Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Năm nay, chương trình “Tập sách yêu thương” tròn 4 tuổi. Mỗi hành trình đi qua để lại cho chúng tôi - những người tham gia chương trình, biết bao cảm xúc. Vui vì làm được nhiều việc có ý nghĩa cho các cháu - những học sinh nghèo vượt khó, nhưng cũng đau đáu nỗi buồn khi con đường đến trường của các cháu vẫn còn gập ghềnh, chông gai. Ngoài nỗ lực của bản thân, các cháu học sinh nghèo vượt khó vẫn cần lắm sự động viên, tiếp sức từ cộng đồng xã hội...
“Con muốn đi học”...
Có những câu chuyện tôi từng chứng kiến khi có dịp cùng đoàn đi trao tặng “Tập sách yêu thương”, cứ khiến tôi trăn trở mãi. Đó là “Con muốn đi học”, “Con muốn được đến trường với các bạn!”, “Con không muốn nghỉ học đâu!” - những cụm từ mà chúng tôi được nghe đi nghe lại trong hành trình trao tặng “Tập sách yêu thương” suốt 4 năm qua. Những lời này được thốt lên từ những đứa trẻ mặt mày lem luốc, quần áo không lành lặn, lại khiến chúng tôi càng trăn trở hơn. Như lời bà Phạm Thị Mão, bà ngoại của hai chị em Hồ Thị Kim Trang, nay học lớp 4 và đứa em chuẩn bị vô lớp 1 nói: “Đang tính cho con bé lớn nghỉ học chứ lo không nổi!”.
Tỏ vẻ băn khoăn trước quyết định này, bà Phạm Thị Mão rơm rớm nước mắt, kể: “Con gái tôi bỏ chồng khi đứa con thứ 2 mới “tượng hình” được một tháng. Đến khi thằng nhỏ thôi nôi, cũng là lúc mẹ tụi nó bỏ đi. Rồi giờ nó cũng có gia đình riêng, bỏ lại con cái...”. Vợ chồng bà từ An Giang lên xã Thành Tâm (huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) làm phụ hồ. Lớn tuổi, công việc bữa có, bữa không lại phải gánh gồng 2 đứa cháu nhỏ đang tuổi ăn học. Khổ quá nên bà đang tính cho đứa cháu lớn nghỉ học. Con bé lớn Hồ Thị Kim Trang ham học nên nghe nói vậy, đôi mắt nó cụp xuống, ươn ướt...
Và hình ảnh bốn mẹ con chị Thạch Thị Châu, ở xã Thanh Tâm, huyện Chơn Thành lụi cụi đi nhận quà từ chương trình “Tập sách yêu thương”, nhiều người không khỏi chạnh lòng. Chị Thạch Thị Châu chia sẻ: “Giờ tôi chỉ lo làm nuôi con thôi. Chỉ sợ đói chứ không sợ gì cả!”. Như bao nhiêu người xa quê khác, chị Thạch Thị Châu mong muốn có một tương lai tươi sáng hơn nhưng số phận mỗi con người, mấy ai được quyền lựa chọn. Chị Thạch Thị Châu lập gia đình với một người cùng quê. Như bao đôi vợ chồng trẻ khác, vợ chồng chị hạnh phúc đón đứa con đầu lòng, rồi đứa thứ hai, thứ ba ra đời... Thay vì chăm lo làm ăn để vượt qua cái nghèo, chồng chị lại sinh ra nghiện rượu, suốt ngày say xỉn, không lo làm ăn. Giờ mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình chị phải oằn vai gánh gồng... Cái ăn còn khó thì con đường đến trường của những đứa nhỏ... quá là xa!
Chương trình “Tập sách yêu thương” của LĐLĐ tỉnh và Công đoàn Tổng Công ty Becamex IDC vượt qua khoảng cách địa lý, đến với học sinh nghèo vùng biên giới xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông
“Tập sách yêu thương”
Đồng cảm và chia sẻ những khó khăn điều đó, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã phát động chương trình “Tập sách yêu thương” để dành tặng những phần tập, sách cho con em công nhân lao động (CNLĐ) còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết: “Ban đầu, mục đích của chương trình “Tập sách yêu thương” là vận động, quyên góp nguồn sách giáo khoa đã qua sử dụng, vở và dụng cụ học tập, phương tiện đi lại của học sinh từ gia đình cán bộ, công nhân viên chức lao động, các đơn vị, doanh nghiệp để tặng lại cho con em của những trường hợp gia đình còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, giúp giảm bớt một phần chi phí khi con em bước vào năm học mới. Với ý nghĩa đó, chương trình “Tập sách yêu thương” nhận được sự ủng hộ, quan tâm của đông đảo công nhân, viên chức lao động, đơn vị, doanh nghiệp. Mỗi năm, số lượng “Tập sách yêu thương” đến với trẻ em khó khăn càng nhiều hơn. Và hiện nay, chương trình đã nhận được toàn sách mới để dành tặng cho các cháu”.
Những đôi mắt ngây thơ của học sinh nghèo Bon Bu Prăng 2 khi tham dự chương trình trao “Tập sách yêu thương”
Mỗi nơi đoàn đến, không có gì có thể diễn tả hết niềm vui của các em cũng như của các bậc phụ huynh khi nhận được sự hỗ trợ từ chương trình “Tập sách yêu thương”. Như lời bé Nguyễn Công Đạt, học sinh lớp 9 ở huyện Chơn Thành tíu tít: “Nay con có xe đạp rồi. Con tự đi học. Con không phải đi bộ nữa rồi!”. Gia đình bé Nguyễn Công Đạt thuộc diện hộ cận nghèo của xã, bởi ba bé bệnh triền miên, trong nhà có cái gì bán được để chữa trị cho ba đều bán hết...! Nhưng không ai tránh được mệnh trời, ba bé rồi cũng đã ra đi mãi mãi... Cái nghèo càng chồng chất lên gia đình bé.
Bà Nguyễn Phạm Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết: “Đây là năm thứ ba Công đoàn Tổng Công ty Becamex IDC đồng hành với chương trình “Tập sách yêu thương”. Nhận thấy chương trình rất ý nghĩa nên mỗi năm sau Tết Nguyên đán, công đoàn, Đoàn Thanh niên trong đơn vị đều có kế hoạch thực hiện chương trình. Trong chuyến đi này, Tổng công ty đã trao tặng 8.000 quyển tập trắng và 12 chiếc xe đạp cho học sinh vượt khó, hiếu học ở xã Cây Trường 2 và thị trấn Lai Uyên (huyện Bàu Bàng); huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước); xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông); tổng giá trị hơn 200 triệu đồng.
Ấm lòng dân bản
Sau 4 năm đi vào hoạt động, chương trình “Tập sách yêu thương” không chỉ dành riêng cho con CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn mà đã vươn xa, đến với trẻ em nghèo vượt khó ở vùng biên giới tỉnh Bình Phước, Đăk Nông. Hành trình năm nay, “Tập sách yêu thương” đã đến với trẻ em khó khăn của Bon Bu Prăng 2 và Bon Bu Krắt thuộc xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông. Đây là một trong những xã đặc biệt khó khăn. Từ trung tâm huyện đi đến xã tầm 30km, trong đó nhiều đoạn còn đường đất. Như lời chiến sĩ Đồn Biên phòng Bu Cháp dẫn đường cho chúng tôi, nói: “Mới đầu mùa mưa đó các anh, chị ạ! Chỉ cần vài cơn mưa nữa thôi, ổ gà, ổ voi... Người đỏ quạch! Chạy xe qua đoạn đường này té như cơm bữa...”.
Theo chân những cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Bu Cháp, chúng tôi đến với Bon Bu Prăng 2. Đường nhựa bon bon, hai bên đường nhà tường san sát (do Nhà nước xây cấp – P.V), thiếu tá Nguyễn Quốc Sử, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bu Cháp, cho biết: “Bon Bu Prăng 2 được tái lập vào năm 2012, hiện có khoảng 80 hộ người đồng bào dân tộc sinh sống. Nơi đây vị trí chiến lược rất quan trọng về quốc phòng - an ninh, tiếp giáp đường biên giới với nước bạn Campuchia. Mặc dù được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhưng đời sống người đồng bào dân tộc ở đây còn nhiều khó khăn, nhất là việc học hành vì xa trường, xa lớp, có đến 40% trẻ bỏ học. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng ở đây ngoài nhiệm vụ bám trụ để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, giữ bon bình yên, còn làm công tác vận động các cháu đến lớp...”. Cụ thể, hiện Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bu Cháp đã và đang nhận đỡ đầu 4 cháu, mỗi tháng trợ cấp cho mỗi cháu 500.000 đồng, kèm theo gạo, sách vở, quần áo... Những cái tên Điểu Hen, Điểu Ánh, Thị Mai, Thị Hồng... với nước da đen nhẻm, nụ cười vô tư chờ được nhận quà và không thể diễn tả hết niềm vui của các em cũng như của các bậc phụ huynh. Em Bế Thi Hoa chia sẻ: “Hôm nay con rất vui khi nhận được món quà này. Con đã có tập, sách và quần áo mới để yên tâm đến trường”.
Rời Bon Bu Prăng 2, chúng tôi vượt đoạn đường khoảng 10km để đến Bon Bu Krắt. Trong căn ngôi nhà rông truyền thống của bon, đông đảo đồng bào đã có mặt. Ông Điểu Ngót, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trực, chia sẻ: “Mặc dù chính quyền địa phương đã rất nỗ lực trong việc chăm lo cho đời sống người dân. Tuy nhiên là xã biên giới, khó khăn về nhiều mặt nên việc chăm lo cũng rất hạn chế. Vì vậy, sự hỗ trợ từ phía các tổ chức, doanh nghiệp để tiếp sức các em đến trường là điều rất đáng trân trọng. Đây sẽ là động lực để giúp các em đến trường. Một sự chia sẻ rất ý nghĩa với những khó khăn của người dân nơi đây”.
Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết Đồn Biên phòng Bu Chap là đồn khó khăn nhất của tỉnh Đăk Nông khi điều kiện cơ sở vật chất, đường sá còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những em nhỏ phải đi học trong điều kiện xa trường, xa lớp. Với những phần quà này, tổ chức công đoàn Bình Dương hy vọng sẽ góp phần động viên các em đến trường...
“Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Trước những khó khăn trăm bề của những người công nhân xa quê, người dân vùng biên giới và những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trước nguy cơ bỏ học, rất cần có những tấm lòng yêu thương và chia sẻ, như chương trình “Tập sách yêu thương” để những giá trị nhân văn lan tỏa, để cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn...
THU THẢO