Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Hỏi: Tháng 10-2018, anh D. và chị T. sinh được một cháu trai. Anh chị thường trú tại xã T.L., huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Khi đi đăng ký khai sinh tại xã T.L., anh D., chị T. đặt tên con của mình là Trần JONH. Trong trường hợp này, cơ quan đăng ký hộ tịch có thực hiện việc đăng ký khai sinh cho cháu bé với tên Trần JONH được không?
- Theo quy định tại Điều 26 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017) thì cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có); họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán; trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ. Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ; việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam.
- Theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15-11-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch thì khi đăng ký khai sinh, họ, chữ đệm, tên của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì xác định theo tập quán.
Căn cứ vào các quy định trên, việc anh, chị đặt tên con của mình là Trần JONH khi anh chị đều là công dân Việt Nam sẽ không được giải quyết tại cơ quan đăng ký hộ tịch theo Luật Hộ tịch.
Hỏi: Tháng 1-2019, khi đăng ký khai sinh, vợ chồng anh K. đặt tên cho con là Phạm Ngọc. Khi con được 6 tháng tuổi, vợ chồng anh K. cho con về quê thăm ông bà, họ hàng. Tuy nhiên, khi nghe tên của cháu, thì thấy trùng tên của ông cố (cha của bố anh K.) nên bố anh K. yêu cầu phải đổi tên cho cháu, vì khi nghe tên này, những người lớn tuổi trong dòng họ đã trách mắng vợ chồng anh vì đặt tên trùng với ông cố. Trong trường hợp này, vợ chồng anh K. có thể thay đổi tên cho con được không?
- Tại Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:
+ Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
+ Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
+ Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
+ Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
+ Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;
+ Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;
+ Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
- Việc thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
- Tại Điều 28 Luật Hộ tịch quy định: Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch…
Căn cứ vào quy định trên, thì vợ chồng anh K. có quyền được thay đổi tên cho con (hiện cháu dưới 9 tuổi) theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 nhưng phải thực hiện theo trình tự, thủ tục của pháp luật về hộ tịch.
SỞ TƯ PHÁP