| 19-11-2022 | 09:04:00

Tự hào ngôi trường mang tên nhà chí sĩ Phan Chu Trinh

(BDO) Ở TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương có một ngôi trường tự hào mang tên nhà chí sĩ Phan Chu Trinh với câu nói nổi tiếng của ông “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh”. Kể từ ngày thành lập đến nay, nhà trường đã đạt được nhiều thành tích giáo dục rất đáng khích lệ trong việc đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương. Kết quả giáo dục hơn 10 năm qua là một minh chứng cho sự nghiệp trồng người, sự kết tinh công sức của các thế hệ lãnh đạo và cán bộ công nhân viên nhà trường. 

Ngôi trường đạt giải kiến trúc quốc tế

Nhắc đến trường  Phan Chu Trinh mọi người đều bày tỏ sự kính trọng đối với bà Đặng Thị Ngọc Bích, Hiệu trưởng Trường TH  - THCS - THPT Phan Chu Trinh - người sáng lập và dành cả cuộc đời tâm huyết với ngành giáo dục như một sứ mệnh.


Bà Đặng Thị Ngọc Bích, Hiệu trưởng Trường TH  - THCS - THPT Phan Chu Trinh.

Bà Đặng Thị Ngọc Bích sinh ra ở phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An. Bà chia sẻ: “Gia đình tôi có bảy anh chị em, nhưng chỉ có đứa con gái thứ sáu da ngăm đen, chiều cao khiêm tốn (1m54) đó là tôi. Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống học tốt và nề nếp, nên các anh chị em tôi luôn tự giác và thi đua nhau học. Nhờ đó, tôi luôn đứng vào tốp đầu và được thầy cô thương mến”. 

Tốt nghiệp trung học, bà Bích vào Cao đẳng Sư phạm Sông Bé. Bà tâm sự: Những lần đi thực tập, lên lớp nhìn các em say mê nghe giảng bài thương các em vô cùng, tình yêu học sinh, yêu nghề đã ăn sâu trong tôi từ lúc nào không biết. Sau mỗi đợt kiến tập, thực tập tôi đã cảm nhận được tình yêu thương giữa thầy, trò, đồng nghiệp. Hai năm học cao đẳng rồi cũng qua nhanh, chúng tôi được ra trường sớm vì nhu cầu cấp bách “thiếu giáo viên trầm trọng”. Tôi chọn nghề giáo cũng một phần vì ba tôi rất yêu nghề này.

Những năm đầu sau chiến tranh, cả nước gặp khó khăn về kinh tế, nghề dạy học thời bao cấp vì thế cũng rất cơ cực. Tuy xuất thân trong gia đình trung lưu, nhưng cuộc đời bà Bích có những tháng ngày lăn lộn giữa vòng xoáy mưu sinh, chắt chiu từng đồng để vừa nuôi con vừa giữ lửa yêu nghề. Và rồi, chính trong những ngày gian khó đó, hàng đêm bà thầm nghĩ, người thầy giáo không giàu bằng việc dạy thêm, mà giàu vì biết dùng trí mà kinh doanh. Ý tưởng muốn xây trường học bắt đầu nhen nhóm trong lòng bà từ những ngày đầu như thế. Cho đến năm 2010 nhờ vào quỹ đất ba mẹ để lại, vay thêm ngân hàng, bạn bè, bà tiến hành xây dựng ngôi trường mang tên nhà chí sĩ Phan Chu Trinh.


Tự hào ngôi trường đẹp hàng đầu đất nước.

Trường TH - THCS - THPT Phan Chu Trinh, tọa lạc tại KP Đông Tân, phường Dĩ An, TP. Dĩ An, là ngôi trường ngoài công lập có chất lượng giáo dục cao. Ngôi trường này do Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế, với tổng kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 120 tỷ đồng và được xem là trường thuộc tốp đẹp nhất cả nước. Trường hoạt động từ năm 2010. Năm 2012 trường vinh dự cùng lúc đạt hai giải thưởng kiến trúc quốc tế đó là: giải Futur Arc (giải kiến trúc xanh Châu Á) và giải nhì Wann của Hoa Kỳ. Hiện trường có 29 lớp gồm ba cấp học, hơn 850 học sinh và 80 giáo viên, công nhân viên.  Nhiều năm liền nhà trường có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT 100%, số học sinh đỗ đại học, cao đẳng trên 80%, có nhiều GVDG, CSTĐ, học sinh giỏi các cấp. Trường đã nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, hai bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiều bằng khen giấy khen của nhiều tổ chức từ Trung ương, địa phương. 

Sứ mệnh và con đường đã chọn

Với tư cách hiệu trưởng trường tư  - có tư duy đổi mới, bà Đặng Thị Ngọc Bích luôn quan điểm học thật  - điểm thật. Bà cho rằng: “Tôi luôn quan tâm đến chất lượng giáo dục tại trường, đó là: Ngoài phương pháp dạy truyền thống, hiện nay trường học cần sử dụng công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh; học tại trường, học trong thực tế, trong cuộc sống xã hội để giúp học sinh hiểu thấu đáo hơn. Ngoài các buổi đi thực tế, học sinh còn được học kỹ năng sống từ các thầy ở TP.Hồ Chí Minh, các trường huấn luyện theo tiêu chí quốc tế; trường còn tổ chức các buổi sinh hoạt đạo đức, như lễ Vu Lan báo hiếu… giúp các em nhận thức và nâng cao giá trị văn hóa đạo đức của bản thân. Ngoài ra, để có cơ sở giúp các em học tốt, tôi đã kết hợp sử dụng công nghệ “sinh trắc vân tay” để biết được tâm, tính của từng học sinh. Từ đó phân ra nhóm đối tượng để giảng dạy cho các em nhanh hiểu bài hơn”.


Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Qũy Học bổng Vừ A Dính chụp hình lưu niệm cùng các em học sinh Vừ A Dính

Gần cả cuộc đời gắn bó với nghề giáo, bà Đặng Thị Ngọc Bích đã coi giáo dục là sứ mệnh và là con đường mà bà đã chọn. Bà nói: “Sản phẩm của chúng tôi là con người. Đến nay, tôi hiểu rằng cần phải làm nhiều cho giáo dục. Tôi phải làm thế nào để mọi người biết đến ngôi trường TH-THCS-THPT Phan Chu Trinh là nơi có đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, làm việc hết mình vì học sinh không riêng ở Dĩ An mà còn nhiều nơi khác nữa. Còn học sinh của tôi - những khách hàng nhỏ bé đã tin tưởng vào ngôi trường mang tên nhà cách mạng, tôi có sứ mệnh luôn hướng các em phát triển tốt cùng cộng đồng và rèn luyện, giáo dục các em trở thành “công dân toàn cầu”, luôn tự hào là người Việt Nam. Đây chính là giá trị cốt lõi, là văn hóa kinh doanh của công ty và nhà trường mà chúng tôi đề ra và thực hiện trong thời gian qua”. 


Một tiết học về công nghệ thông tin tại trường.

Quỹ học bổng Vừ A Dính “Ươm mầm tương lai”

“Ươm mầm tương lai” là dự án được Quỹ học bổng Vừ A Dính phối hợp với các trường THCS – THPT tiếp nhận các em học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn nhưng biết phấn đấu vươn lên trong học tập đến ăn ở, học tập miễn phí tại các trường từ lớp 6 đến lớp 12. Hưởng ứng tinh thần nhân văn đó, ngay từ đầu trường Phan Chu Trinh đã tích cực tham gia với mong muốn được chia sẻ và giúp đỡ con em dân tộc thiểu số khó khăn được tiếp tục giấc mơ đến trường. Đến nay trường đã nhận nuôi dạy hơn 50 em, năm vừa rồi có 7 em tốt nghiệp THPT, tất cả đều vào đại học, có 2 em được tỉnh Bình Dương khen thưởng. Những năm qua, thầy và trò của trường Phan Chu Trinh, đặc biệt là các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số cùng quyết tâm thi đua dạy và học tốt, để không phụ sự kỳ vọng của xã hội, phụ huynh, xứng đáng với tinh thần của nhà chí sĩ yêu nước mà trường được mang tên: “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh”.

Hải Đăng

Chia sẻ