Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Diễn đàn nhằm tìm giải pháp thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác quản lý thông tin đối ngoại.
Ngày 27/8, diễn đàn trực tuyến “Quản lý thông tin đối ngoại trong kỷ nguyên số” được tổ chức nhằm phân tích, đánh giá tình hình cũng như đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác quản lý thông tin đối ngoại hiện nay.
Sự kiện do Tạp chí Người làm báo, Cổng thông tin điện tử, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với Khoa Quan hệ quốc tế (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) và Báo Thế giới và Việt Nam (Bộ Ngoại giao) tổ chức.
Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng cho hay đây là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 77 năm ngày thành lập ngành ngoại giao Việt Nam (28/8/1945-28/8/2022).
“Việc định hướng và quản lý công tác thông tin đối ngoại có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam trong mắt bạn bè, đối tác quốc tế,” ông Dũng nói.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, trong kỷ nguyên số, truyền thông đối ngoại cần bám sát các xu hướng công nghệ số, đặc biệt là trên mạng xã hội và các công cụ truyền thông đa phương tiện để truyền tải thông tin với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
“Có như vậy, hoạt động thông tin đối ngoại mới góp phần tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho đối ngoại đa phương, làm cầu nối quan trọng đưa Việt Nam ra thế giới,” ông Dũng nêu rõ.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đặt ra yêu cầu các cơ quan báo chí cần thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác giúp dư luận nước ngoài hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam đồng thời phải chủ động, tích cực thông tin kịp thời, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc hình ảnh Việt Nam của các thế lực thù địch.
Đóng góp ý kiến tại diễn đàn, Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus Trần Tiến Duẩn cho rằng bên cạnh các thành tựu đạt được thì công tác thông tin đối ngoại còn một số hạn chế như: Nội dung thông tin đôi lúc còn thiếu chiều sâu. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên thực hiện mảng thông tin đối ngoại thiếu. Vẫn còn tình trạng bị động, lúng túng trong đấu tranh phản bác thông tin xuyên tạc và luận điệu sai trái.
Ông Duẩn đề xuất cơ quan quản lý cần tiếp tục tổ chức các hội thảo, diễn đàn nghiệp vụ về kinh nghiệm trong xử lý thông tin đối ngoại bằng các ngôn ngữ nước ngoài, tăng cường đào tạo các nhà báo, nhà khoa học trong lĩnh vực thông tin đối ngoại, tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế, các sự kiện quảng bá hình ảnh Việt Nam.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp giữa các cơ quan phụ trách thông tin đối ngoại, các cơ quan quản lý báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam… để tăng cường, định hướng thông tin kịp thời, chính xác và phối hợp hành động để góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam.
Về phần các cơ quan báo chí, ông Duẩn cho rằng cần nâng cao hơn nữa tính thuyết phục của thông tin, các bài viết mang tính đấu tranh dư luận; tăng cường định hướng dư luận về những vấn đề quan trọng; chủ động nắm bắt tình hình, nâng cao chất lượng công tác dự báo, đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch./.
Theo TTXVN