Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Hỏi: Tôi đến Cơ quan Nhà nước X. để xin việc làm; cán bộ tiếp nhận và phỏng vấn yêu cầu trong hồ sơ xin việc phải kèm theo giấy chứng minh nhân dân và hộ khẩu có chứng thực của cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, trong hồ sơ của tôi thì chỉ có chứng minh nhân dân và hộ khẩu photo (không chứng thực). Tôi giải thích là có mang theo sẵn bản chính để đối chiếu nhưng vẫn không được chấp nhận. Chỉ vì việc này mà cán bộ Cơ quan Nhà nước X. không nhận hồ sơ của tôi là đúng không?
NGUYỄN HỒNG T. (huyện Phú Giáo)
Trả lời: Theo Điều 6 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18-5-2007 của Chính phủ quy định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký quy định “Cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao không có chứng thực có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối chiếu phải ký xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính”.
Bên cạnh đó, ngày 20-6-2014 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 17/CT-TTg về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo “khi cá nhân, tổ chức trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực thì không được yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu; trường hợp nộp bản sao không có chứng thực và xuất trình kèm bản chính thì công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tự kiểm tra, đối chiếu bản sao với bản chính và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính mà không yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp bản sao có chứng thực”.
Như vậy, cán bộ Cơ quan Nhà nước X. không nhận hồ sơ của anh với lý do không có giấy chứng minh nhân dân và hộ khẩu có chứng thực là không đúng quy định của Nghị định số 79/2007/ NĐ-CP và Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Hỏi: Theo pháp luật quy định thì những trường hợp nào không được chứng thực bản sao từ bản chính?
VŨ NGỌC N. (TX.Tân Uyên)
Trả lời: Theo Điều 16 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18-5-2007 của Chính phủ quy định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký thì những trường hợp không được chứng thực bản sao từ bản chính như: Bản chính được cấp sai thẩm quyền hoặc giả mạo; Bản chính đã bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt hoặc đã bị hưhỏng, cũ nát không thể xác định rõ nội dung; Bản chính không được phép phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật; Đơn, thư và các giấy tờ do cá nhân tự lập không có chứng nhận, chứng thực hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; Các giấy tờ, văn bản khác mà pháp luật quy định không được sao.
SỞ TƯ PHÁP BÌNH DƯƠNG