| 04-11-2019 | 08:19:06

TX.Thuận An: Kiên quyết xử lý cơ sở phế liệu “chây ì”

Hiện trên địa bàn TX.Thuận An có hơn 200 cơ sở kinh doanh phế liệu (CSPL) đang hoạt động. Bên cạnh những đóng góp của các cơ sở này trong vấn để thu gom phế liệu thì nhiều hệ lụy phát sinh gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và an ninh trật tự tại địa phương. Nhằm khắc phục tình trạng trên, chính quyền địa phương đang triển khai nhiều giải pháp và nhận được sự ủng hộ của người dân.


Mặc dù đã bị xử phạt hành chính nhưng CSPL trên đường Bình Hòa 24, khu phố Đồng An 2, phường Bình Hòa vẫn tiếp tục hoạt động

Phạt tiền, “không ăn thua”?

Cùng với quá trình phát triển kinh tế, trên địa bàn TX.Thuận An hình thành các cơ sở kinh doanh phế liệu, góp phần tái chế, tái sử dụng một phần lớn lượng rác thải trên địa bàn. Bên cạnh những mặt tích cực, CSPL hoạt động phát sinh nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng đến môi trường và mỹ quan đô thị.

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường TX.Thuận An, hiện trên địa bàn thị xã có hơn 200 CSPL, trong đó CSPL có diện tích dưới 500m2 và thuộc sự quản lý của UBND các xã, phường chiếm hơn 80%. Trong quá trình hoạt động, các CSPL này không bảo đảm mỹ quan đô thị và thường vi phạm về đất đai, xây dựng.

Đáng nói là các CSPL hoạt động trong khu dân cư luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Thực tế cho thấy, trên địa bàn TX.Thuận An đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ có liên quan đến CSPL. Gần đây nhất, vào ngày 6-5, vựa phế liệu của Công ty nhựa A. (khu phố 4, phường An Phú) đã xảy ra cháy. Vụ cháy không những gây thiệt hại tài sản cho CSPL mà còn khiến người dân càng thêm bất an về vấn đề cháy nổ, nhất là những nhà dân sống gần các cơ sở này.

Trước tình hình trên, các ngành chức năng TX.Thuận An đã triển khai nhiều giải pháp nhằm lặp lại trật tự hoạt động kinh doanh phế liệu tại địa phương. Qua công tác kiểm tra, các địa phương đã lập biên bản, xử phạt hành chính nhiều CSPL vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy… Tuy nhiên theo chính quyền địa phương, việc xử lý hành chính với số tiền phạt chỉ vài triệu đồng “không thấm” so với khoản lợi nhuận lớn từ việc kinh doanh phế liệu mang lại.

Điển hình vào tháng 1-2018, Chủ tịch UBND phường Bình Hòa ra quyết định xử phạt hành chính CSPL của ông Nguyễn Văn Thủy (đường Bình Hòa 24, khu phố Đồng An 2) các hành vi “không có kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định; không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy đầy đủ theo quy định” với tổng số tiền phạt 2,9 triệu đồng. Đồng thời, UBND phường Bình Hòa yêu cầu ông Thủy “Có biện pháp quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, phát sáng, phát nhiệt và xử lý khí thải, nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định”. Tuy nhiên theo ghi nhận của P.V đến nay đã hơn 1 năm, CSPL trên vẫn còn hoạt động, phế liệu để dưới lòng đường gây cản trở giao thông.

Khó cũng phải “dẹp”!

Từ thực tế việc xử lý hành chính CSPL không đạt hiệu quả cao, UBND TX.Thuận An đã ban hành quyết định cưỡng chế vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đất đai, xây dựng, thương mại và phòng cháy chữa cháy đối với một số CSPL trên địa bàn. Cụ thể tại phường An Phú, UBND TX.Thuận An đã xử phạt hành chính CSPL của vợ chồng bà Lê Thị Lan (khu phố 4), đồng thời yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, vợ chồng bà Lan chỉ đóng phạt, còn việc tháo dỡ công trình vi phạm thì “lần lữa” và tiếp tục hoạt động kinh doanh phế liệu.

Sau nhiều lần vận động không thành, lãnh đạo UBND TX.Thuận An cùng UBND phường An Phú vừa tổ chức đối thoại với bà Lan về việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả các quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng và quyết định cưỡng chế đối với CSPL của gia đình bà. Qua làm việc, bà Lan thống nhất việc ngưng kinh doanh phế liệu tại hai địa điểm vi phạm; cam kết không kinh doanh phế liệu và đồng ý tháo dỡ công trình vi phạm theo quyết định của Chủ tịch UBND TX.Thuận An. Đồng thời, bà Lan cũng đề nghị được chuyển mục đích sử dụng đất tại khu vực cưỡng chế công trình vi phạm và xin tồn tại một phần diện tích công trình xây dựng (khoảng 600m2).

Tuy nhiên, ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An, người chủ trì buổi làm việc, không đồng ý với đề nghị cho tồn tại công trình vi phạm của bà Lan mà yêu cầu bà phải chấp hành nghiêm quyết định cưỡng chế trước ngày 28-10. Trong trường hợp bà Lan không tự tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm thì UBND TX.Thuận An sẽ thực hiện quyết định cưỡng chế theo quy định.

Theo UBND phường An Phú, vào ngày 28-10, bà Lan đã ngưng hoạt động kinh doanh phế liệu và tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm theo quyết định xử phạt. Ông Võ Huỳnh Long, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú, cho biết: “Để buộc một CSPL ngưng hoạt động và tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng như trên là không dễ dàng và mất rất nhiều thời gian. Vì theo Nghị định 155/2016/NĐ- CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính và không có biện pháp khắc phục hậu quả là tháo dỡ công trình vi phạm, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu. Từ đó dẫn đến một số CSPL đóng phạt nhiều lần nhưng vẫn hoạt động. Để đối phó lực lượng chức năng, một số CSPL còn thay đổi người đứng tên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sau khi bị xử phạt hành chính”.

“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý CSPL trên địa bàn. Kiên quyết không để hoạt động kinh doanh phế liệu gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân và an ninh trật tự tại địa phương. Để hạn chế CSPL mới hình thành, UBND phường chỉ đạo các khu phố kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương khi phát hiện trường hợp nào có ý định kinh doanh phế liệu để có biện pháp tuyên truyền, vận động thay đổi ngành nghề kinh doanh. UBND phường An Phú tiếp tục kiến nghị các ngành chức năng cho phép thực hiện cưỡng chế vi phạm hành chính bằng việc ngưng cấp điện, nước đối với đơn vị vi phạm”, ông Võ Huỳnh Long đề nghị.

Trong khi đó, theo ông Ngô Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Bình Hòa, thời gian qua, UBND phường đã chỉ đạo các ngành chuyên môn tập trung giải quyết dứt điểm hoạt động kinh doanh phế liệu trong khu dân cư. Qua công tác kiểm tra xử lý, kết hợp tuyên truyền đã có 10 CSPL ngưng hoạt động hoặc chuyển đổi ngành ngành nghề kinh doanh. Đối với 57 CSPL còn lại, địa phương tiếp tục kiểm tra để xử lý. Tuy nhiên, UBND phường Bình Hòa đang gặp một số khó khăn dẫn đến công tác lập lại trật tự ngành nghề kinh doanh phế liệu không đạt hiệu quả. Cụ thể, mức phạt tiền xử phạt hành chính CSPL đối với các hành vi về trật tự xây dựng, đất đai… không đủ răn đe. Vì lợi nhuận kinh doanh nên một số CSPL chấp nhận đóng phạt nhiều lần.

“Mặc dù khó nhưng địa phương vẫn kiên quyết di dời những CSPL hoạt động gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. UBND phường sẽ thực hiện từng bước việc xử lý CSPL. Trước mắt, UBND phường sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh phế liệu trên địa bàn phường, trong đó giao ngành địa chính - xây dựng chủ trì phối hợp với các ngành liên quan tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai. UBND phường tiếp tục kiến nghị ngành chức năng xem xét cho phép cắt điện, nước đối với những CSPL không chấp hành quyết định cưỡng chế. Đây là biện pháp hiệu quả để xử lý CSPL chây ì”, ông Nghĩa cho biết.

Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên - Môi trường TX.Thuận An, thời gian qua, Đoàn kiểm tra liên ngành 7093 của UBND thị xã đã tổ chức kiểm tra được 40 CSPL, qua đó xử lý vi phạm hành chính đối với 23 CSPL với tổng số tiền hơn 790 triệu đồng.

Nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, UBND TX.Thuận An đã ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đất đai, xây dựng, thương mại và phòng cháy chữa cháy đối với 4 CSPL (thực hiện thí điểm) tại các phường Thuận Giao, Bình Chuẩn, An Phú và Bình Nhâm. Đến nay, qua công tác tuyên truyền, vận động đã có 3 CSPL thực hiện quyết định xử phạt và 1 cơ sở đã tiến hành cưỡng chế.

Theo UBND TX.Thuận An, việc xử lý thí điểm cưỡng chế 4 CSPL này nhằm răn đe các CSPL bị xử phạt hành chính nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục hoạt động. Từ đó để UBND các xã, phường rút kinh nghiệm và có giải pháp hiệu quả để xử lý các CSPL “chây ì” còn lại trên địa bàn.

 NGUYỄN HẬU

Chia sẻ