Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Hỏi: Vợ chồng tôi lấy nhau từ năm 2005 và có với nhau 2 đứa con, cháu lớn 7 tuổi, cháu nhỏ 3 tuổi. Trong quá trình chung sống có tạo lập được một căn nhà tại phường Tân Đông Hiệp. Do mâu thuẫn trong gia đình, đồng thời chồng tôi nghe lời mẹ chồng nên đã nhiều lần đánh đập tôi và đuổi tôi ra khỏi nhà. Hiện tôi đã dọn ra thuê nhà trọ ở được 3 tháng và dắt theo cháu nhỏ. Tôi muốn hỏi: Trong hoàn cảnh này tôi nên làm thế nào? Tôi có được về nhà không vì tôi vẫn còn tình cảm với chồng, không muốn gia đình tan vỡ, nhưng nếu về nhà thì lại tiếp tục bị chồng đánh và đuổi đi.
Chị NGUYỄN THỊ A
(TX.Dĩ An)
Trả lời:
Theo Điểm a, Điểm b, Điểm i, Khoản 1, Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007, các hành vi của chồng chị như đánh đập, đuổi vợ con ra khỏi nhà được xác định là các hành vi bạo lực gia đình. Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 57 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12- 11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng; phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thường xuyên đe dọa bằng bạo lực để buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.
Để giải quyết vấn đề của mình, chị có thể liên hệ với cơ quan công an gần nhất hoặc UBND cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi gia đình chị sinh sống để được can thiệp và bảo vệ.
Trường hợp sau khi được chính quyền địa phương can thiệp, hòa giải mà chồng chị vẫn tiếp tục có hành vi đánh đập chị, đuổi chị ra khỏi nhà thì chị tiếp tục làm đơn trình báo sự việc chị bị chồng bạo hành đến Công an phường Tân Đông Hiệp hoặc UBND phường Tân Đông Hiệp để được can thiệp và bảo vệ.
Nếu chị muốn hàn gắn tình cảm gia đình, việc này còn phải xem ý kiến của chồng chị; chị cần lựa thời điểm thích hợp để trao đổi, khuyên nhủ chồng vì hạnh phúc của gia đình, vì tương lai của các con. Thực tế cho thấy những trẻ em thiếu tình thương của cha hoặc mẹ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc phát triển thể chất và tinh thần của trẻ, dễ dẫn đến việc trẻ bị mặc cảm với xã hội và vướng vào các tệ nạn xã hội.
Nếu chị thấy cuộc sống chung vợ chồng không thể kéo dài thì các chứng cứ về việc chồng chị có hành vi bạo lực gia đình (chẳng hạn như quyết định xử phạt vi phạm hành chính, biên bản hòa giải tại địa phương,…) là căn cứ để tòa án giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên (Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình).
Hỏi: Bố tôi thường xuyên uống rượu, say xỉn rồi chửi mắng, xúc phạm danh dự của con cái và vợ, thậm chí còn đánh đập vợ con gây thương tích nặng. Vậy trường hợp này gia đình tôi phải làm thế nào, pháp luật quy định ra sao để bảo vệ mẹ con tôi?
Anh NGUYỄN VĂN B.
(huyện Bắc Tân Uyên)
Trả lời:
Theo thông tin anh cung cấp thì bố anh có những hành vi chửi mắng, xúc phạm danh dự của con cái và vợ, thậm chí còn đánh đập vợ con gây thương tích sau khi uống rượu. Hành vi của bố anh đã xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mẹ con anh, vi phạm Điểm a, Điểm b, Khoản 1, Điều 2, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.
Trong trường hợp này anh có thể báo ngay với Ban điều hành ấp hoặc công an xã hoặc UBND xã để yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình; yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc; yêu cầu cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật; yêu cầu bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác (nếu cần thiết) theo Khoản 1, Điều 5, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Khi nhận được tin báo thì cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ được áp dụng kịp thời để bảo vệ những người trong gia đình anh nhằm giảm thiểu hậu quả do hành vi bạo lực gây ra theo Khoản 1, Điều 19 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, như là:
- Buộc chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình;
- Cấp cứu nạn nhân bạo lực gia đình;
- Các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình;
- Biện pháp cấm tiếp xúc…
Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi bạo lực gia đình mà bố anh có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại các Điều 49, 51 của Nghị định số 167/2013/NĐ- CP ngày 12-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình, hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng; hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng.
Trong trường hợp bố anh đánh đập vợ con mà gây ra thương tích nặng từ đủ 11% trở lên hoặc dưới 11% mà có dùng hung khí nguy hiểm... thì hành vi của bố anh đã có dấu hiệu cấu thành tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999. Trong trường hợp này cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác định tội phạm và xử lý bố anh theo quy định.
SỞ TƯ PHÁP