Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
LTS: Cứ mỗi độ tết đến xuân về, du khách khi đến Bình Dương vui xuân, đi lễ không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp hình ảnh thiện nguyện trên khắp các đường phố đất Thủ. Và mỗi ngày trôi qua, các nhà hảo tâm, tổ chức thiện nguyện của Bình Dương lại có mặt khắp các tỉnh, thành trong cả nước để chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Năm nay, khi mùa dịch bệnh Covid-19 hoành hành, người Bình Dương lại một lần nữa chứng minh bằng những việc làm thiết thực. Không chỉ chung sức, đồng lòng thực hiện nghiêm “cách ly xã hội” theo chỉ đạo các cấp để phòng, chống dịch bệnh, mà còn lan tỏa việc làm thiện nguyện một cách mạnh hơn. Có thể nói, rất khó để tìm ra một con số thống kê chính xác về tình người Bình Dương trong mùa dịch bệnh. Kể từ số này, báo Bình Dương trân trọng giới thiệu đến quý độc giả loạt bài phóng sự: “Trao yêu thương giữa mùa dịch bệnh”. |
Kỳ 1: Món quà nhỏ, nghĩa tình lớn
Hàng chục ngàn khẩu trang miễn phí, hàng chục tấn gạo, mì gói, nước mắm… đã và đang được các nhà hảo tâm trong tỉnh lần lượt chuyển đến tay người có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều món quà tuy nhỏ, nhưng ẩn chứa trong đó biết bao nghĩa tình.
Đoàn viên thanh niên trong tỉnh tham gia việc làm thiện nguyện trong những ngày cao điểm dịch bệnh Covid-19
Thầm lặng những tấm lòng
“Mới đó mà đã hơn 3 tháng trôi qua rồi anh. Covid ơi là Covid, quá mệt mỏi! Tình hình này kéo dài, người lao động còn khó khăn nhiều. Mà Bình Dương thì em nghĩ họ chỉ thiếu tiền xài, hay công này chuyện nọ, chứ không lo đói. Có khi nhận quà từ thiện còn ăn không hết đó chứ”, lời anh bạn đồng nghiệp quê ở Quảng Bình vừa “chém gió” với tôi cách đây vài hôm khi nói về tình hình dịch bệnh Covid-19. Anh ta cũng không quên nói về chuyện chiếc khẩu trang trong những ngày đầu chống dịch. Đó là chuyện có người đã thu gom, tích trữ khẩu trang đã qua sử dụng nhằm trục lợi. Hay chuyện các ông chủ tiệm thuốc tây trữ khẩu trang chờ tăng giá.
Nói đến đây, tôi lại nhớ chính ngay trong thời điểm này, một số cửa tiệm thuốc lớn trên đại lộ Bình Dương phát khẩu trang miễn phí cho bà con. Rồi những ngày sau đó, khi có dịp đi công tác tại địa bàn các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, hình ảnh các tiệm thuốc treo bản phát khẩu trang miễn phí lại được phóng viên ghi nhận. Anh Phong, chủ tiệm thuốc tây ở xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tâm sự: “Khẩu trang trong cửa hàng vẫn còn nhiều nhưng tôi không bán, ai cần cứ lấy vài chiếc để dùng. Mình kinh doanh là nhờ bà con, nay dịch bệnh diễn ra, lẽ nào lại tăng giá kiếm vài đồng, như thế thì còn đâu cái tâm thầy thuốc”. Lần lượt sau đó, các cơ quan, xã phường, đoàn viên thanh niên trên toàn tỉnh vào cuộc vận động, trao phát khẩu trang, nước khử khuẩn cho người dân. Họ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Những ngày ấy, có không ít nhà hảo tâm thu mua hàng chục ngàn chiếc khẩu trang trao tận tay người lao động, khu nhà trọ. Tùy vào tài chính, mỗi người lại có cách làm riêng, giúp người khó khăn trong tỉnh vượt qua dịch bệnh. Những món quà tuy nhỏ, nhưng ý nghĩa thì không thể nói hết.
Ông Sáu nhận gạo từ thiện từ chủ nhà số 408, đường Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một
Khoảng 1 tháng sau ngày xảy ra dịch bệnh, đâu đó trên địa bàn các công ty gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, phải tạm ngưng sản xuất. Hay tin người lao động gặp khó, tình người Bình Dương bắt đầu lan tỏa. Trên các trang mạng xã hội như Zalo, Faecbook cá nhân, xuất hiện nhan nhản việc làm thiện nguyện, cung cấp địa chỉ phát quà miễn phí. Đó là chục cân gạo, thùng mì, dầu ăn… Theo địa chỉ trên, tôi đã tìm đến căn nhà ở phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát. Trước cửa tiệm tạp hóa của mình, những phần quà đầy ắp đã được đóng gói sẵn, bên trên có ghi dòng chữ: “Ai khó khăn cứ lấy một phần. Nếu thấy đủ xin nhường cho người khác”. Cứ như thế, trong một thời gian dài, tiệm tạp hóa của đôi vợ chồng 9X này trở thành cái chợ “không đồng” của người dân trong vùng. Tuy nhiên, khi phóng viên có ý muốn trao đổi về việc làm ý nghĩa trên, chủ nhân của quán không muốn cung cấp họ tên. Họ bảo rằng, chỉ muốn góp chút sức nhỏ, giúp bà con đang gặp khó khăn hơn mình.
Tối ngày 31-3, khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về “cách ly xã hội” chính thức có hiệu lực, tại các khu chợ, siêu thị, cửa hàng tại TP.Thủ Dầu Một, người dân ùn ùn đi mua hàng tích trữ vì chưa hiểu rõ nội dung của chỉ thị. Tác nghiệp trong đêm, tôi đã ghi nhận một việc tốt mà nhiều ngày trôi qua vẫn chưa thể quên. Đã 20 giờ cùng ngày, trên đường Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một cửa hàng gạo của anh Hải vẫn còn hơn 10 người chờ mua gạo với số lượng lớn. Lúc này, hai vợ chồng anh Hải mướt mồ hôi bán gạo cho bà con, vừa lên tiếng trấn an: “Bà con về đi mai lại mua, tôi còn nhiều gạo không bao giờ hết. Nhà nước không bao giờ cấm bán gạo đâu”. Chờ đến khi người mua thưa dần, một người phụ nữ gầy nhom đẩy chiếc xe đạp lại gần anh Hải rồi lên tiếng: “Bán cho chị 5kg”. “Mua trữ thì lấy luôn bao nghe chị, có loại 10kg nè”, anh Hải nói. Người phụ nữ ngập ngừng rồi bảo “Chị không đủ tiền”. Nghe câu trả lời, anh Hải ngước mắt nhìn sang vợ với sự đồng cảm, rồi không nói gì. Anh Hải đi vào trong lấy ra bao gạo 20kg chất lên xe người phụ nữ và lên tiếng: “Chị mang về đi, không cần đưa tiền đâu. Hôm nay em bán nhiều lắm rồi. Nếu hết gạo ăn đến em giúp”. Người phụ nữ có phần ngạc nhiên, nói lời cảm ơn vợ chồng anh Hải. Nhìn theo chiếc xe đạp dần xa dưới ánh đèn đêm, người chứng kiến như tôi cũng không khỏi chạnh lòng, thầm biết ơn những người có tâm như anh Hải trong những ngày dịch bệnh.
Những hành động lan tỏa yêu thương
Trước đó vài giờ, khi mặt trời đang dần khuất, cũng ngay trên đường Lê Hồng Phong, tôi gặp ông Sáu, người bán vé số thân quen đang cót két xe đạp trên đường nên mở lời chào. Ông Sáu cười vui rồi chỉ tay về hướng khu dân cư Phú Hòa 1, nói lớn: “Đi nhận gạo từ thiện”. Bám theo xe ông Sáu đến trước căn nhà mặt tiền số 408 đường Lê Hồng Phong, lúc này có nhiều người ôm gạo ra về. Trên chiếc bàn đặt giữa sân với nhiều bao gạo, kèm theo dòng chữ phía trên: “Ai khó khăn cứ lấy một phần. Ưu tiên cho người bán vé số”. Chờ đến khi ông Sáu được phát 10kg gạo, tôi lại gần trò chuyện thì chủ nhân của căn nhà cũng từ chối nêu tên. Người đàn ông đã lớn tuổi vui vẻ nói: “Thủ tướng Chính phủ đã bảo, chống dịch như chống giặc cơ mà. Mình phát gạo cho bà con là đang chống giặc”. Nhìn ông cười nói, người đến nhận gạo cũng vui lây.
Từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, người dân Bình Dương luôn dõi theo tình hình để chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Qua đó biết được có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, do ảnh hưởng của dịch bệnh, rất cần sự quan tâm chia sẻ. Mỗi người có một suy nghĩ, ý tưởng khác nhau, nhưng ở họ đều có chung mục đích là san sẻ phần nào khó khăn với người khó khăn hơn mình, để cùng nhau vượt qua dịch bệnh một cách an toàn, ấm áp nghĩa tình.
Chị Nh. ở phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên vừa trích một phần chi phí của gia đình để mua quà gửi tặng bà con khó khăn trên địa bàn, chia sẻ: “Những người đi bán vé số có thu nhập ít ỏi, chủ yếu làm ngày nào chi hết ngày đó. Xem thông tin tình hình dịch bệnh, thấy bà con tạm dừng đi bán một thời gian để thực hiện phòng, chống dịch bệnh, tôi cứ nghĩ không biết họ sẽ lấy gì để chi phí hàng ngày”. Vậy là những ngày đầu tháng 4, chị Nh. gọi điện nhờ người quen mua, chở liền một số hàng hóa cần thiết theo dự định đến tận nhà cho mình. Sau gần một tuần tự mình chia quà, cho vào từng túi, rồi kiểm tra xem mỗi phần quà đã đủ hàng như mình dự định hay chưa. Cuối cùng, 60 phần quà ấm áp nghĩa tình cũng được chị chuẩn bị xong. Để quà trao đúng người, đúng hoàn cảnh, chị lại nhờ Hội Chữ thập đỏ phường lập danh sách hộ nghèo, người bán vé số, khó khăn trên địa bàn rồi gửi thư mời bà con đến nhận quà…
Có thể nói trong những ngày qua, tùy vào điều kiện kinh tế mà mỗi người lại có cách làm thiện nguyện riêng. Những nghĩa cử cao đẹp, thân thiện và đầy ắp nghĩa tình đã và đang được người Bình Dương thực hiện, lan tỏa ngày càng sâu rộng trong cộng đồng.
QUANG TÁM - HỒNG THUẬN
Kỳ 2: Tấm lòng sẻ chia nơi các khu nhà trọ