Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
(BDO) Trong vụ “đại án” liên quan đến kit test Việt Á, cựu Giám đốc CDC Bình Dương là một trong số ít bị cáo từ chối nhận tiền và là bị cáo duy nhất được tuyên miễn trách nhiệm hình sự vì “dám nghĩ dám làm”.
Từ câu chuyện này đặt ra rất nhiều suy nghĩ về đạo đức, nhất là tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên hiện nay.
Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ở TP.Thuận An ngày càng có nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu. Ảnh: Thu Thảo
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải ở trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Chính vì vậy mà đối với mỗi cán bộ, đảng viên cần luôn tu dưỡng về đạo đức. Không chỉ những người cách mạng, dưới chế độ phong kiến, cha ông chúng ta khi ra làm quan bao giờ cũng phải nằm lòng lời dặn của người xưa: “Qua điền bất nạp lý/ Lý hạ bất chỉnh quan” (Đi qua ruộng dưa không nên sửa giày/Đi dưới cây mận đừng chỉnh lại mũ). Dưa bò dưới đất, nếu đi qua vườn dưa ai đó cúi xuống xỏ giày rất dễ bị người đằng xa nghi là hái trộm dưa. Đi dưới cây mận mà giơ tay sửa nón rất dễ bị nghi ngờ là hái trộm mận.
Ý của người xưa căn dặn rằng phàm đã làm quan, ở nơi pháp luật không soi chiếu tới nhưng người làm quan vẫn luôn luôn nghiêm cẩn với chính mình, bởi dù không có pháp luật nhưng vẫn còn đó đạo đức để điều chỉnh hành vi. Đã là con người bao giờ cũng có phần thiện ác, thiện ác luôn có trong mỗi người, thanh liêm hay tham đều có ở mỗi người giống như hai mặt sáng và tối.
Những người có đạo đức, luôn tu dưỡng đạo đức chắc chắn sẽ bỏ tối theo sáng, còn kẻ tham lam ắt hẳn sẽ vô minh rồi bị dẫn vào con đường tối. Đối với những người tận tâm, tận lực vì việc công, vì nước, vì dân họ sẽ lựa chọn đi vào nơi con đường sáng.
Có lẽ vì tầm quan trọng của đạo đức, đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên như vậy nên sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ đảng viên của Đảng. Người khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Ngay từ những ngày đầu chuẩn bị các điều kiện cho sự ra đời của một chính đảng cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã rất quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ hội đủ 2 điều kiện cần và đủ là: ĐỨC và TÀI. Bài giảng đầu tiên cho lớp cán bộ ở Quảng Châu, Trung Quốc năm 1927 do đích thân lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì và đứng lớp có nội dung "Tư cách một người cách mệnh". Trong bài giảng này, Người đã nêu lên 23 tư cách cần có của một người cách mạng.
Trong suốt cuộc đời cách mạng sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến giáo dục đạo đức cho đội ngũ đảng viên, bởi theo Người: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”.
Ngay trong những ngày gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tại chiến khu Việt Bắc, Người đã dành thời gian viết tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc” với rất nhiều những chỉ dẫn về “sửa đổi lối làm việc”, đặc biệt là những vấn đề về trau dồi đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nếu không tính Di chúc thì tác phẩm được xem là cuối cùng viết về giáo dục đạo đức chính là bài viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng trên báo Nhân Dân ngày 2-9-1969…
Trung với nước, hiếu với dân", từ những con người bình dị các cán bộ, chiến sĩ đã làm nên lịch sử, góp phần đưa đất nước ngày càng phát triển. Ảnh: Thu Thảo
Tại sao phải đề cao giáo dục đạo đức và đạo đức cách mạng? Chúng ta đều biết rằng con người có lý trí, vì vậy con người luôn dùng lý trí của mình để điều chỉnh hành vi, vì vậy con người bao giờ cũng luôn hướng về những điều cao cả, tốt đẹp. Nếu đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, người đọc không lạ nhân vật Hồ Tôn Hiến. Trước vẻ đẹp của Thúy Kiều, mặt sắt của Hồ Tôn Hiến đã “ngây vì tình”. Thế nhưng vì là một mệnh quan của triều đình nên Hồ Tôn Hiến đã bừng tỉnh: “Nghĩ mình phương diện quốc gia. Quan trên trông xuống, người ta trông vào”. Chưa cần kỷ luật của triều đình, chưa cần đến pháp luật, bản thân ý thức đạo đức trong con người - ông quan Hồ Tôn Hiến đã buộc ông phải dừng lại ý định chiếm đoạt Thúy Kiều.
Nhìn lại hoạt động của xã hội, sẽ không khó khăn gì để giải thích rằng vì sao cũng một công việc ấy, cũng chức vụ ấy, cũng là đảng viên nhưng tại sao có những người tận tâm tận lực với công việc, hết mình đóng góp cho công việc chung, trái lại có người tham ô, tham nhũng làm những việc tồi bại.
Một việc cụ thể nhất là vụ Việt Á, có nhiều giám đốc CDC và cả những người khác nữa nhận hối lộ, song vẫn còn đó những người như ông Nguyễn Thành Danh. Họ đều là đảng viên, vậy họ đều chịu chung kỷ luật của Đảng, họ đều là công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nên họ đều phải chịu sự chi phối và điều chỉnh của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Thế nhưng, có những người nhận rất nhiều tiền của Việt Á, có người cương quyết không nhận như ông Nguyễn Thành Danh vì suy nghĩ: “Tôi làm vì công việc, hết mình vì công việc thôi. Còn trong khi dịch giã như vậy anh em ai cũng phải tham gia chống dịch hết. Mình cầm tiền là mình sai. Cho nên tiền và quà tôi cũng từ chối hết, tôi không nhận.” Bổn phận của người cán bộ và tự ý thức về trách nhiệm, đạo đức đã làm cho ông Nguyễn Thành Danh vượt qua ma lực của đồng tiền.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng; đấu tranh có hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết”. Kỷ luật Đảng nghiêm minh, pháp luật nghiêm minh là cần thiết nhưng nó chỉ góp phần xử cái sai, cái xấu, cái ác. Chỉ có đạo đức mới làm cho cái tốt nảy nở, sinh sôi…
Tiến sĩ Vũ Trung Kiên
(Học viện Chính trị Khu vực II, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)