| 28-04-2014 | 00:00:00

Trả lời pháp luật

 Hỏi: Vợ chồng tôi đã ly hôn theo quyết định công nhận thuận tình ly hôn của tòa án. Cũng theo quyết định này thì vợ tôi được quyền nuôi con và tôi có nghĩa vụ cấp dưỡng hàng tháng. Tôi vẫn thực hiện cấp dưỡng đầy đủ nhưng khi đến thăm con thì mẹ vợ không cho tôi vào nhà và cũng không cho con ra ngoài gặp tôi. Tôi còn nghe hàng xóm nói: Vợ tôi không chăm sóc con mà giao cho mẹ vợ và bà ấy cũng không chăm lo. Hàng xóm thấy con tôi xanh xao, gầy ốm nên hỏi chuyện thì cháu nói bà ngoại thường xuyên bắt cháu nhịn ăn, nhịn uống vì cháu học dở hơn những đứa cháu khác của bà ngoại. Hành vi của mẹ vợ tôi có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì bị xử lý như thế nào? H.T.D. (TX.Dĩ An) Trả lời: Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định 9 hành vi bạo lực gia đình, trong đó có 2 hành vi sau đây: - Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; - Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau. Hành vi bạo lực gia đình cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn. Theo như ông trình bày, mẹ vợ của ông đã có hành vi ngăn cản ông thăm nom con của mình và hành vi bắt con ông nhịn ăn, nhịn uống (theo như người hàng xóm kể). Đây là các hành vi bạo lực gia đình theo quy định trên. Như vậy, mẹ vợ của ông đã có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Điều 50 và Điều 53 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định như sau: - Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: Bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu. - Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau. Căn cứ quy định trên, mẹ vợ của ông có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản ông thăm nom con của mình vàcóthểbịphạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi bắt con ông nhịn ăn, nhịn uống (nếu có) và buộc xin lỗi công khai khi con ông có yêu cầu. Ngoài ra, cũng lưu ý: Nếu mẹ vợ của ông có các hành vi nêu trên thì ông có quyền thỏa thuận với vợ để ông được trực tiếp nuôi con. Trường hợp không thỏa thuận được thì ông có quyền khởi kiện tại tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ của ông cư trú, làm việc để yêu cầu tòa án giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con (Điểm a Khoản 1 Điều 33 và Điểm a Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011). Nộp kèm theo đơn khởi kiện là các tài liệu, chứng cứ chứng minh vợ của ông không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con. Theo quy định tại Điều 93 Luật Hôn nhân - gia đình năm 2000 thì vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên. SỞ TƯ PHÁP BÌNH DƯƠNG
Chia sẻ