưa to.

Nỗ lực chống ngập

Ông Nguyễn Thành Úy, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết sau khi ngập nước, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo các lực lượng vào cuộc giúp người dân di dời đồ đạc. Lãnh đạo Thành ủy Thuận An cũng đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai TP.Thuận An xuống hiện trường khảo sát tại 2 cầu bị sập ở phường Vĩnh Phú và các tuyến hẻm ngập nặng thuộc phường An Thạnh và xã An Sơn nhằm có giải pháp khắc phục. Các lực lượng phòng, chống thiên tai TP.Thuận An đã tổ chức các đoàn gia cố bờ bao, nhất là các tuyến bị vỡ, giúp dân ổn định cuộc sống.  

Ông Lê Anh Vũ, Chủ tịch UBND phường An Thạnh, cho biết UBND phường đã phối hợp với UBND TP.Thuận An khảo sát các tuyến hẻm ngập nặng thuộc phường An Thạnh, đồng thời chỉ đạo khắc phục hậu quả, giúp người dân ổn định cuộc sống. Phường đã huy động các lực lượng gia cố bờ bao, các điểm đê bao bị vỡ.


Các lực lượng hỗ trợ người dân di dời tài sản. Ảnh: HỒ Út

Đối với điểm ngập tại khu vực Suối Cát, theo UBND TP.Thuận An, trước mắt thành phố đề nghị Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP thường xuyên kiểm tra nạo vét cống, hố ga, mở rộng các miệng thu nước kịp thời sửa chữa, khai thông các vị trí tắc nghẽn hệ thống thoát nước dọc trên tuyến Quốc lộ 13. 

Về phía địa phương, UBND thành phố tiếp tục triển khai thực hiện việc nạo vét Suối Cát, nhằm bảo đảm thoát nước mặt đường. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và bàn giao cho đơn vị thi công hoàn chỉnh hệ thống cống. 

Về giải pháp lâu dài, UBND thành phố đã kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đê bao phía hạ lưu thoát nước Suối Cát - Bưng Bịp. Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cống theo thiết kế trên tuyến Quốc lộ 13.

Đối với điểm ngập trước Công ty Tân Hiệp Phát, hiện đơn vị Becamex IJC đang thi công lắp đặt cống D1200. Đồng thời, đơn vị sẽ cải tạo cửa thu, nạo vét hố ga, cống thoát nước và rạch hiện hữu thoát về phía hạ lưu. Bên cạnh đó, UBND phường Vĩnh Phú thường xuyên thực hiện nạo vét các mương thoát nước phía hạ lưu bảo đảm thoát nước về phía hạ lưu rạch Cầu Đình.

Đối với những điểm ngập khác trên địa bàn, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục. Hy vọng rằng, cùng với sự vào cuộc kịp thời, những giải pháp của chính quyền TP.Thuận An sẽ sớm khắc phục tình trạng ngập nước, ổn định đời sống; bảo đảm an sinh xã hội người dân.

Cần thông tin, tuyên truyền trước khi xả lũ

Ông Hồ Văn Thọ, người dân ngụ đường Cách Mạng Tháng Tám, phường An Thạnh, TP.Thuận An, chia sẻ kể từ năm 2000 đến nay, khu vực này giờ mới bị ngập sâu đến như vậy. Những năm trước, nhiều trận mưa lớn cũng không làm ngập sâu đến 1,5m như trận mưa vào ngày 15-10 vừa qua. Tuy nhiên, do trận mưa lớn kết hợp với việc hồ Dầu Tiếng xả lũ với lưu lượng lớn đã khiến nhiều nơi của TP.Thuận An bị ngập sâu. Điều đáng nói nhất, người dân không hề được thông tin, tuyên truyền về việc hồ Dầu Tiếng sẽ xả lũ trước đó. 

Vì vậy, kiến nghị ngành chức năng cần thông tin, tuyên truyền cho người dân biết trước khi xả lũ. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra các tuyến đê bao, các công trình, cống thoát nước, tích cực triển khai nạo vét cống, hố ga, để tránh tình trạng tái lập ngập lụt nặng nhằm ổn định cuộc sống cho người dân.

PHƯƠNG LÊ - HOÀNG PHONG


 

Chia sẻ