| 13-04-2018 | 22:11:50

Trả lời bạn đọc

  Hỏi: Ông Nguyễn Văn A có nhu cầu lập di chúc để lại tài sản cho người con trai. UBND cấp xã có được chứng thực di chúc của ông hay không?

Trả lời: Theo quy định của pháp luật thì di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Tại Điều 628 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định di chúc bằng văn bản bao gồm: Di chúc bằng băn bản không có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có công chứng và di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Điểm e, Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ- CP ngày 16-2-2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch quy định một trong các thẩm quyền và trách nhiệm của UBND cấp xã là chứng thực di chúc.

Theo quy định nêu trên, UBND cấp xã có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực di chúc theo yêu cầu của công dân. Như vậy, ông Nguyễn Văn A có thể đến UBND cấp xã để chứng thực di chúc.

Hỏi: Bà Nguyễn Thị N. cư trú phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương lập Giấy ủy quyền cho em trai mình nhận bưu phẩm. Bà N. muốn chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền, bà có bắt buộc phải đến UBND phường Chánh Nghĩa, nơi bà cư trú để thực hiện hay không?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 23/2015/ NĐ-CP ngày 16-2-2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì việc chứng thực chữ ký không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực. Do đó, bà Nguyễn Thị N. có thể đến bất kỳ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực như: Phòng Tư pháp, UBND cấp xã, tổ chức hành nghề công chứng để yêu cầu chứng thực chữ ký trong giấy ủy quyền của mình.

SỞ TƯ PHÁP

Chia sẻ