| 27-07-2010 | 00:00:00

Tự sự của một cây cầu

1. Chào các bạn, tớ tên là Cầu. Họ tên đầy đủ là Cầu Tre. Tớ yêu sông nước, thích ngắm mây trời, tắm mưa và cả tắm nắng. Tớ sinh ra, lớn lên trên một khúc suối nhỏ ở giữa hai làng miền thượng.

Từ bé tới giờ tớ chưa đi ra khỏi lòng con suối chứ đừng nói là ra khỏi lũy tre làng. Nhưng tớ dám chắc không mấy chuyện trên đời này mà tớ không biết. Vì tớ có rất nhiều "tai mắt".

Minh họa: Mặc Tuân

Hằng ngày không biết bao nhiêu người được tớ tiễn qua con suối. Và con người, đúng, con người ấy các bạn ạ, quả thật phức tạp. Mỗi con người mang một vẻ mặt và tâm trạng khác nhau, có khi chỉ một con người đó lúc đi qua mang vẻ mặt kiểu này, lúc đi về có thể đã là kiểu khác. Họ đi thành nhóm hay đi đôi ba người, thậm chí có một người. Hôm thì rầm rầm nói chuyện, hôm thì lẩm bẩm một mình, hôm lại lặng thinh vô tư lự. Nhưng dù họ có như thế nào tớ cũng đi guốc vào bụng. Mọi chuyện họ nói ra tớ "nhặt" sạch. Chả thế mà tớ dám tự tin tuyên bố biết hết tình hình thế sự.

Này nhé, từ chuyện Mỹ sa lầy ở Iraq, nước Úc thay thủ tướng... đến việc lên xuống giá xăng dầu, đồng tiền trượt giá trong nước hay huyện nhà tớ mới tách, bà trưởng ban kế hoạch hóa gia đình xã mới bị cách chức... tớ đều thuộc nằm lòng.

2. Nhắc tới họ nhà tớ, phải nói thực lòng là tớ rất lấy làm tự hào, dù hai từ "gia phả” với dòng họ tớ là không có trong từ điển. Nhưng như đã giới thiệu, nhờ những lời rầm rầm, rì rì của con người mà tớ biết từ khi mảnh đất này có người khai hoang, con người nhận thấy con suối không lớn nhưng cũng phải có cây cầu để đi cho đỡ ướt thì cụ tổ tớ xuất hiện. Và tới giờ có lẽ tới tớ là đời thứ mấy chục. Vì thực ra cái chu kỳ sinh, lão, bệnh, tử của họ hàng nhà tớ cũng chóng lắm, nhiều lắm cũng chỉ được mấy năm thôi. Không cẩn thận tới mùa lũ về là quy tiên liền.

Kể tới đây tớ lại nhớ bố. Bố tớ mất rồi. Năm ngoái. Sau một cơn mưa lớn, lũ thượng nguồn về giữa đêm và cuốn phăng bố tớ đi, xa tít tắp, có thể về mãi dưới hạ nguồn. Nhiều khi nghĩ sao sống mà khó thế. Mình thiết tha sống, thiết tha được phục vụ mà vẫn có kẻ muốn ngáng đường. Tội lắm các bạn! Kể ra cũng do cái nghèo. Nếu nhà tớ giàu một chút để có thể xây bêtông cốt thép thì chắc sẽ trường thọ hơn. Đằng này tớ được làm bằng mấy cây tre ghép lại, rồi bắc lên mấy cọc tre, phía trên được mặc một lớp đất đỏ, nện thật chắc xuống cho bằng phẳng. Vì vậy chỉ cần một trận lũ vừa phải là chân tớ  - những cọc tre - không tài nào chống lại được.

3. Kể từ ngày bố tớ ra đi, tớ được mấy bác ở gần suối dựng lên và tiếp quản nghề tiên tổ thì tớ đã chứng kiến không biết bao nhiêu chuyện buồn cười... ra nước mắt.

Có bận một chiều tớ đang mải mê nhìn cánh diều bay trên nền trời cao chấp chới, thì con trai lão hàng thịt đi chở lợn thay cho bố nó chạy qua. Vừa ra tới giữa cầu, con lợn giở chứng giãy đạp. Thằng con lão còn nhỏ, tay lái yếu, mà thân tớ cũng nhỏ - có mấy cây tre ghép mảnh dẻ - thế là cả xe, cả người và lợn được một phen tắm suối.

Hay đêm nọ tớ đang chăm chú tìm chòm sao thần nông đi cấy, bỗng giật mình nghe tiếng hát ì xèo đến hụt hơi, ngoái lại bờ bắt gặp hai lão say. Tớ sợ quá. Không phải sợ người say mà sợ thay cho hai lão đang bước thấp bước cao lên cầu. Tớ tính sẽ đưa hai lão qua cẩn thận. Nhưng hai lão bước hụt ra phía rìa cầu, chới với và "tõm". Lần ấy may có người khác qua đường kéo hai lão lên, không thì kiểu gì cũng chết. Mà chết thì tớ ân hận cả đời. Vì không gì tớ cũng gián tiếp không làm tròn bổn phận.

Ấy là những sự cố hi hữu thôi. Còn lúc vào mùa mưa trông tớ mới tội thê thảm. Mưa về, lớp áo đất đỏ của tớ trở nên nhão nhoét, lầy lội và rất trơn. Ai cẩu thả, hấp tấp là ngã như thường. Nhiều chỗ xe, người đi xuống mãi, đất trồi ra hết còn trơ lại thân tre. Lúc ấy trông tớ hốc hác, gầy tong teo, nghĩ mà vừa tủi vừa thẹn với mây, với suối, với cả con người nữa.

4. Mấy năm gần đây thời tiết thay đổi chóng mặt. Ông trời như trở mặt, biến hóa khôn lường. Nghe đâu hết En-ni-no đến La-ni-na thay nhau diễn tập. Áp thấp nhiệt đới hình thành rồi mạnh lên thành bão như cơm bữa. Mùa mưa và bão về sớm hơn. Nếu như tháng bảy trước kia con suối vẫn trong xanh như chẳng thèm đoái hoài tới thế sự, những hòn đá cuội vẫn vô tư hết tắm suối mát lại lên phơi nắng, thì những năm gần đây, vào thời điểm ấy, dòng suối đã cuộn trào đục ngầu giận dữ sau mỗi trận mưa lớn.

Người ta kháo nhau cũng bởi con người cả. Tại con người mải chạy theo lợi nhuận, mải khai thác mà quên mất việc bảo vệ. Các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất sinh ra một lượng tiền khổng lồ nhưng cũng sinh ra một lượng khói bụi vào không khí và chất thải vào nguồn nước một lượng khổng lồ gấp bội.

Bà mẹ trái đất lâu nay vốn ăn ở sạch sẽ và ngăn nắp nên thấy vậy bà giận là phải. Bà nóng lên. Nóng cả hai cực. Băng đang tan. Chiếc áo của bà - tầng ôzôn - cũng chật quá. Không chịu đựng được nó rách, thủng lỗ chỗ rồi. Tớ biết tới giờ vẫn chưa ai dám lên trên ấy vá lại cho lành. Nó không đơn giản như vá một tấm vải. Chính con người đang tự giết họ một cách từ từ. Mà cái thế giới con người cũng lạ thật đấy. Tớ lấy làm khó hiểu. Sao họ không thèm nghĩ cho con cháu họ nhỉ, dẫu là tí ti thôi. Liệu họ có tưởng tượng được viễn cảnh con cháu họ sẽ phải sống chung với môi trường nồng nặc ô nhiễm, tài nguyên cạn kiệt, quanh năm thiên tai. Lúc ấy con cháu họ muốn tồn tại chắc phải biến thành rôbôt hết. Thật khủng khiếp!

Đấy là những ý nghĩ lớn lao mà tớ nghe lỏm được của mấy ông "ăn khoai lang nói chuyện thế giới". Còn ngay trước mắt tớ, thấy rõ rành rành là rừng cây trên thượng nguồn gần như đã bị khai thác trụi. Cây lớn làm gỗ, cây bé làm củi. Chính vì vậy mà mưa về là lũ ào xuống rất nhanh, nhanh đến không ngờ. Con người phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc này. Nhưng bực một nỗi là tớ cũng bị vạ lây. Vì giờ mưa nhiều hơn, bão mạnh hơn, áp thấp nhiệt đới khôn lường hơn. Những thứ ấy khiến tớ sợ. Thân tớ vốn mảnh dẻ, sao chịu được nơi đầu sóng ngọn gió.

5. Cách đây ít hôm thôi, tớ đã trải qua những giây phút hoảng loạn nhất đời mình.

Sáng ấy nước suối lên nhanh, chỉ sau một ngày mưa đêm trước mà nước sắp vượt mặt tớ, quá chân cầu. Khi trông thấy cô giáo đi xe xuống cầu tớ đã không tin tưởng vào khả năng của mình là có thể đưa cô qua. Và dường như, một cách vô thức, cô cũng hiểu được nỗi lo của tớ. Cô chống xe, xách cặp và đồ đi thử qua trước. Khi cô bước ra tới giữa tớ đã la lên. Nhưng bất lực. Tớ biết mình và con người bất đồng ngôn ngữ. Tớ có thể hiểu con người nói nhưng tớ nói thì con người không thể hiểu được. Và thế là cô quay lại dắt xe qua. Tớ hoảng quá không biết làm sao. Lúc cô ra tới giữa cầu tớ biết tớ khó mà đỡ cô được. Tớ vặn mình ra hiệu. Toàn thân tớ kêu răng rắc. Nhưng nước lũ lớn quá. Tiếng nước át cả tiếng tớ, dù tớ đã cố gào thét hết sức. Đúng lúc ấy thì một khúc gỗ trôi giữa dòng lao vào chân tớ.

Tớ khuỵu xuống cái "rầm". Cô và chiếc xe rớt xuống giữa dòng cơn lũ. Tớ bị lũ đánh cho tơi tả. Nhận lên nhận xuống. Mỗi khi trồi lên tớ thấy cô giáo chới với bùng nhùng trong bộ áo mưa cũng đang bị dòng nước cuốn đi. Nhưng tớ chẳng thể làm được gì. Tớ cầm chắc cô không thể chống lại được. Vậy mà ông trời còn có mắt. May sao trôi xa một đoạn, nước quẩn lại, cô dạt qua và nắm được ngọn tre đổ xuống mặt suối vì gió. Cô giáo thoát nạn. Tớ cũng hút chết.

Giờ nghĩ lại vẫn lạnh cả người.

6. Sau lần ấy cả xã hoảng lên. Mấy bà đi chợ qua ai cũng bảo sao cô giáo lại bị mà không phải mấy ông cán bộ bị cho họ sáng mắt ra. Có cây cầu hứa xây năm lần bảy lượt rồi để đó mãi. Mà nếu xây thì tiền của dân chứ tiền của mấy ông ấy đâu. Đúng thế! Tớ cũng không hiểu vì sao nữa. Ông cán bộ nào lên lãnh đạo cũng hứa sẽ xây cầu. Rốt cuộc các ông ấy lên hết khóa, xây được cái nhà riêng là họ hạ cánh an toàn. Bốn ông rồi. Không ông nào làm nổi khóa rưỡi. Hết một khóa, xây nhà cao tầng, rồi nghỉ. Đây là liên khúc, là bài ca đi cùng năm tháng ở xứ này. Cái lời hứa xây cầu bắc qua suối mấy ông nói xong rồi nuốt nhanh tới mức không kịp tiêu hóa.

Chả là địa bàn chỗ tớ có một mỏ khoáng sản lớn mà nhà nước chưa đưa vào quy hoạch khai thác, nên mấy bố ấy cứ bám vào mỏ ấy mà "chơi" với quân đầu nậu, quên hết dân. Bảo thế có bực không chứ.

7. Sắp tới đây mỏ quặng sẽ được đưa vào khai thác theo quy định của nhà nước. Sẽ có một nhà máy được xây dựng ngay trên đỉnh dốc qua suối. Và nhất định sẽ có một cây cầu được dựng lên cho xe có trọng tải lớn qua. Ấy là tớ nghe mấy ông ngồi xe con láng coóng qua suối về khảo sát vùng mỏ nói thế. Vậy là tớ sắp hết thời. Nhưng tớ vui. Vui lắm. Vì tớ sẽ được hóa kiếp sang một cuộc đời mới. Đẹp hơn. To lớn hơn. Vững chãi hơn.

Các bạn biết không, giờ đây mỗi đêm trong giấc ngủ tớ đều mơ thấy tớ không còn là một cây cầu luồng đắp đất nữa mà là cây cầu bêtông trắng toát với hai nhịp trụ rộng thênh thang, vô tư ngắm mây trời, sáo diều mỗi chiều và chị Hằng mỗi tối mà chẳng phải nghĩ ngợi gì.

Quả thật, cái ngày ấy sẽ đẹp biết bao!    

VĂN THÀNH LÊ (Áo Trắng)

Chia sẻ