| 17-04-2014 | 00:00:00

Trò chơi dân gian trong nhà trường: Góp phần lưu giữ nét đẹp văn hóa Việt

Đến trường THCS Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Hòa, Phú Giáo) đúng vào giờ ra chơi, ấn tượng đầu tiên ngay từ cổng trường là không còn cảnh HS rượt đuổi nhau, nghịch phá. Thay vào đó sân trường tràn ngập các TCDG của các em HS. Từng tốp nhỏ tìm chỗ trống trên sân trường bắt đầu trò chơi riêng của mình. Nào nhảy dây, tạt lon, ô ăn quan… Thầy Nguyễn Phúc Trà, Tổng phụ trách Đội, cho biết vài năm trở lại đây theo sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo vào ngày khai trường thay vì lúc trước chỉ có phần lễ thì nay có thêm phần hội và được gọi chung là lễ hội khai trường. Sau buổi lễ chào năm học mới toàn HS trong trường cùng nhau tham gia các TCDG, như: kéo co, nhảy bao bố, các trò chơi chung sức… Không chỉ đưa TCDG đến với các em HS vào dịp lễ, tết mà trường còn lồng ghép tổ chức vào các giờ ra chơi hay thể dục, có khi còn tạo điều kiện cho các khối lớp thi tài với nhau. “Tạo sân chơi tập thể cho các em HS bằng những TCDG cũng là cách giúp các em bớt la cà, chơi game ngoài nhà trường. Mỗi khi trường có tổ chức TCDG thì các em tham gia rất hào hứng và sôi nổi”, thầy Trà cho biết thêm.

TCDG thường đơn giản, không cầu kỳ lại không tốn nhiều chi phí mua sắm dụng cụ. TCDG có đặc điểm là hầu hết các trò chơi được tổ chức ngoài trời. Đây là ưu thế giúp các em HS có điều kiện tiếp xúc nhiều với môi trường xung quanh. Không những vậy TCDG còn giúp các em HS rèn luyện sức khỏe, sự khéo léo, tính nhanh nhẹn. Dù chỉ là những TCDG nhưng ngoài việc cho các em HS có sức khỏe tốt thì chính TCDG cũng phần nào giúp các em phát triển trí tuệ, hình thành lối tư duy thông qua những trò chơi thiên về trí óc như ô ăn quan, cờ gánh… Cũng từ những trò chơi mang tính tập thể như thế này sẽ dần tạo thói quen làm việc nhóm, sự đoàn kết và tinh thần đồng đội được nâng cao.

Tiếp xúc nhiều với TCDG cũng là cách để các em hiểu rõ, thấm nhuần phần nào về nét văn hóa dân tộc. Bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, Phó Trưởng phòng Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, cho biết: “Trước đây sau các hoạt động ngoại khóa thì các em HS sẽ sinh hoạt văn nghệ, nhưng hiện nay phần đông khi các hoạt động diễn ra xong thì các em sẽ chơi TCDG do trường tổ chức. Bên cạnh các hoạt động văn nghệ, văn hóa khác bao giờ cũng có TCDG”.

Với khối lượng kiến thức văn hóa hiện nay, tìm ra khoảng thời gian hợp lý tổ chức TCDG cho HS để gắn kết yêu thương, biết được văn hóa truyền thống là sự nỗ lực lớn của các trường, các cấp học. Đưa TCDG vào trường học cũng là cách để lưu giữ những nét đẹp, giá trị dân tộc. Chính những trò chơi dân dã ấy mà đã hình thành cho các em HS cả bầu trời tuổi thơ trong sáng.

LAN HƯƠNG

Chia sẻ