Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Những diễn biến nhanh chóng trên chính trường Bangladesh trong vài tuần vừa qua đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện chính trị nước này, với việc Thủ tướng đương nhiệm Sheikh Hasina đột ngột từ chức và rời khỏi đất nước, đồng thời ông Muhammad Yunus tiếp quản chiếc ghế thủ tướng tạm thời chờ ngày bầu cử.
Chấm dứt một triều đại cầm quyền
Sau 15 năm nắm quyền, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã đột ngột từ chức và chạy khỏi đất nước sang Ấn Độ. Sự ra đi của bà Sheikh Hasina diễn ra sau nhiều tuần biểu tình do sinh viên chủ xướng, bị đáp trả bằng vũ lực chết người. Sự hân hoan đã xuất hiện trên đường phố thủ đô Dhaka.
Bà Sheikh Hasina.
Nguồn gốc các cuộc biểu tình của sinh viên xuất phát từ những bất công trong việc phân bố công ăn việc làm. Ban đầu, sinh viên yêu cầu xóa bỏ hệ thống hạn ngạch dành 30% việc làm của chính phủ cho gia đình của những người đã đấu tranh giành độc lập khỏi Pakistan vào năm 1971. Cuộc chiến tranh đó kéo dài 9 tháng và Bangladesh tuyên bố có 3 triệu người thiệt mạng, hàng trăm nghìn phụ nữ bị hãm hiếp.
Nhưng, phản ứng gay gắt của chính phủ đối với các cuộc biểu tình kể từ giữa tháng 7 khiến giới sinh viên, thu hút cả thành phần lao động, người nghèo tham gia, tiếp tục các cuộc biểu tình ngay cả sau khi Tòa án Tối cao đáp ứng phần lớn các yêu cầu của họ về hạn ngạch. Gần 300 người biểu tình bị chết đã châm ngòi cho một phong trào rộng lớn hơn đòi công lý buộc bà Hasina phải từ chức.
Internet đã bị cắt hoàn toàn trong thời gian bạo lực tồi tệ nhất. Những hình ảnh xuất hiện trên báo chí cho thấy cảnh sát và các thành viên của nhóm sinh viên thuộc đảng Liên đoàn Awami cầm quyền tấn công người biểu tình bằng đạn thật, dao rựa và dùng xe cán qua người họ. Người dân ở Dhaka đã mô tả các cuộc đột kích liên tục vào ban đêm, khiến 11.000 người bị bắt. Ngày 5/8, trước khi diễn ra những cuộc biểu tình rộng lớn hơn theo kế hoạch, những người điều phối cuộc biểu tình của sinh viên đã đến gặp tướng Waker-Uz-Zaman, Tổng tư lệnh quân đội, và đưa ra tối hậu thư buộc Thủ tướng Sheikh Hasina phải từ chức. Quân đội một lần nữa đã can thiệp, yêu cầu bà Hasina phải từ chức và rời khỏi đất nước trong 36 giờ.
Tổng thống Mohammed Shahabuddin tuyên bố giải tán Quốc hội để tổ chức cuộc bầu cử mới. Văn phòng Tổng thống Mohammed Shahabuddin cũng ra thông báo rằng cựu thủ tướng và lãnh đạo phe đối lập Begum Khaleda Zia đã chính thức được thả khỏi tù và được Tổng thống ân xá hoàn toàn.
Ngay sau khi bà Hasina rời khỏi đất nước, quân đội đã tuyên bố nắm quyền kiểm soát và thành lập một chính phủ lâm thời cho đến khi có thể tổ chức bầu cử. Tướng Waker-Uz-Zaman đã kêu gọi những người biểu tình trở về nhà và hứa sẽ điều tra các vụ giết người.
Lịch sử ra đời đầy bạo lực của đất nước Bangladesh đóng vai trò gây chia rẽ nền chính trị và bà Hasina cùng đảng Liên đoàn Awami đã tự coi mình là “những người bảo vệ di sản độc lập”. Sự chia rẽ chính trị gay gắt và bạo lực thường xuyên giữa Liên đoàn Awami và đảng đối lập chính BNP, với lãnh đạo là bà Khaleda Zia, đã bắt nguồn từ những ngày đầu giành độc lập của đất nước. Bà Zia kết hôn với ông Ziaur Rahman - người sáng lập đảng và làm chủ tịch đảng này sau khi nhà lãnh đạo đầu tiên của đất nước là Sheikh Mujibur Rahman bị ám sát năm 1975. Những người ủng hộ ông Ziaur Rahman lập luận rằng thực tế là chính ông Ziaur Rahman, khi đó là một sĩ quan quân đội đã nổi loạn chống lại lực lượng Pakistan, là người đầu tiên tuyên bố độc lập chứ không phải ông Sheikh Mujibur Rahman. Tuy nhiên, lời tuyên bố của ông Ziaur Rahman sau đó đã bị sửa lại để thể hiện người đứng sau tuyên bố độc lập là ông Sheikh Mujibur Rahman. Mâu thuẫn phát sinh từ đó.
Bà Hasina cũng thường lợi dụng sự hợp tác của một số nhóm với quân đội Pakistan để lên án những người đối lập với bà. Trong các cuộc biểu tình hiện tại, bà đã khiến các sinh viên tức giận khi nói rằng những người trên đường phố là razakars - một thuật ngữ ám chỉ lực lượng dân quân Bengali ủng hộ quân đội Pakistan.
Nhiều người hy vọng đất nước Bangladesh sẽ không rơi vào cùng một mô hình như trước đây. Liên đoàn Awami và đảng BNP đã đấu đá giành quyền lực kể từ những năm 1990, khi nền dân chủ được khôi phục sau một thời kỳ cai trị của quân đội, nhưng vai trò của sinh viên trong các cuộc biểu tình gần đây đã làm dấy lên hy vọng về một giải pháp thay thế để phá vỡ chu kỳ này.
Ông chủ ngân hàng của người nghèo
Ngay sau khi Tổng thống giải tán Quốc hội và Tổng Tư lệnh quân đội, tướng Waker-Uz-Zaman tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời, ông Muhammad Yunus được chọn làm người đứng đầu chính phủ lâm thời của Bangladesh.
Ông Muhammad Yunus.
Được biết đến là “ông chủ ngân hàng của những người nghèo nhất trong số những người nghèo” và là người chỉ trích lâu năm đối với bà Sheikh Hasina, ông Yunus sẽ đóng vai trò là thủ tướng tạm quyền cho đến khi các cuộc bầu cử mới được tổ chức. Quyết định này được đưa ra sau một cuộc họp vào cuối ngày 6/8 bao gồm các nhà lãnh đạo biểu tình của sinh viên, các nhà lãnh đạo quân đội, các thành viên xã hội dân sự và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Trong đó, các nhà tổ chức biểu tình sinh viên đã đưa ra yêu cầu Yunus phải là người lãnh đạo chính phủ lâm thời.
Năm nay 83 tuổi, ông Yunus là một nhà phê bình nổi tiếng và là đối thủ chính trị của bà Hasina. Ông gọi việc bà từ chức là “ngày giải phóng thứ hai” của đất nước. Còn bà Hasina thì gọi ông là “kẻ hút máu”. Tháng 1/2024, ông Yunus đã bị kết tội vi phạm luật lao động của Bangladesh trong một phiên tòa bị những người ủng hộ ông lên án là có động cơ chính trị. Năm ngoái, hơn 100 người đoạt giải Nobel đã ký một bức thư ngỏ kêu gọi đình chỉ các cáo buộc đối với ông. Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng kịch liệt lên án vụ án này.
Yunus sinh năm 1940 tại Chattogram, một thành phố cảng ở Bangladesh. Ông nhận bằng tiến sĩ từ Đại học Vanderbilt, Mỹ và giảng dạy tại đó một thời gian ngắn trước khi trở về Bangladesh.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2004 với hãng thông tấn Associated Press, ông Yunus cho biết đã có một “phong trào eureka” để thành lập Ngân hàng Grameen khi ông gặp một người phụ nữ nghèo đan ghế đẩu bằng tre đang phải vật lộn để trả nợ. “Tôi không thể hiểu nổi tại sao bà ấy lại có thể nghèo đến vậy khi bà ấy làm ra những thứ tuyệt đẹp như vậy”, ông nhớ lại trong cuộc phỏng vấn.
Là một nhà kinh tế học và nhân viên ngân hàng chuyên nghiệp, ông Yunus đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 2006 vì tiên phong sử dụng tín dụng vi mô (micro credit) để giúp đỡ những người nghèo, đặc biệt là phụ nữ. Ông được ghi nhận là người đã đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói. Ủy ban giải Nobel Hòa bình đã ghi nhận Yunus và Ngân hàng Grameen của ông “vì những nỗ lực tạo ra sự phát triển kinh tế và xã hội từ bên dưới”.
Một bài viết về ông trên tờ Guardian khi giành giải Nobel Hòa bình năm 2006 đã mô tả “ông đối với sự nghèo đói cũng giống như Bill Gates đối với phần mềm máy tính”, ý nói sự đam mê, tận tâm, hết mình của ông dành cho chương trình hỗ trợ dân nghèo. Chỉ có điều là công việc kinh doanh của ông Yunus phát triển mạnh mẽ theo cấp số nhân trong một môi trường kinh doanh khắc nghiệt hơn nhiều so với Microsoft của ông Bill Gates.
Ông Yunus thành lập Ngân hàng Grameen vào năm 1983 để cung cấp các khoản vay nhỏ cho các doanh nhân, những người thường không đủ điều kiện để nhận các khoản vay này. Thành công của ngân hàng trong việc đưa mọi người thoát khỏi đói nghèo đã dẫn đến những nỗ lực tài chính vi mô tương tự ở các quốc gia khác. Trong 30 năm kể từ khi thành lập, ngân hàng Grameen đã cho khoảng 8,5 triệu người vay tiền, trong đó hơn 95% là phụ nữ. Trước khi thành lập Ngân hàng Grameen, ông Yunus lần đầu tiên dấn thân vào lĩnh vực cho vay vào năm 1976, khi ông cho một nhóm người nghèo ở Dhaka vay 27 USD để họ không phải tìm đến những kẻ cho vay nặng lãi. Sau đó, ông đóng vai trò là người bảo lãnh cho các khoản vay tại các ngân hàng địa phương để những người nghèo được vay tiền.
Ông đã gặp rắc rối với Thủ tướng Hasina vào năm 2008, khi chính quyền của bà tiến hành một loạt cuộc điều tra về ông. Trong một cuộc phỏng vấn vào đầu năm nay, ông Yunus không nói rõ lý do khiến bà Hasina có thái độ thù địch đối với ông, nhưng những người xung quanh ông cho rằng điều đó có liên quan tới nỗ lực bất thành của ông nhằm thành lập một đảng chính trị vào năm 2007.
Trong quá trình điều tra, bà Hasina cáo buộc ông Yunus sử dụng vũ lực và các biện pháp khác để thu hồi các khoản vay từ những phụ nữ nông thôn nghèo với tư cách là người đứng đầu Ngân hàng Grameen. Ông Yunus đã phủ nhận các cáo buộc này.
Sau 30 năm thành công vang dội, tài chính vi mô tụt dốc không phanh và một cuộc chiến tại Grameen khiến ông Yunus buộc phải từ chức giám đốc điều hành. Tuy nhiên, sau đó ngân hàng vẫn hoạt động mạnh mẽ. Ngân hàng đã hợp tác với Tesco tại Anh để cung cấp các khoản vay tại Scotland và có các chi nhánh trên khắp nước Mỹ. Chính phủ của Thủ tướng Hasina bắt đầu xem xét các hoạt động của Ngân hàng Grameen vào năm 2011 và ông Yunus bị cáo buộc vi phạm các quy định về hưu trí của chính phủ. Ông bị đưa ra xét xử vào năm 2013 với các cáo buộc nhận tiền mà không được chính phủ cho phép, bao gồm cả giải Nobel và tiền bản quyền từ một cuốn sách. Sau đó, ông phải đối mặt với nhiều cáo buộc liên quan đến các công ty khác mà ông thành lập, bao gồm cả Grameen Telecom, một phần của công ty điện thoại di động lớn nhất đất nước GrameenPhone, một công ty con của công ty viễn thông Na Uy Telenor. Những người ủng hộ ông cho biết các cáo buộc đều có động cơ chính trị.
Những thách thức sắp tới
Ngay sau khi quân đội thông báo việc bà Hasina rời khỏi đất nước, con trai bà là Sheikh Joy đã nói trong một bài đăng trên mạng xã hội vào hôm 7/8 rằng gia đình ông ta sẽ quay trở lại chính trường và không từ bỏ sau các cuộc tấn công vào các nhà lãnh đạo và thành viên của đảng Liên đoàn Awami. Nhiều người coi Joy là người kế nhiệm bà Hasina.
Sinh viên biểu tình đòi bà Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức.
Trước đó, hôm 5/8, Joy đã nói rằng bà Hasina sẽ nghỉ hưu để dành thời gian cho các cháu của mình. Nhưng, trong một thông điệp video được đăng trên trang Facebook của mình hôm 7/8, ông này đã kêu gọi các nhà hoạt động của đảng hãy đứng lên. “Các bạn không đơn độc. Chúng tôi ở đây. Gia đình Bangabandhu không đi đâu cả”, Joy viết.
Ông viết: “Nếu chúng ta muốn xây dựng một Bangladesh mới, điều đó là không thể nếu không có Liên đoàn Awami. Liên đoàn Awami là đảng lâu đời nhất, dân chủ và lớn nhất ở Bangladesh. Liên đoàn Awami vẫn chưa chết... Không thể xóa bỏ Liên đoàn Awami. Chúng tôi đã nói rằng gia đình chúng tôi sẽ không tham gia chính trị nữa. Tuy nhiên, với những cuộc tấn công vào các nhà lãnh đạo và nhà hoạt động của chúng tôi, chúng tôi không thể bỏ cuộc”.
Đến đêm 8/8, tình hình an ninh ở Bangladesh rất đáng ngại. Người dân trên khắp thủ đô Dhaka đã mang theo gậy gộc, thanh sắt và vũ khí sắc nhọn để bảo vệ khu phố của họ trong bối cảnh có báo cáo về các vụ cướp. Loa phóng thanh trong các nhà thờ Hồi giáo đã được sử dụng để cảnh báo mọi người rằng các vụ cướp đang xảy ra và sinh viên đã thành lập các nhóm tình nguyện để bảo vệ các ngôi đền và doanh nghiệp khi cảnh sát vẫn không làm nhiệm vụ. Quân đội đã chia sẻ số điện thoại đường dây nóng cho những người tìm kiếm sự giúp đỡ.
Nhiều người, bao gồm cả người dân ở nước láng giềng Ấn Độ, lo sợ tình hình bất ổn hơn nữa ở quốc gia có dân số 170 triệu người này, vốn đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp cao, tham nhũng và mối quan hệ chiến lược phức tạp với Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ. Đó cũng là những vấn đề lớn, đầy khó khăn, thách thức đang chờ đón ông Yunus khi ông đảm nhiệm trọng trách tạm thời lãnh đạo đất nước trước ngày bầu cử mới.
Theo CAND