| 30-07-2022 | 09:09:30

Tuyên truyền về tác hại của rượu, bia tại nhà hàng, quán ăn: Chủ động kéo giảm vi phạm ngay từ đầu

Thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (TT ATGT), Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an (CA) tỉnh phối hợp với CA các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền tác hại của rượu, bia đến tận các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, karaoke, các điểm có kinh doanh rượu, bia trên địa bàn tỉnh. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp mà tình hình đã có những chuyển biến tích cực.


Lực lượng CSGT đến tận nhà hàng tuyên truyền về tác hại của rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông

Trao đổi với Tổ tuyên truyền của Phòng CSGT CA tỉnh, anh Phan Hồ Thanh Nhuật, quản lý một cơ sở ăn uống tại TP.Thủ Dầu Một chia sẻ, khi nghe lực lượng CSGT siết chặt việc kiểm tra nồng độ cồn, nhiều khách hàng vào quán không dám uống bia vì phải lái xe về nhà. “Từ khi có chủ trương tuyên truyền vi phạm về nồng độ cồn tận các nhà hàng, quán ăn, khách vào quán uống bia, rượu giảm hẳn. Khách cũng ý thức về sự nguy hiểm và tuân thủ luật tốt hơn. Về phía nhà hàng, chúng tôi đã bố trí một đội xe mô tô, ô tô để đưa những thực khách “quá chén” về nhà an toàn và hoàn toàn miễn phí. Nhà hàng luôn đề cao việc chấp hành các quy định của pháp luật và tìm các giải pháp phù hợp để giữ chân khách hàng. Nhờ vậy mà lượng khách không sụt giảm”, anh Nhuật cho biết.

Khi tổ công tác đến tuyên truyền tại quán ăn T. ở phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát, ngoài quản lý quán thì các nhân viên cũng được huy động để nghe, từ đó tuyên truyền cho khách hàng. Được biết quán T. cũng bố trí đội xe ô tô, mô tô đưa khách về nhà miễn phí để bảo đảm an toàn.

Nói về công tác tuyên truyền trực tiếp tại các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn phường, bà Ngô Thị Kim Loan, Chủ tịch UBND phường Mỹ Phước, cho biết phường đã chỉ đạo lực lượng CA địa phương rà soát các nhà hàng, quán ăn, karaoke, các điểm có kinh doanh rượu bia, sau đó gửi thông báo đến các cơ sở này để chủ, quản lý, nhân viên sắp xếp thời gian tham gia các buổi tuyên truyền và nắm những quy định của pháp luật về Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; hậu quả của việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu bia và mức xử phạt đối với hành vi này. “Thời gian tới, lãnh đạo địa phương sẽ chỉ đạo lực lượng CA phường chủ động tuyên truyền đến các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn phường để nâng cao hiểu biết của người dân, hạn chế các trường hợp vi phạm nồng độ cồn”, bà Loan cho biết.

Thiếu tá Lê Khắc Long, Phó đội trưởng Đội tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông, Phòng CSGT CA tỉnh, cho biết Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ ngày 1-1-2020; Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đã quy định mức xử phạt nghiêm khắc đối với người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn. Theo chỉ đạo của Bộ CA, lực lượng CSGT toàn quốc đang thực hiện chuyên đề kiểm soát vi phạm nồng độ cồn và ma túy trong cả năm 2022. Đây là một trong những giải pháp quyết liệt để kéo giảm các vi phạm về TT ATGT liên quan đến rượu, bia. “Việc CSGT đến tận các nhà hàng, quán ăn để tuyên truyền là cách làm mới và chủ động hơn để kéo giảm các vụ vi phạm, tai nạn. Thời gian qua, tổ đã thực hiện 11 cuộc tuyên truyền tại các phường Chánh Nghĩa, Phú Thọ, Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một); phường Mỹ Phước (TX.Bến Cát) và cùng chủ nhà hàng, quán ăn ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định. Kết hợp phát 200 áp phích với khẩu hiệu “Đã uống rượu - bia, không lái xe” cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông”, Thiếu tá Lê Khắc Long cho biết.

Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng đã phát hiện 35.006 trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, trật tự đô thị; xử phạt 33.786 trường hợp với tổng số tiền hơn 71 tỷ đồng. Trong đó, lực lượng CSGT và công an các địa phương phát hiện 34.549 trường hợp vi phạm, xử phạt 33.329 trường hợp với tổng số tiền hơn 69 tỷ đồng. Theo đánh giá, các hành vi vi phạm xảy ra nhiều gồm không đội mũ bảo hiểm (23,2%); vi phạm nồng độ cồn (14,26%); đi không đúng phần đường, làn đường (12,38%); dừng, đỗ xe trái quy định (10,36%), vi phạm về tốc độ (5,63%); không chấp hành tín hiệu đèn, biển báo giao thông (4,6%).

QUỲNH ANH

Chia sẻ