| 25-03-2024 | 07:55:05

Trên đường đua số

Cuộc cách mạng 4.0 đang thúc đẩy các ngành nghề ở mọi lĩnh vực buộc phải thay đổi để tồn tại và phát triển. Trong bối cảnh đó, báo chí cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng cũng đang tăng tốc trên “đường đua” chuyển đổi số để giữ vững vai trò làm chủ dòng thông tin chủ lực, chính thống trên mặt trận thông tin, truyền thông, nhất là trên không gian mạng.

Theo Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đã được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số; các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%...

Để đạt được mục tiêu trên, thời gian qua các cơ quan báo chí trong cả nước đang chuyển mình nhanh chóng, nhằm đa dạng hóa cách thức tiếp cận và truyền tải thông tin chính xác, nhanh chóng, kịp thời tới độc giả. Tại Bình Dương, các cơ quan báo chí của tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn để đáp ứng yêu cầu thông tin, tuyên truyền trong tình hình mới. Một số chương trình, loại hình mới như podcast, Tôi yêu Bình Dương… cũng đã được Báo Bình Dương triển khai thực hiện, được đông đảo độc giả gần xa đón nhận.

Bên cạnh xây dựng kế hoạch chuyển đổi công nghệ, lãnh đạo các cơ quan báo chí cũng đặc biệt quan tâm chuyển đổi tư duy cho đội ngũ những người làm báo. Vì vậy, đã có nhiều chuyến tham quan học hỏi được tổ chức, nhiều lớp tập huấn, giao lưu diễn ra cả trong và ngoài tỉnh. Mới đây nhất là hội nghị tập huấn công tác chuyển đổi số báo chí và nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí năm 2024, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Hội Nhà báo tỉnh và Báo Bình Dương tổ chức, thu hút đông đảo cán bộ lãnh đạo, phóng viên trong và ngoài tỉnh tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về cách làm báo thời đại số, về chuyển đổi văn hóa trong tòa soạn, về sử dụng trí tuệ nhân tạo, quy trình vận hành báo chí đa phương tiện, đa nền tảng…

Tương lai của mỗi tờ báo tùy thuộc vào việc xây dựng mối quan hệ tương tác chặt chẽ hơn với độc giả. Một chiến lược chuyển đổi số lấy độc giả làm trung tâm sẽ giúp thúc đẩy tờ báo phát triển bền vững. Trên đường đua chuyển đổi số, mặc dù còn nhiều khó khăn phía trước, song tin rằng với sự năng động, sáng tạo, quyết liệt của các cơ quan báo chí, công tác chuyển đổi số sẽ đạt được mục tiêu, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.

K.TÂN

Chia sẻ