| 07-10-2017 | 10:46:32

Trả lời bạn đọc ngày 7-10

 Hỏi: Tôi có làm việc cho một công ty ở Khu công nghiệp Việt Hương vào tháng 5-2016, công ty đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đầy đủ. Đến tháng 5-2017 do mang thai nhưng sức khỏe không tốt nên tôi đã nghỉ việc và không tiếp tục đóng bảo hiểm. Dự kiến tháng 11-2017 tôi sinh con, thời gian đã tham gia bảo hiểm là 12 tháng. Vậy tôi có được hưởng chế độ thai sản không? Thủ tục hưởng chế độ thai sản như thế nào?

Phạm Thị Thanh H. (TX.Thuận An)

Trả lời:

Điểm b, khoản 1, khoản 2, Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định người lao động nữ sinh con được hưởng chế độ thai sản khi đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn dự kiến sinh vào tháng 11-2017 và đã đóng BHXH được 12 tháng từ tháng 5-2016 đến hết tháng 5-2017, căn cứ quy định trên thì bạn đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

Theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 9 Quyết định 636/QĐ-BHXH ngày 22-4-2016 của BHXH Việt Nam, hướng dẫn bạn liên hệ đến cơ quan BHXH cấp huyện nơi bạn đang cư trú làm thủ tục để hưởng chế độ thai sản. Hồ sơ gồm: Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con trừ trường hợp con chết mà chưa được cấp giấy chứng sinh.

Hỏi: Tôi làm việc theo hình thức hợp đồng lao động không xác định thời hạn tại công ty về sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Sóng Thần, có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Trong quá trình sinh hoạt tại nhà, do bị té nên tôi bị gãy tay phải. Hỏi trong trường hợp này tôi có được hưởng chế độ ốm đau không?

Nguyễn Tài L. (TX.Dĩ An)

Trả lời:

Khoản 1, Điều 25 Luật BHXH năm 2014 quy định về điều kiện được hưởng chế độ ốm đau: “Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.”

Tại Điều 3 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29-12-2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, BHXH không giải quyết chế độ ốm đau trong các trường hợp sau:

- Người lao động bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo quy định của pháp luật.

- Người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH.

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì bạn làm việc theo hình thức hợp đồng không xác định thời hạn, có tham gia BHXH và nếu việc bị tai nạn gãy tay không thuộc các trường hợp không được hưởng chế độ ốm đau nêu trên thì sẽ được hưởng chế độ ốm đau theo quy định.

SỞ TƯ PHÁP

Chia sẻ