Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự diễn đàn. (Nguồn: Vietnam+)
Diễn đàn chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016-2020, có chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu” được tổ chức tại Hà Nội ngày 7-6, đã thu hút sự quan tâm của các chuyên gia kinh tế người Việt Nam ở nước ngoài.
Tại diễn đàn, các đại biểu là chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách đã trao đổi, chia sẻ những vấn đề cùng quan tâm với mong muốn đóng góp công sức, trí tuệ vì một đất nước Việt Nam phát triển.
Những kiến thức, kinh nghiệm quý báu, những kỹ năng, trí tuệ của các nhà khoa học sẽ tạo thêm động lực quan trọng, đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững.
Thúc đẩy ổn định và phát triển hệ thống tài chính ở Việt Nam
Phân tích các vấn đề chủ yếu của hệ thống tài chính Việt Nam, giáo sư Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp cho rằng: "Khi đặt Việt Nam trong sự vận động chung của hệ thống tài chính quốc tế, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự mất cân đối của thị trường vốn với sự chi phối gần như tuyệt đối của khu vực ngân hàng; thị trường chứng khoán, vẫn còn non trẻ và đang ở giai đoạn tiền mới nổi, chưa được doanh nghiệp trong nước coi như một nguồn vốn ổn định và hiệu quả."
Giáo sư Nguyễn Đức Khương nhấn mạnh để có một thị trường tài chính ổn định, hấp dẫn đối với các chủ thể kinh tế và có khả năng “đề kháng” với những cú sốc đến nội bộ nền kinh tế và đến từ bên ngoài, đặc biệt trong điều kiện toàn cầu hóa tài chính như hiện nay, không có cách nào khác là phải tham gia vào cuộc chơi “có tính bắt buộc”của tự do hóa tài chính, đồng thời biết cách quản lý các rủi ro đến từ đó. Theo ông, các giải pháp có thể được chia làm ba nhóm gồm tạo dựng, củng cố lòng tin “lâu dài” của nhà đầu tư; xây dựng công cụ quản lý môi trường tài chính vĩ mô; văn hóa đầu tư và quản trị doanh nghiệp.
Ông đề xuất có thể xây dựng một bộ hướng dẫn về những kinh nghiệm và quy tắc tốt trong quản trị doanh nghiệp cho lĩnh vực công và tư nhân. Trong bộ hướng dẫn này có thể đưa ra định hướng mô hình doanh nghiệp trong tương lai, đặc biệt là khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm đến phát triển bền vững và các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị.
Cùng với đó là nâng cao chất lượng đào tạo tài chính trong các trường đại học; nghiên cứu tăng số lượng các sản phẩm và dịch vụ tài chính và môi trường pháp lý kèm theo để đáp ứng nhu cầu đầu tư và quản trị rủi ro cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu để phục vụ nghiên cứu và thông tin thị trường.
Ông Khương cho rằng các giải pháp nêu ở trên đều có thể thực hiện được trong ngắn và trung hạn. Với lợi thế là một quốc gia có tiềm năng về lương thực thực phẩm, chúng ta có thể nghiên cứu xây dựng một thị trường hàng hóa cấp khu vực. Đây cũng là một cách để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược ở nước ta.
Cải cách giáo dục, đào tạo nhân lực để phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam
Tham dự diễn đàn, tiến sỹ Trần Hải Linh, Đại học Quốc gia Chonbuk, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chia sẻ những nghiên cứu của mình về cải cách giáo dục đại học, đào tạo nhân lực để phát triển khoa học công nghệ của Hàn Quốc; đưa ra những nhận định về khả năng áp dụng những kinh nghiệm của Hàn Quốc với nền giáo dục Việt Nam.
Tiến sỹ Trần Hải Linh chia sẻ Việt Nam đang thực hiện chính sách thu hút các nhà khoa học, trí thức người Việt ở nước ngoài mang tri thức về đóng góp xây dựng quê hương. Nếu điều này được thực hiện có lộ trình rõ ràng và có cách phát triển đúng đắn, sẽ mang lại những giá trị cao cho giáo dục đại học cũng như phát triển khoa học, công nghệ ở Việt Nam.
Đội ngũ chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với tiềm lực rất đáng kể và đều có mong muốn cống hiến cho đất nước nhưng vẫn còn bị những hạn chế do thiếu thông tin, thiếu “cầu nối,” và phương thức thực hiện chính sách.
Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm văn hóa, lịch sử khá tương đồng. Là những người đang sinh sống, làm việc, nghiên cứu và học tập tại Hàn Quốc, cũng là những người luôn theo dõi bước chuyển mình của quê hương, chúng tôi có một niềm tin mạnh mẽ là Việt Nam sẽ có một ngày phát triển như đất nước Hàn Quốc.
"Kiều bào ta sinh sống ở nước ngoài có gần 4,5 triệu người, trong đó có gần 400.000 người là chuyên gia, trí thức được học tập và đào tạo bài bản. Việt Nam sẽ thành công nếu biết khai thác hiệu quả hơn nữa nguồn lực của đội ngũ các nhà khoa học và trí thức Việt Nam ở nước ngoài, cũng như tìm ra những cách thức phù hợp để kết hợp nguồn lực ngoài nước với các nguồn lực trong nước. Nếu mỗi người dân Việt Nam đều cùng cố gắng, đoàn kết, từ đó tập hợp các nguồn lực trong và ngoài nước thành một sức mạnh tổng thể, đi theo đó là chính sách và hỗ trợ của chính phủ và đồng thuận phối hợp của các cơ quan chức năng, tôi tin rằng đất nước Việt Nam sẽ phát triển vươn xa hơn rất nhiều so với thời điểm hiện nay," tiến sỹ Trần Hải Linh nhấn mạnh
Tiến sỹ Trần Hải Linh nhận định nhìn tổng thể một cách khách quan, học sinh tốt nghiệp các trường Trung học phổ thông ở Việt Nam không thua kém với trình độ học sinh trung học các nước khác. Tuy nhiên, người tốt nghiệp đại học của Việt Nam còn có nhiều hạn chế về mảng kiến thức chuyên môn thực hành, kỹ năng mềm, tác phong làm việc so với sinh viên nước ngoài.
Thực tế cho thấy rất rõ trong khoảng thời gian khá dài trong những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp rồi thất nghiệp và tỷ lệ sinh viên phải làm trái ngành nghề đào tạo ngày càng cao. Điều đó cho thấy giáo dục đại học là mảng cần nhiều sự thay đổi.
Tiến sỹ Trần Hải Linh nhấn mạnh con đường tiến bộ cho giáo dục đại học ở Việt Nam chính là cần có sự tự chủ. Trong các quyền tự chủ của trường đại học, có tự chủ về tuyển sinh, tự chủ về đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên về giảng dạy và nghiên cứu, tự chủ về tài chính, về cả chương trình học cho sinh viên...
Trong tình hình hiện tại của Việt Nam, trao quyền tự chủ cho các trường đại học có thể coi là một trong các biện pháp hữu hiệu để phát triển giáo dục đại học; giao trách nhiệm và trao niềm tin cho đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài; tạo các cơ hội để cho họ cống hiến và chứng minh khả năng trên quê hương mình.
Nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp nông nghiệp Việt Nam tiến sâu vào hội nhập
Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng, Trường Khoa học Ứng dụng, Đại học RMIT, Australia quan tâm đến việc sản xuất theo chuỗi ngành hàng và gia tăng giá trị nông sản để nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp nông nghiệp Việt Nam tiến sâu vào hội nhập.
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, bền vững của nông dân Australia, giáo sư Nguyễn Quốc Vọng phân tích việc đầu tư và phát triển không đồng bộ trong chuyển giao công nghệ vào chuỗi ngành hàng, những hạn chế trong thành phần sản xuất và tổ chức quản lý, đặc biệt hạn kỳ sử dụng đất và thủ tục giấy tờ rườm rà ở nông thôn đã và đang làm nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như lúa gạo, càphê, cao su, hạt điều, hạt tiêu, trà... không ứng dụng được công nghệ cao, làm chất lượng thấp, giá xuất khẩu chỉ đạt khoảng 50-60% giá trung bình thế giới.
Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng nêu rõ để đột phá nông nghiệp Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là áp dụng chính sách nông nghiệp, đất đai vì nông dân, xây dựng chuỗi ngành hàng, tích cực hỗ trợ việc đổi mới công nghệ và đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. Theo ông, có như vậy mới tạo động lực để người nông dân và các doanh nghiệp linh hoạt điều chỉnh cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng với yêu cầu của thị trường và thích nghi với tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt của kỷ nguyên hội nhập.
Sản xuất theo chuỗi ngành hàng và gia tăng giá trị để nông sản luôn có chất lượng cao. Đó là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa nông nghiệp tiến sâu vào hội nhập, làm giàu một cách bền vững cho nông dân và nông thôn Việt Nam.
Diễn đàn chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết giữa các nhà khoa học Việt Nam với các trí thức Việt Nam ở nước ngoài, với những người bạn nước ngoài làm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học; giữa đồng bào sinh sống, làm việc trong nước và ở nước ngoài.
Những ý kiến của các chuyên gia quốc tế, trí thức người Việt Nam tại nước ngoài cùng các trao đổi thảo luận này là những căn cứ để tham mưu cho Đảng và Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.
Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Ngoại giao, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài mong muốn được tiếp nhận ngày càng nhiều hơn những ý kiến đóng góp tâm huyết của kiều bào, các chuyên gia người Việt đang sống và làm việc tại nước ngoài, bằng nhiều hình thức khác nhau, góp phần xây dựng các chính sách phát triển đất nước./.
Theo TTXVN