| 02-07-2014 | 09:13:50

Túng thiếu nhìn con bệnh

 Khi chúng tôi đến phòng cấp cứu Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh, chị Lâm Thị Hoành Thương đang thẫn thờ ngồi nhìn con chiến đấu với bệnh tật. Chị còn thẫn thờ “chiến đấu” với cơn túng thiếu không biết tiền viện phí đợt tới tìm đâu ra…

Chúng tôi biết đến trường hợp quá khó khăn này khi vợ chồng anh Sơn Thu, chị Lâm Thị Hoành Thương bồng 2 con nhỏ là Sơn Long Thành (sinh năm 2011) và Sơn Long Thái (2012) đến Báo Bình Dương… cầu cứu! Họ đã cùng đường và xin giúp đỡ. Họ nói không có tiền chuyển viện dù con bệnh trở nặng nên đành phải quay về nhà trọ. Hôm đó, đại diện chương trình “Hãy gọi đến chúng tôi” của Báo Bình Dương chỉ biết chia sẻ nỗi khó khăn này bằng cách giúp ít tiền để cả nhà ăn bữa cơm, đi xe ôm về Thạnh Phước, Tân Uyên - nơi vợ chồng họ ở trọ làm nhân công cho một lò gạch.

Nhưng về nhà, nhìn con bệnh, sốt cao lại không đành. Dù có giấy chuyển viện đến BV Nhi đồng (TP.HCM) để được tiếp tục điều trị nhưng tiền đâu đi thành phố? Thế là họ lại nghỉ việc đưa hai con… quành lại BV Đa khoa tỉnh. Khi chúng tôi hay tin, đến BV Đa khoa tỉnh tìm hiểu mới biết tình trạng bệnh tật của hai đứa trẻ đáng thương này. Bé Sơn Long Thành mới hơn 2 tuổi bị hen suyễn và tim bẩm sinh đang nằm bên phòng bệnh khoa nhi với dì ruột của nó. Bé Sơn Long Thái, hơn một tuổi nằm phòng cấp cứu khoa nhi. Cháu Thái bị viêm phổi cấp và tiêu chảy. Người mẹ trẻ nóng ruột chốc chốc lại chạy sang với đứa con lớn. Hỏi chồng đâu chị nói tranh thủ về đóng gạch cho chủ chứ không thì đói cả nhà.

Chị Hoành Thương đang chăm sóc cháu Sơn Long Thái tại phòng cấp cứu BV Đa khoa tỉnh 

Hỏi chuyện gia đình họ, bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi cho biết họ quá nghèo, không có tiền đóng viện phí, không có tiền để ăn uống, bồi dưỡng thêm. Trường hợp của 2 bé được chuyển viện còn do bệnh trở nặng nhưng gia đình không có tiền chuyển viện đành quay lại tiếp tục chữa chạy. Anh Thu, chị Thương là người Khơ-me ở Sóc Trăng lên Bình Dương làm thuê ở các lò gạch từ năm 2008. Họ yêu thương rồi đến với nhau trong cảnh nghèo túng và thuê phòng ở trọ đi làm loanh quanh các lò gạch ở Thạnh Phước, Tân Uyên. Liên tục 2 năm, 2 đứa con ra đời và bệnh tật ngặt nghèo chưa một ngày buông tha cho đứa con lớn. Đứa nhỏ không được chăm sóc kỹ cũng vặt vẹo ốm đau suốt. Chủ lò gạch trước của họ thương tình chạy vạy xin được sổ bảo hiểm y tế cho đứa anh. Đứa em chưa có sổ nên đi BV tốn tiền siêu âm, xét nghiệm máu, thuốc men... Đợt đầu tiên, số tiền viện phí gần 2 triệu đồng nhưng anh chị không có tiền để trả. Một chị có con nhỏ nằm chung phòng thấy thương tình lục tiền trong ví được hơn 1,7 triệu đồng đưa hết cho chị Thương đóng viện phí. Không có tiền chuyển viện, họ để con tiếp tục điều trị tại BV Đa khoa tỉnh nhưng theo chị Thương là “chúng tôi không thể có tiền ứng trước cho bệnh viện vì quá nghèo”. Vợ chồng anh chị đến chăm con phải sống nhờ vào bữa cơm từ thiện của BV phát cho.

Dì của 2 đứa trẻ là Lâm Thị Đà Ra cũng đang làm nhân công đóng gạch phải bỏ việc lên BV phụ chị chăm cháu. Tiền công mỗi ngày vài chục ngàn cũng phụ anh chị lo cho cháu nhưng như muối bỏ bể. Chị Thương từ ngày con bệnh không đi làm được nên tiền lương vài ba triệu đồng mỗi tháng của chồng không thể xoay xở cho 4 miệng ăn và 2 người đau! “Con nằm viện lần thứ 2 này, em đành trốn viện thôi bởi làm gì có tiền mà đóng chị ơi! Em còn nợ người ta cũng không biết đến khi nào trả đủ”… Nghe chị Thương trần tình mà ứa nước mắt. Lại chỉ biết đưa ít tiền giúp chị nhưng biết là chẳng thấm tháp vào đâu…“Em mong có tổ chức từ thiện nào cho con em chi phí chữa bệnh tim. Em mong có chút tiền lo cho thằng nhỏ chứ nó ăn uống thiếu thốn quá thế này… Em mong con hết bệnh, 2 vợ chồng cùng đi làm mới may ra thoát nghèo. Còn nữa chị ơi. Giá mà đứa nhỏ cũng có bảo hiểm y tế dưới 6 tuổi, giá mà em được xét miễn trả tiền viện phí đợt 2 này”… Mong ước của người mẹ trẻ được nói ra trong nghẹn ngào, trong tiếng nấc cố giấu nghe thật xót xa…

Khi tôi viết những dòng này, chị Thương đã về lại ấp Cây Chàm, Thạnh Phước cùng chồng đi làm kiếm tiền chữa bệnh cho con. Hỏi bệnh tình 2 đứa con sao rồi, chị nói: “Thằng Thái đỡ hơn nhưng thằng Thành vẫn lừ đừ. Uống sữa vào là ói ra. Nhìn con nóng ruột quá chị ơi”…

Xin những người hảo tâm hãy tiếp tục rộng lòng với gia đình quá khó khăn này. Xin hãy đến cùng chúng tôi để giúp đỡ càng sớm càng tốt, giúp các bé qua cơn bệnh ngặt nghèo và ba mẹ chúng còn có đường bước tới một ngày mai bớt nhọc nhằn hơn…

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ