| 26-12-2024 | 07:09:06

Trưng bày chuyên đề “Hoa nở từ Đất - Hoa trong nghệ thuật gốm sứ phương Đông”

Trong hơn 150 hiện vật gốm trang trí các loài hoa 4 mùa theo văn hóa Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản được trưng bày, gốm Việt Nam chiếm phần lớn, có niên đại từ thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 20.


Các sản phẩm gốm được trưng bày tại Bảo tàng.

Ngày 25/12, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Hoa nở từ Đất - Hoa trong nghệ thuật gốm sứ phương Đông.”

Chuyên đề trưng bày hơn 150 hiện vật gốm được trang trí các loài hoa 4 mùa trong văn hóa của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và được sắp xếp theo 4 chủ đề chính: “Hoa mùa Xuân trên gốm sứ,” “Hoa mùa Hạ trên gốm sứ,” “Hoa mùa Thu trên gốm sứ” và “Hoa mùa Đông trên gốm sứ.”

Trưng bày mang đến một bức tranh đa dạng về văn hóa nghệ thuật gốm phương Đông, đồng thời khơi dậy sự trân quý các giá trị truyền thống, tạo nguồn cảm hứng cho sáng tạo ứng dụng hữu ích cho tương lai từ những chất liệu thiên nhiên.

Công chúng có cơ hội chiêm ngưỡng hình ảnh nhiều loài hoa đặc trưng trong văn hóa phương Đông, được trang trí trên các hiện vật gốm như hoa mai, hoa đào, hoa sen, hoa lan, hoa mẫu đơn, hoa cúc, tùng, trúc.

Trong số đó, 3 loại hoa là mai, đào và mẫu đơn luôn là đề tài được sử dụng để chuyển tải cảnh sắc rực rỡ của mùa Xuân.

Hoa sen và hoa lan đại diện cho mùa Hạ. Nếu như hoa sen được thể hiện có phần phong phú và đa dạng thì hoa lan cũng được sử dụng trang trí trên một số hiện vật, đặc biệt là dòng gốm Chu Đậu.

Trên các sản phẩm gốm sứ, hoa cúc được khai thác tối đa với kỹ thuật chế tác và phong cách mỹ thuật đa dạng.

Còn tùng và trúc xuất hiện trên sản phẩm gốm sứ ở dạng đơn lẻ hoặc kết hợp. Nếu ở dạng đơn lẻ, mỗi loại cây sẽ được nghệ nhân thể hiện theo những phong cách khác nhau thì ở dạng kết hợp, tùng và trúc được kết hợp cùng hoa mai để tạo thành đề tài “Tuế hàn tam hữu” (Ba người bạn trong mùa Đông).

Trong hơn 150 hiện vật gốm trang trí các loài hoa 4 mùa theo văn hóa của Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản trưng bày tại Bảo tàng lần này, phần lớn là các hiện vật gốm của Việt Nam, có niên đại trải dài từ thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 20.

Trong số đó, có gốm men ngọc thời Lý, gốm hoa nâu thời Trần, gốm Chu Đậu thời Lê, gốm Việt Nam đặt hàng Trung Quốc sản xuất dưới thời Nguyễn.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đồ gốm là vật dụng phổ biến đã được con người sử dụng rất lâu đời, từ thời nguyên thủy.

Theo sự phát triển của xã hội, đồ gốm không chỉ là sản phẩm đơn thuần phục vụ cuộc sống hằng ngày mà còn phản ánh đặc điểm nghệ thuật, tư tưởng của nhiều nền văn hóa.

Các họa tiết, đồ án trang trí trên gốm sứ, đặc biệt là hoa lá, không chỉ thu hút người xem bởi vẻ đẹp tự nhiên mà ở mỗi nền văn hóa có cách lý giải riêng về ý nghĩa, biểu tượng.

Hầu hết đều mang đậm triết lý nhân sinh tốt đẹp của văn hóa phương Đông, dần hình thành mối quan hệ mang tính quy ước trong đời sống xã hội. Hình ảnh các loài hoa luôn là đề tài được sử dụng để chuyển tải ý nghĩa lên đồ gốm với kỹ thuật chế tác và phong cách mỹ thuật rất đa dạng.

Các cổ vật không chỉ mang đến vẻ đẹp riêng mà còn gửi gắm nhiều ý nghĩa văn hóa sâu sắc khiến người xem suy ngẫm. Những đóa hoa nở từ đất đã khơi gợi tình yêu nghệ thuật và niềm tự hào về di sản của thế hệ trước.

Trưng bày chuyên đề “Hoa nở từ Đất - Hoa trong nghệ thuật gốm sứ phương Đông” diễn ra đến hết ngày 31/3/2025, tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Quận 1)./.

Theo TTXVN

Chia sẻ